Cuộc chiến tại Ukraine, nỗ lực kiềm tỏa Trung Quốc ở lĩnh vực công nghệ, vấn đề hạt nhân là ba thách thức đối ngoại hàng đầu mà Tổng thống Mỹ Joe Biden phải đối mặt trong năm 2023.

Thách thức đối ngoại năm 2023 của ông Biden

Cẩm Bình | 03/01/2023, 16:17

Cuộc chiến tại Ukraine, nỗ lực kiềm tỏa Trung Quốc ở lĩnh vực công nghệ, vấn đề hạt nhân là ba thách thức đối ngoại hàng đầu mà Tổng thống Mỹ Joe Biden phải đối mặt trong năm 2023.

Năm 2022 bắt đầu bằng cuộc chiến Nga phát động tại Ukraine. Kể từ đó chiến sự diễn biến khó lường tác động mạnh đến thị trường lương thực và năng lượng toàn cầu.

Theo trang Foreign Policy, cuộc chiến là trọng tâm số 1 của chính quyền Tổng thống Biden năm trước. Tuy nhiên, trong chiến lược an ninh quốc gia công bố tháng 10, Nhà Trắng ngoài xác định Nga là mối đe dọa trực tiếp đối với hệ thống quốc tế thì cũng không quên bày tỏ lo ngại Trung Quốc có thể sớm có năng lực tái thiết trật tự thế giới. Không lâu sau Vụ An ninh và Công nghiệp thuộc Bộ Thương mại Mỹ ra quy định mọi công ty phải xin giấy phép nếu muốn bán sản phẩm bán dẫn hoặc thiết bị sản xuất liên quan cho Trung Quốc – động thái đem lại tác động sâu rộng và lâu dài.

Mỹ đã hoàn thành việc rút quân khỏi Afghanistan ở năm đầu Tổng thống Biden cầm quyền. Tuy nhiên, đảng Cộng hòa vừa nắm quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ có thể lấy đợt rút quân hỗn loạn làm lý do tổ chức nhiều phiên điều phần gây khó dễ cho Nhà Trắng.

Vấn đề hạt nhân dai dẳng cũng khá nhức nhối. Mỹ chẳng đạt được tiến bộ trong khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Iran, luôn phải lo ngại nguy cơ CHND Triều Tiên thử hạt nhân, cảnh giác Trung Quốc mở rộng kho vũ khí hạt nhân, Nga trì hoãn đàm phán gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (New START).

Loạt thách thức năm cũ kéo dài sang năm mới, đòi hỏi Tổng thống Biden phải nỗ lực vượt qua.

biden.jpg
Tổng thống Biden có nhiều thách thức phải vượt qua trong năm 2023 - Ảnh: Getty Images

Cuộc chiến tại Ukraine

Với tư cách nước viện trợ quân sự cho Ukraine nhiều nhất, nhiệm vụ chính của Mỹ là duy trì nguồn cung vũ khí ổn định cho phép Kyiv tiến tục chiến đấu. Tuy nhiên chính quyền Tổng thống Biden trong năm 2023 cần cân bằng giữa giữ vững cam kết viện trợ với sự giám sát chặt chẽ hơn từ giới nghị sĩ Cộng hòa.

Hiện tại triển vọng hòa bình rất u ám. Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 12 cảnh báo cuộc chiến có thể kéo dài, phía Ukraine cũng tuyên bố chiến đấu đến khi khôi phục lãnh thổ năm 2014 (gồm cả bán đảo Crimea). Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken từng nói rõ mục tiêu của Washington là giúp đỡ đánh đuổi Nga ra khỏi các phần lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng từ lúc cuộc chiến nổ ra đến nay (không có Crimea).

Nhưng nếu xuất hiện hy vọng đàm phán vào năm 2023, không loại trừ khả năng Mỹ đóng vai trò quan trọng.

Có chuyện đáng lo lắng hơn. Chính quyền Tổng thống Biden phải đảm bảo các đồng minh châu Âu tiếp tục cùng Mỹ duy trì áp lực với Nga cũng như viện trợ cho Ukraine. Châu Âu đứng về phía Ukraine, nhưng giá khí đốt và lương thực tăng vọt cộng thêm nguy cơ suy thoái kinh tế có thể khiến họ suy nghĩ lại.

Nỗ lực kiềm tỏa Trung Quốc ở lĩnh vực công nghệ

Quy định kiểm soát xuất khẩu bước đầu có hiệu quả – ít nhất trong ngắn hạn, giờ đây cần chờ xem Trung Quốc đáp trả thế nào và các đồng minh Mỹ hưởng ứng đến đâu.

Phản ứng từ Trung Quốc đã sáng tỏ phần nào: nước này khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Còn đồng minh là Nhật Bản, Hà Lan - hai quốc gia nắm giữ vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu - đang làm việc với Mỹ về khả năng phối hợp trong các vấn đề bán dẫn.

Nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới TSMC năm 2022 thông báo xây dựng nhà máy thứ 2 tại bang Arizona và tăng đầu tư vào Mỹ lên 40 tỉ USD. Đây là tin vui với Tổng thống Joe Biden, nhưng phải đến năm 2024 đầu tư mới tăng lên. Trong khi đó có thông tin Trung Quốc chuẩn bị tung gói hỗ trợ 143 tỉ USD thúc đẩy ngành chip nội địa.

tt3uyapvqt8wg5sxs5pcqw.jpg
Mỹ cần các đồng minh giúp sức kiềm tỏa Trung Quốc - Ảnh: CNET

Bên cạnh bán dẫn, Mỹ có thể nhắm vào vài mục tiêu quen thuộc. Lời kêu gọi cấm TikTok từ giới nghị sĩ và quan chức an ninh ngày càng mạnh mẽ. Đàm phán giữa chính quyền Tổng thống Biden với TikTok về hạn chế dữ liệu tại Mỹ mà ứng dụng được phép thu thập vẫn đang diễn ra.

Vấn đề hạt nhân

Năm 2023 khó mang lại tin tốt về vấn đề hạt nhân.

Quan chức phụ trách đàm phán của Mỹ và Iran đều thừa nhận nỗ lực đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân gần như đã đổ bể. Đặc phái viên Mỹ phụ trách Iran Rob Malley cuối mùa thu trước cáo buộc Tehran sắp sở hữu đủ nguyên liệu phân hạch để sản xuất vũ khí hạt nhân, quốc gia Trung Đông phá vỡ đề xuất thỏa thuận mới mà các bên liên quan khác đều ủng hộ.

Tại Đông Bắc Á, Mỹ cùng Hàn Quốc đều chuẩn bị tâm lý chờ CHDCND Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 7.

Trong năm 2022 Bình Nhưỡng đẩy mạnh chương trình tên lửa đạn đạo, tiến hành đến 63 vụ thử tên lửa đạn đạo – vượt xa kỷ lục 25 vụ thiết lập trước đó. Giới chuyên gia dự báo sắp tới Mỹ - Hàn sẽ tập trận chung nhiều hơn, nỗ lực lên án Triều Tiên tại Liên hợp quốc cũng sẽ tăng.

Về phía Nga, tuy quan hệ song phương xấu đi nhưng hai nước dường như sẵn sàng gia hạn New START. Đàm phán cấp thấp dự kiến khôi phục vào cuối tháng 11 năm ngoái lại bị hoãn lại không rõ lý do.

Nếu đàm phán nối lại trong năm 2023, đây sẽ là dấu hiệu cho thấy Mỹ - Nga có thể duy trì cơ chế kiểm soát vũ khí hạt nhân bất chấp căng thẳng vì cuộc chiến tại Ukraine.

Lực cản từ Quốc hội Mỹ với đối ngoại

Việc đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện Mỹ là “cái gai” đối với chính quyền Tổng thống Biden. Mục tiêu hàng đầu của giới nghị sĩ Cộng hòa là mở cuộc điều tra về đợt rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan.

Nghị sĩ Michael McCaul - người có khả năng trở thành Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện - đã soạn thảo một báo cáo chỉ trích chính quyền Tổng thống Biden không lập kế hoạch rút quân đầy đủ, bỏ rơi lực lượng biệt động Afghanistan do Mỹ huấn luyện. Các quan chức chính quyền sẽ phải điều trần.

Một vấn đề lớn khác là viện trợ cho Ukraine. Một số đảng viên Cộng hòa như hạ nghị sĩ Marjorie Taylor Greene hay thượng nghị sĩ J.D. Vance đều tuyên bố giám sát viện trợ chặt chẽ hơn.

Vấn đề Trung Quốc càng căng thẳng. Nghị sĩ Kevin McCarthy - người có khả năng trở thành Chủ tịch Hạ viện - thúc đẩy xây dựng chính sách đối ngoại của đảng Cộng hòa lấy Trung Quốc làm trọng tâm, tập trung nhiều chính trị gia chủ trương cứng rắn với Trung Quốc giúp tăng tốc quá trình phân tách giữa hai nước ở hàng loạt lĩnh vực. Ông từng đề xuất luật cấm TikTok tại Mỹ đồng thời bày tỏ lo ngại về trợ cấp thuế mà Mỹ dành cho pin mặt trời Trung Quốc.

Giá năng lượng

2022 là năm thị trường năng lượng biến động mạnh mẽ. Cuộc chiến tại Ukraine cùng loạt diễn biến sau đó khiến giá năng lượng tăng vọt, đẩy các quốc gia phụ thuộc năng lượng nhập khẩu vào cảnh hỗn loạn.

Dù không phải nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nhưng Mỹ vẫn đi đầu trong nỗ lực áp đặt giá trần với dầu Nga. Sau một năm đầy sóng gió, giờ đây trọng tâm của Tổng thống Biden là giữ giá cả toàn cầu ở mức thấp đồng thời thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Quốc hội Mỹ năm ngoái đã thông qua Luật Khí hậu, Thuế và Chăm sóc sức khỏe nhằm giúp Mỹ giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch của Tổng thống Biden. Tuy nhiên các đồng minh châu Âu lại đang buồn lòng vì Đạo luật Giảm lạm phát (giảm thuế cho linh kiện dùng trong công nghệ năng lượng tái tạo - chẳng hạn như xe điện - với điều kiện chúng được sản xuất ở Bắc Mỹ) đặt công ty lục địa già vào thế bất lợi trong cạnh tranh.

Diễn biến tình hình COVID-19 tại Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng mạnh đến thị trường năng lượng. Quốc gia tiêu thụ năng lượng nhiều hàng đầu thế giới mở cửa trở lại làm tăng thêm áp lực lên thị trường toàn cầu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thách thức đối ngoại năm 2023 của ông Biden