Trong đề án phát triển y tế cộng đồng của TP.HCM, dường như cái đạt được và những tồn tại luôn là “hai đường thẳng song song” trong nhiệm vụ và tầm nhìn về y tế dự phòng.

Thấy gì trong đề án phát triển y tế cộng đồng của TP.HCM?

Quốc Ngọc | 21/01/2021, 13:33

Trong đề án phát triển y tế cộng đồng của TP.HCM, dường như cái đạt được và những tồn tại luôn là “hai đường thẳng song song” trong nhiệm vụ và tầm nhìn về y tế dự phòng.

138962957_ctv-quoc-ngoc-t-v-2-.jpg

Các chương trình phòng chống bệnh tật tập trung chủ yếu vào quản lý và điều trị người bệnh, chưa chú trọng tới dự phòng, phục hồi chức năng và giám sát theo dõi... theo Sở Y tế TP.HCM -  Ảnh: Quốc Ngọc
 

Cuối năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hoành hành, Sở Y tế đã trình UBND TP.HCM dự thảo Đề án “Phát triển y tế cộng đồng thực hiện bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân thành phố giai đoạn 2021-2030”. Tại phần kết quả đạt được để làm cơ sở xây dựng đề án, Sở cho hay, những mục tiêu, chỉ tiêu của các chương trình quốc gia về y tế - dân số, chương trình sức khỏe thành phố đều được hoàn thành, trong đó nhiều chỉ tiêu hoàn thành vượt mức đề ra và ở mức cao nhất cả nước.

Cụ thể, thành phố đã xây dựng nhiều kế hoạch thực hiện các chương trình, chiến lược quốc gia về phòng chống bệnh tật, nâng cao sức khỏe và tầm vóc cho người dân. Ngoài ra, các hoạt động y tế dự phòng được tăng cường đã góp phần ngăn chặn bệnh dịch nguy hiểm, không để xảy ra dịch lớn, đặc biệt đã kiểm soát thành công đại dịch COVID-19.

Có thể thấy, các kết quả nêu trong đề án nếu đúng thì ít nhiều công tác truyền thông giáo dục sức khỏe từ 2010 đến nay phải được làm khá tốt!? Ví dụ một số lĩnh vực cơ bản như thực hiện tốt mục tiêu nâng cao chất lượng dân số giai đoạn đầu đời, ổn định quy mô dân số, nhu cầu sử dụng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình của người dân, kiểm soát được tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, tổng số nạo phá thai dần dần được kéo giảm.

138962957_ctv-quoc-ngoc-t-v-1-.jpg
Các bệnh nhân tại một trung tâm y tế ở TP.HCM - Ảnh: Quốc Ngọc 

Hoặc công tác truyền thông phải mạnh thì TP.HCM mới làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em như báo cáo. Hoặc như công tác phòng, chống HIV/AIDS đã huy động được sự tham gia của toàn xã hội; tạo môi trường thuận lợi cung cấp các dịch vụ thân thiện, giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS… Thế nhưng, ngay trong cùng đề án của Sở, một trong các hạn chế hàng đầu của công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân lại là thông tin, giáo dục truyền thông chưa thật sự hiệu quả?

Trong các “thành tựu” được Sở Y tế thành phố nêu tại dự thảo, hiện nay đã có 318/319 phường, xã, thị trấn đạt được những yêu cầu cơ bản trong hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân theo tiêu chí quốc gia, trong đó, có các tiêu chuẩn về nhân lực, cơ sở hạ tầng trạm y tế, thuốc và trang thiết bị y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân.

138962957_ctv-quoc-ngoc-t-v-3-.jpg
Thăm khám cho một bệnh nhân nhỏ tuổi tại một bệnh viện ở TP.HCM - Ảnh: Quốc Ngọc 

Năng lực khám chữa bệnh của tuyến y tế cơ sở đã được nâng lên góp phần đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, tạo niềm tin và thu hút người dân đến với tuyến y tế cơ sở. Tuy nhiên, cũng ngay sau đó, sở cho rằng mạng lưới y tế dự phòng chưa tham gia đầy đủ vào hệ thống khám, phát hiện sớm, tư vấn và dự phòng bệnh tật.

