"Tham nhũng tràn lan làm sức mạnh quân đội Trung Quốc yếu đi và rất khó để có thể thủ thắng nếu chiến tranh xảy ra" - đó là lời cảnh báo của một số tướng của Quân đội giải phóng nhân dân TQ (PLA), vào lúc TQ và các nước tranh chấp chủ quyền biển Hoa Đông và biển Đông.
Theo Reuters, các sĩ quan PLA đã nghỉ hưu và đang tại ngũ cùng giới truyền thông nhà nước TQ đều thắc mắc PLA quá tiêu cực thì liệu có thể thắng một cuộc chiến nào hay không.
Vài tháng qua, một loạt bài báo TQ đã so sánh tình trạng tham nhũng tràn lan của PLA với việc một quân đội tiêu cực đã khiến Trung Hoa thua trận trong cuộc chiến tranh Trung-Nhật hồi 120 năm trước.
Những quan ngại này do PLA được hiện đại hóa quá nhanh, từ việc tung ra chiến đấu cơ tàng hình cho đến khi “trình làng” chiếc tàu sân bay đầu tiên hồi năm 2012. Với nguồn ngân sách quốc phòng lớn hàng thứ hai thế giới (chỉ sau Mỹ), quân đội TQ đã phô trương sức mạnh trên biển Hoa Đông và biển Đông, gây bất ổn cho châu Á và khiến Mỹ cũng quan ngại.
Thua trận ngay từ đầu
Nhưng hai vụ tai tiếng đã vạch rõ nạn tham nhũng nghiêm trọng trong PLA, một đích nhắm lớn trong cuộc chống tham nhũng “đả hổ đập ruồi” của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Hồi tháng 6, TQ nói sẽ xét xử ở tòa án quân sự đối với tướng Từ Tài Hậu, người thôi làm phó chủ tịch Quân ủy trung ương (CMC) hồi năm 2013 để về hưu. Từ bị buộc tội tham nhũng, “ăn tiền” của các sĩ quan muốn “chạy chức lên lon”.
Đầu năm 2014, TQ cũng buộc tội tham nhũng với trung tướng Cốc Tuấn Sơn, phó cục trưởng cục hậu cần PLA (bị cách chức năm 2012). Các nguồn tin cho Reuters biết Cốc lợi dụng quyền chỉ định thầu khai thác đất của quân đội để bỏ túi riêng hàng triệu USD.
Điều các tướng và những chuyên gia TQ lo ngại là tình trạng “mua quan bán chức” - một bí mật mà ai cũng biết ở TQ - đã khiến nhiều sĩ quan có tài bị gạt sang một bên, để lấy chỗ cho những người "bất tài".
Cựu thiếu tướng Luo Yuan là một trong những lãnh đạo quân đội có tiếng, nói với trang tin điện tử The Paper (ở Thượng Hải) hồi tuần trước:
“Dù các quân nhân ấy phục vụ quân đội bao lâu chăng nữa, vẫn sẽ không bao giờ đủ lâu nếu các sĩ quan tiêu cực vẫn tiếp tục xuất hiện. Số tiền mà Từ và Cốc đã nuốt là hàng trăm triệu hoặc hàng trăm tỉ Nhân dân tệ. Với số tiền đó, các bạn có biết đóng được bao nhiêu chiến đấu cơ không? Nếu không diệt được tham nhũng, chúng ta sẽ thua trận ngay trước khi nhảy vào cuộc chiến”.
Reuters không thể tiếp xúc với Từ và Cốc, và cho biết Bộ Quốc phòng TQ từ chối bình luận về nạn tham nhũng trong PLA.
Bị Việt Nam đấm chảy máu mũi
“Bloody nose from VietNam” là tựa nhỏ của Reuters, để nêu việc ông Tập ở vai trò chủ tịch Quân ủy trung ương, đã lệnh cho 2,3 triệu quân nhân TQ (lực lượng quân sự đông nhất thế giới) phải sẵn sàng chiến đấu, dù Bắc Kinh luôn nhấn mạnh chỉ muốn quan hệ hòa bình với các nước láng giềng.
Lần được thử thách gần đây nhất của PLA là Chiến tranh biên giới 1979, khi họ xâm lược Việt Nam với cớ “dạy Việt Nam một bài học”, sau khi bộ đội Việt Nam tình nguyện qua Campuchia giúp tiêu diệt chế độ diệt chủng Pol Pot-Ieng Sary vốn được Bắc Kinh “chống lưng”.
Nhưng trong cuộc chiến này, bộ đội Việt Nam dày dạn kinh nghiệm chiến đấu đã đánh bại PLA.
