Tầm nhìn lớn của Elon Musk là biến Twitter thành điểm đến cho các dịch vụ tài chính. Đây không phải là lần đầu tiên một gã khổng lồ công nghệ tìm cách chen chân vào lĩnh vực của Jamie Dimon, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase (ngân hàng thương mại lớn nhất nước Mỹ).
Facebook đã dành nhiều năm đầu tư vào dự án Libra, được cho sẽ cách mạng hóa các khoản thanh toán xuyên biên giới, nhưng sự giám sát của cơ quan quản lý đã buộc họ phải từ bỏ nỗ lực này. Google đã lên kế hoạch cung cấp dịch vụ tài chính kỹ thuật số và thậm chí liên kết với 11 ngân hàng làm đối tác để chuẩn bị ra mắt trước khi đột ngột hủy bỏ toàn bộ kế hoạch. Amazon từng cân nhắc việc cung cấp tài khoản vãng lai cho người tiêu dùng, nhưng nỗ lực đó đã không bao giờ trở thành hiện thực.
Tài khoản vãng lai (hay tài khoản thanh toán) là một loại tài khoản tiền gửi được mở tại ngân hàng hoặc tổ chức tài chính nào đó nhằm mục đích cung cấp tiền cho nhu cầu cá nhân nhanh chóng và an toàn.
Tất nhiên, Elon Musk không giống như các giám đốc điều hành công nghệ khác. Các quyết định kinh doanh của tỷ phú 51 tuổi người Mỹ không có xu hướng đi theo con đường có thể dự đoán được, bằng chứng là ông có nhiều động thái gây sốc tại Twitter, gồm cả việc từ bỏ thương hiệu dựa trên con chim xanh mang tính biểu tượng và đổi thành X. Elon Musk cũng có kinh nghiệm về công nghệ tài chính, khi từng thành lập công ty hiện được gọi là PayPal Holdings.
Thế nhưng, lịch sử cho thấy Elon Musk phải đối mặt với những khó khăn. Thị trường đã chứng kiến nhiều tập đoàn công nghệ Mỹ cố gắng cạnh tranh với các ông lớn ngân hàng, nhưng chỉ có kết quả hạn chế khi đối diện với sự cạnh tranh và quy trình phê duyệt kéo dài.
“Tôi không hề nói rằng Elon Musk không thể làm được, nhưng đó là việc mất thời gian và đòi hỏi đầu tư vì bạn phải đảm bảo rằng thực hiện đúng các quy định toàn cầu”, Pranav Sood, Giám đốc điều hành nền tảng thanh toán xuyên biên giới Airwallex, nói.
Ứng dụng X như Elon Musk tưởng tượng sẽ kết nối cơ sở hạ tầng cơ bản của Twitter với X.com, địa chỉ web đang hoạt động như một dịch vụ định tuyến đến Twitter. Theo Elon Musk, X là ứng dụng kết hợp truyền thông, đa phương tiện và "khả năng điều hành toàn bộ thế giới tài chính của bạn".
Trong các thông điệp ủng hộ cuộc đại tu của Elon Musk, Linda Yaccarino (Giám đốc điều hành Twitter) cho biết X sẽ gồm cả các tính năng công nghệ tài chính như thanh toán và ngân hàng. Twitter đã nhận được giấy phép chuyển tiền ở 4 bang của Mỹ gồm Arizona, Michigan, Missouri và New Hampshire.
Đó là một tầm nhìn mà Elon Musk từng tweet vào năm 2022 khi mua lại công ty truyền thông xã hội này với giá 44 tỉ USD. Suy nghĩ của Elon Musk cho thấy ông muốn Twitter giống WeChat, dịch vụ nhắn tin đã trở thành siêu ứng dụng được hơn 1 tỉ người ở Trung Quốc sử dụng hàng ngày. WeChat của Tencent cũng là gã khổng lồ công nghệ tài chính khi hỗ trợ người dùng gửi tiền cho nhau, thanh toán hàng hóa và dịch vụ và thậm chí là vay tiền.
Đây không phải là bước đột phá đầu tiên của Elon Musk vào lĩnh vực thanh toán. Ông chuyển đến Thung lũng Silicon trong thời kỳ bùng nổ dot-com và thành lập một công ty từng được gọi là X.com nhưng sau này trở thành PayPal. Elon Musk đã kiếm được số tiền lớn đầu tiên khi PayPal được bán lại cho eBay. Về ngân hàng, Elon Musk cho biết ông đã từ chối “một số công việc được trả lương cao ở Phố Wall” để tập trung vào công nghệ. Đây là quyết định mang lại kết quả tốt cho Elon Musk, hiện là tỷ phú giàu nhất thế giới với tài sản ròng trị giá 236 tỉ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.
