Trung Quốc mới đây đã công bố tên mới cho các thực thể địa chất dưới biển Hoa Đông trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh với Tokyo leo thang trở lại liên quan vấn đề chủ quyền với các hòn đảo trong khu vực này.

Thách thức Nhật Bản, Trung Quốc đặt tên cho 50 thực thể ở biển Hoa Đông

25/06/2020, 11:42

Trung Quốc mới đây đã công bố tên mới cho các thực thể địa chất dưới biển Hoa Đông trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh với Tokyo leo thang trở lại liên quan vấn đề chủ quyền với các hòn đảo trong khu vực này.

Trinh sát cơ Nhật Bản bay qua nhóm đảo Senkaku/ Điếu Ngư - Ảnh: AP

Trong một thông báo, Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc hôm 23.6 cho biết đã đặt tên mới cho 50 thực thể dưới biển, trong đó có các hẻm núi ngầm, đồng thời gọi đây là các "danh xưng tiêu chuẩn". Nhiều thực thể được đặt tên trên nằm gần với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản đang kiểm soát mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Trong số 50 cái tên mới, có 3 cái tên chứa chữ "Điếu Ngư".

Động thái của Trung Quốc được đưa ra sau khi Bắc Kinh cảnh báo trả đũa Nhật Bản vì đã đặt lại tên cho một khu vực hành chính thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp trên biển Hoa Đông. Theo đó, Hội đồng TP Ishigaki ở tỉnh Okinawa, Nhật Bản hôm 22.6 đã đổi tên quận đảo Tonoshiro nằm ở miền Nam Nhật Bản, thuộc quần đảo Senkaku, từ "Tonoshiro" thành "Tonoshiro Senkaku”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên gọi đây là nỗ lực nhằm củng cố yêu sách chủ quyền của Nhật Bản khi chèn thêm chữ "Senkaku" vào tên gọi hành chính mới, cho rằng quyết định này của Nhật "khiêu khích nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc". Ông triệu khẳng định đây là “một hành động bất hợp pháp, vô lý và không thể thay đổi thực tế rằng quần đảo Điếu Ngư thuộc về Trung Quốc".

Hải cảnh Trung Quốc sau đó cho biết một đội tàu của họ đang hiện diện trên vùng biển quanh nhóm đảo tranh chấp.

Tuy nhiên, hội đồng TP Ishigaki bác bỏ cáo buộc do Trung Quốc đưa ra. "Quyết định này được thông qua chỉ nhằm cải thiện hiệu quả thủ tục hành chính, không xem xét tác động của các nước khác", hội đồng lập luận.

Thị trưởng TP Ishigaki Yoshitaka Nakayama là người đệ trình nghị quyết đổi tên khu vực hành chính sau khi các tàu cá của Nhật bị tàu hải cảnh Trung Quốc xua đuổi tại vùng biển gần nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi đầu tháng 5. Ông Nakayama cũng bác bỏ cáo buộc của Trung Quốc rằng việc đổi tên nhằm củng cố yêu sách của Nhật đối với khu vực, khẳng định động thái "chỉ nhằm hợp lý hóa công việc hành chính".

Được biết, Trung Quốc gọi quần đảo Senkaku là Điếu Ngư, nhưng Nhật Bản hiện là bên quản lý trực tiếp kể từ năm 1972. Cả Tokyo và Bắc Kinh đều khẳng định có bằng chứng cho thấy họ đã xác lập chủ quyền với quần đảo này từ hàng trăm năm trước.

Chính phủ Nhật Bản duy trì quan điểm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là một phần vốn có của lãnh thổ Nhật Bản về mặt lịch sử và luật pháp quốc tế. Tokyo khẳng định không có vấn đề chủ quyền lãnh thổ nào cần phải giải quyết đối với quần đảo này. Phản ứng trước sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshi Suga khẳng định "nhóm đảo Senkaku thuộc quyền kiểm soát của Nhật" và "chúng tôi sẽ phản ứng với phía Trung Quốc một cách kiên quyết và bình tĩnh".

Không quá ngạc nhiên khi Trung Quốc từ lâu vẫn nuôi tham vọng kiểm soát và độc chiếm các vùng biển chiến lược bằng các yêu sách chủ quyển phi lý. Trung Quốc lên tiếng phản đối Nhật Bản đổi tên đơn vị hành chính quản lý quần đảo Senkaku là “một hành động bất hợp pháp, vô lý” nhưng họ lại quên mất rằng cách đây không lâu, chính Bắc Kinh đã ngang ngược đặt tên cho hàng chục thực thể trên Biển Đông và thiết lập trái phép cái gọi là "quận đảo Nam Sa, Tây Sa" để quản lý Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Hoàng Vũ (theo SCMP)

Bài liên quan
Trung Quốc bị ảnh hưởng vì Tesla, Amazon, Intel và Ericsson tiếp tục sa thải nhiều nhân viên
Việc cắt giảm lực lượng lao động quy mô lớn tại các hãng công nghệ nổi tiếng trên toàn cầu như Tesla, Amazon, Intel và Ericsson gây ra sự lo lắng ở Trung Quốc, nơi các công ty lớn cũng tiến hành sa thải nhân viên.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
8 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thách thức Nhật Bản, Trung Quốc đặt tên cho 50 thực thể ở biển Hoa Đông