Và dù được nâng cấp trang thiết bị và nhân lực, nhưng năng lực sàng lọc, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm, cung ứng các dịch vụ chăm sóc, quản lý người bệnh không lây nhiễm của y tế cở sở chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội, dẫn tới quá tải ở các bệnh viện tuyến trên. Thiết nghĩ, việc “chăm sóc sức khỏe ban đầu” còn gì khác hơn là “sàng lọc, phát hiện sớm bệnh tật”, như vậy cái đạt được và cái tồn tại lại dường như đang là hai đường thẳng song song chăng?

Vẫn theo Sở Y tế, tổng số nhân sự hiện đang công tác trong hệ thống y tế dự phòng - y tế cộng đồng, gồm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, 24 Trung tâm Y tế quận huyện và 319 Trạm y tế phường xã, là 4.629 người. Tuy vậy, chỉ có 807 bác sĩ (chiếm 17,4%) và 71 nhân sự chuyên ngành y tế công cộng (l,5%).

Về trình độ chuyên môn sau đại học, chỉ 26 người có trình độ tiến sĩ hoặc chuyên khoa 2 (chiếm 0,5%), 240 người có trình độ thạc sĩ hoặc chuyên khoa 1 (5,2%). Bên cạnh đó, nhiều đơn vị chưa bổ nhiệm, tuyển dụng được đầy đủ nhân sự quản lý và nhân sự chuyên môn theo yêu cầu vị trí việc làm do Bộ Y tế quy định. Đọc các hạn chế này, một chuyên gia trong lãnh vực dự phòng của TP.HCM “chạnh lòng” tự hỏi không biết chương trình bác sĩ gia đình mà thành phố hô hào đã thực hiện đến đâu, hiệu quả ra sao?

Chưa hết, việc thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố là dựa trên cơ sở tổ chức lại 7 trung tâm chuyên ngành thuộc lĩnh vực y tế dự phòng thuộc Sở Y tế, gồm Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Dinh dưỡng, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động - môi trường và Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế. Đây là xu hướng tất yếu nhằm kiện toàn về tổ chức bộ máy, đáp ứng việc đổi mới, hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng tinh giản tổ chức bộ máy, giảm đầu mối nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả, phù hợp với quy định pháp luật và tình hình thực tế. Vậy mà, trong dự thảo đề án, Sở lại cho rằng thành phố vẫn chưa có một đầu mối tổ chức thống nhất để điều phối, huy động sự tham gia liên ngành trong kiểm soát các yếu tố nguy cơ bệnh tật?

Đáng chú ý nữa, có nhiều chỉ tiêu chưa bao giờ được thống kê, nhưng vẫn được sở xây dựng cho đề án mới trình UBND thành phố? Đơn cử, dự thảo đề án đưa ra các chỉ tiêu chăm sóc sức khỏe toàn diện đến 2025 và 2030. Trong đó, các chỉ tiêu nâng cao tuổi sống khỏe, khống chế tỷ lệ người trưởng thành bị béo phì, giảm tỷ lệ người thiếu vận động thể lực hay giảm tỷ lệ uống rượu bia ở mức nguy hại đối với nam giới trưởng thành… đều chưa hề được thống kê trong giai đoạn 2010-2019. Vậy xin hỏi, Sở Y tế TP.HCM căn cứ vào đâu để có thể “gắn” vào dự thảo đề án các chỉ số mục tiêu cụ thể cho các nội dung này?

Trong nhận thức chung, ngành y tế đề đang nhận thấy việc phát triển hệ thống chăm sóc sức khoẻ chưa chú trọng vấn đề dự phòng. Và với phong cách xây dựng đề án nhiều mâu thuẫn và lỏng lẻo như trên, một lần nữa y tế cộng đồng vẫn chưa phải là nội dung trọng tâm của cơ quan quản lý y tế đầu ngành của thành phố.

Bài liên quan
Vụ in ấn tài liệu phòng chống COVID-19 của Sở TT-TT: UBND TP.HCM chỉ đạo tiếp tục làm rõ
Liên quan đến việc in ấn tài liệu chống dịch COVID-19 của Sở TT-TT TP.HCM, Thanh tra TP đã đề nghị Sở Tài chính tiếp tục làm rõ về về việc giá in bị đội cao như báo chí đã phản ảnh trong thời gian qua.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Làm việc với Công an Phú Thọ, Thủ tướng nhấn mạnh cần chuyển đổi số từ cơ sở
8 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Công an tỉnh Phú Thọ cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn nữa trong triển khai Đề án 06, theo hướng tổng thể, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thấy gì trong đề án phát triển y tế cộng đồng của TP.HCM?