Thế nhưng, việc sử dụng các tính năng ngân hàng và thanh toán sẽ yêu cầu người dùng cảm thấy thoải mái với một công ty có tên sản phẩm hoàn toàn mới. Trong khi công ty đang gặp những khó khăn tài chính riêng sau khi Elon Musk khiến Twitter gánh chịu khoản nợ chi phí tăng cao.
Wechat, Alipay
Các nền tảng công nghệ trên khắp thế giới đang tìm cách tối ưu hóa việc kiếm tiền từ cơ sở khách hàng và các sản phẩm hiện có của họ, đồng thời từ lâu đã tìm cách thu hút sự tham gia thường xuyên, trung thành của người tiêu dùng giống với ngân hàng và các nhà cung cấp dịch vụ tài chính khác. Họ cũng muốn sao chép sự thành công mà WeChat và Alipay của Ant Group đạt được tại Trung Quốc.
Những năm gần đây, các hãng công nghệ Mỹ đã đầu tư vào việc tăng cường khả năng thanh toán và dịch vụ tài chính của họ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tiến trình của họ đã bị cản trở bởi sự phản đối từ các nhà làm luật và cơ quan quản lý.
Facebook của Meta Platforms đã ra mắt Hiệp hội Libra vào năm 2019. Ý tưởng là Facebook và các đối tác của mình là sử dụng stablecoin để cung cấp dịch vụ chuyển tiền cho người tiêu dùng rẻ hơn và dễ dàng hơn. Gần như ngay lập tức, các chính trị gia và cơ quan quản lý trên khắp thế giới kêu gọi Facebook tạm dừng dự án và các đối tác chính như Mastercard, Visa phải từ bỏ hiệp hội trong vòng vài tháng.
Google của Alphabet đã cố gắng và đấu tranh để trở thành một phương tiện giao dịch ở Mỹ, bất chấp thành công tương đối ở nước ngoài tại các quốc gia như Ấn Độ. Năm ngoái, Google đã gác lại kế hoạch thêm tài khoản ngân hàng vào ứng dụng thanh toán của mình sau khi ràng buộc các đối tác, gồm cả Citigroup, trong vài tháng nhưng công việc không tiến triển.
Amazon đã tổ chức các cuộc đàm phán vào đầu năm 2018 với các ngân hàng như JPMorgan Chase và Capital One Financial để cung cấp tài khoản vãng lai, nhưng điều đó không dẫn đến bất kỳ sản phẩm nào.
Từ bỏ tham vọng
Ngay cả công ty cũ của Elon Musk cũng tìm cách trở thành một siêu ứng dụng kiểu WeChat. Hai năm trước, khi có giá trị cao hơn cả Citigroup và Goldman Sachs Group cộng lại, PayPal đã lên kế hoạch thâm nhập đầy tham vọng vào các lĩnh vực mới, gồm giao dịch chứng khoán và tài khoản tiết kiệm có lãi suất cao, khi tìm cách vượt qua sứ mệnh ban đầu của mình như một nút thanh toán mang tính biểu tượng.
Song gần đây hơn, sau khi cổ phiếu lao dốc trong bối cảnh chi tiêu cho các nền tảng thanh toán của công ty chậm lại, PayPal phải từ bỏ những tham vọng đó. Ngày nay, Giám đốc điều hành Dan Schulman một lần nữa tập trung vào việc cải thiện nút thanh toán thay vì biến PayPal thành điểm đến đáp ứng nhu cầu tài chính của khách hàng.
“Ưu tiên đầu tiên và quan trọng nhất của chúng tôi là liên tục cải thiện trải nghiệm thanh toán có thương hiệu”, Dan Schulman nói với các nhà đầu tư vào tháng 5.
Jeff Tijssen, trưởng bộ phận công nghệ tài chính toàn cầu tại hãng tư vấn Bain & Co, cho biết quá trình chuyển đổi sang cung cấp các dịch vụ tài chính không phải đơn giản, do việc cạnh tranh gay gắt trên thị trường ngân hàng Mỹ, sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý và mức độ gắn kết cao của khách hàng với một sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể.
Ông nói: "Do đó, bạn sẽ cần phải nghĩ đến một đề xuất giá trị cực kỳ hấp dẫn và thực sự khác biệt để trở nên nổi bật".