Vào cuối những năm 1990, TQ tăng cường bài trừ tham nhũng trong quân đội, cấm PLA kinh doanh. Nhưng các nguồn tin nói PLA vẫn nhảy vào các lĩnh vực thương mại trong vài năm gần đây, do không có cơ chế giám sát quân đội.
Các chuyên gia quân sự nói: các sĩ quan phải “chạy” mới được “lên lon”, nên họ phải “ăn bẩn” để “gỡ vốn”. Những hình thức tham nhũng gồm cho doanh nghiệp tư nhân thuê đất quân đội, bán biển số đỏ của quân đội cho người “thích oai”, chiếm đoạt trái phép nhà của PLA và hưởng “lại quả” khi mua lương thực, khí tài quân sự.
Nhằm đề cao quyết tâm chống tham nhũng trong PLA, ông Tập đang chuẩn bị đưa tướng Lưu Nguyên vào Quân ủy trung ương, theo các nguồn tin của Reuters. Là con trai của cố Chủ tịch TQ Lưu Thiếu Kỳ, tướng Lưu hiện là chính ủy tổng cục hậu cần PLA, và là người “tuýt còi” tố cáo nạn tham nhũng trong quân đội hồi năm 2012, mở đường cho việc buộc tội 2 “tham tướng” Cốc và Từ.
Một cựu sĩ quan cấp cao giấu tên vì “chuyện nhạy cảm”, nói với Reuters:
“Tham nhũng trong quân đội phải được triệt tiêu tuyệt đối, đó là một mệnh lệnh để phát triển quân đội của chúng tôi”.
Lời cảnh cáo từ quá khứ
Nỗi lo ngại quân đội TQ tham nhũng tràn lan ngày càng tăng trong năm nay, là năm kỷ niệm 120 năm ngày bắt đầu cuộc chiến tranh Trung -Nhật, vốn kết thúc bằng việc giao Đài Loan cho Nhật kiểm soát một năm sau đó. Đó là một nỗi nhục quốc gia của TQ cho mãi đến ngày nay.
Mối quan hệ Trung-Nhật vốn căng thẳng từ việc Nhật chiếm đóng nhiều vùng đất Trung Hoa trước và trong Thế chiến 2, càng trở nên nghiêm trọng hơn vì TQ đòi chủ quyền quần đảo Điếu Ngư, trong khi Nhật đang kiểm soát quần đảo trên biển Hoa Đông này và gọi là quần đảo Senkaku.
Tàu tuần tuyên và chiến đấu cơ Trung-Nhật thường đối đầu ở khu vực này, làm nổi lên sự quan ngại một tai nạn sẽ có thể bùng nổ thành một cuộc chiến.
Các báo TQ tập trung “soi” việc PLA tham nhũng là lý do chính khiến Trung Hoa thua Nhật vào thời Mãn Thanh, một chủ đề mà tuần san Nghiên cứu thời đại (của Trường đảng trung ương) đã chọn trong tuần qua.
Bài viết nêu: “Vào cuối thời nhà Thanh, quân đội suy yếu cùng cực vì vô kỷ luật, tập luyện giả tạo, cờ bạc, thăm nhà thổ, hút thuốc phiện và quan hệ bất chính, hủ hóa tràn lan”.
Đây là một vấn đề luôn được PLA đề cập. Thiếu tướng Kun Lunyan là một nhà bình luận quân đội có tầm ảnh hưởng, viết trên phụ trương Hoàn Cầu thời báo (Reuters nói là một báo lá cải, còn ở TQ thì là phụ trương của Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản TQ) hồi tháng 5:
"Nạn tham nhũng trong quân đội đã lên tới mức nguy hiểm không tiền khoáng hậu. Liệu chúng ta có muốn thảm họa lịch sử này tái diễn trong quân đội của chúng ta?”.
Kun còn lưu ý quân nhân hãy “ghê tởm” trò đút lót để được thăng quân hàm.
Theo Reuter, Đảng Cộng sản TQ chẳng cần phải quay lại giai đoạn 120 năm trước, thì mới có thể hiểu được tầm quan trọng của việc sở hữu một quân đội “sạch”.
Vì TQ biết một lý do khiến phe Quốc dân đảng vì tham nhũng nghiêm trọng, đã thua trong cuộc nội chiến Trung Hoa nên phải tháo chạy ra Đài Loan năm 1949.
"Chiến tranh tầm bắn" giữa Mỹ và Trung Quốc
Trung Quốc lại có tuyên bố ngang ngược về biển Đông
Tổng thống Barack Obama: Đừng nên tin những tuyên bố suông của TQ
Năm 1898, TQ tuyên bố: “Hoàng Sa là đất hoang, không thuộc Hải Nam“