Kết quả trưng cầu ý dân ở Anh với gần 52% số phiếu ủng hộ rời khỏi EU đã khiến thế giới lo ngại. Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu và thế giới bắt đầu đưa ra các phản ứng lo ngại và thất vọng...

Thế giới lo ngại và thất vọng sau quyết định Brexit ở Anh

Trung Trực | 24/06/2016, 16:41

Kết quả trưng cầu ý dân ở Anh với gần 52% số phiếu ủng hộ rời khỏi EU đã khiến thế giới lo ngại. Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu và thế giới bắt đầu đưa ra các phản ứng lo ngại và thất vọng...

Bộ trưởng Tài chính Nhật Taro Aso tuyên bố ông cực kỳ quan ngại về các nguy cơ của Brexit đối với kinh tế thế giới và thị trường tài chính toàn cầu.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tuyên bố EU sẽ “không ngoái lại” giúp Anh trong các vụ thương lượng.

Theo trangDPA(Đức), Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier nhận xét: “Đây là một ngày buồn cho châu Âu và cho nước Anh”.

Nỗi lo ngại trước mắt là sự kiện Anh rời khỏi EU càng kích động các tổ chức dân túy và chủ nghĩa dân tộc ở các nước EU khác đòi chính phủ nước họ tổ chức trưng cầu ý dân về rời khỏi hay ở lại EU.

Tại Hà Lan, thủ lĩnh đảng Tự Do (Hà Lan) Geert Wilders hoan nghênh các cử tri Anh ủng hộ Brexit. Ông tuyên bố: “Nay đến lượt Hà Lan nên tổ chức trưng cầu ý dân tương tự. Chúng tôi muốn tự điều hành đất nước, có biên giới riêng, sử dụng đồng tiền riêng và có chính sách di dân riêng”.

Tại Pháp, bà Marie Le Pen, thủ lĩnh đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia, viết trên Twitter ca ngợi trưng cầu ý dân ở Anh là “chiến thắng của tự do”. Bà nhắc lại đề nghị Pháp và các nước khác trong EU cũng nên tiến hành trưng cầu ý dân tương tự.

Các đảng khuynh hữu nghi kỵ EU ở Pháp, Áo, Đức, và Phong trào Năm sao (Ý) hẳn sẽ tranh thủ kết quả trưng cầu ở Anh làm cớ để nới lỏng quan hệ với Brussels.

Về kinh tế, báoUSA Today ghi nhận kết quả trưng cầu ý dân khiến khó dự đoán được tương lai kinh tế của Anh, EU và có thể cả kinh tế thế giới.

Anh là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới. Kết quả này đồng nghĩa với Anh sẽ phải cô độc trong nền kinh tế toàn cầu, phải tìm mối quan hệ thương mại mới với EU và các nước làm ăn với Anh thông qua chiếc dù che chở EU.

Các nhà phân tích nói Anh sẽ phải mất khoảng 10 năm mới có lại được các thỏa thuận thương mại mới với thế giới.

Trong kịch bản tệ nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế cảnh báo kinh tế Anh có thể lập tức lâm vào suy thoái ngay từ năm 2017, GDP sẽ thấp hơn 5,6% so với dự báo kể từ năm 2019 và thất nghiệp lại tăng quá mức 6%.

TheoReuters, kết quả trưng cầu ý dân ở Anh là một cú đấm của những người ủng hộ Brexit giáng mạnh vào EU đồng thời đánh kẻng báo động các thị trường khi đồng bảng Anh chịu mất giá lớn nhất chỉ trong một ngày (hơn 10% so với đồng USD). Các nhà đầu tư vội vã bán bảng Anh, cổ phiếu chứng khoán và dầu khí Anh không biết đi về đâu.

Một số thành viên đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh David Cameron đều hứa ủng hộ nhằm tránh bất ổn từ sự sụp đổ của chính phủ. Ông Boris Johnson, cựu thị trưởng London (ủng hộ Brexit) đang chờ cơ hội thay ông Cameron ở ghế thủ tướng và thủ lĩnh đảng Bảo thủ.

Vẫn chưa rõ tương lai của thủ lĩnh Công đảng (đối lập) Jeremy Corbyn khi nhiều đảng viên phớt lờ kêu gọi của đảng là bỏ phiếu vào ô “ở lại”.

Theo CNBC, sẽ mất nhiều thời gian và thủ tục để Anh rời khỏi EU. Trước tiên về mặt kỹ thuật thì cuộc trưng cầu ý dân không bị ràng buộc về mặt pháp lý. Thủ tướng Cameron có thể phớt lờ ý nguyện của một bộ phận lớn cử tri và không làm gì để thoát khỏi EU.

Nhưng rất khó có chuyện ông Cameron dám phớt lờ. Nếu tôn trọng ý dân, ông sẽ vận dụng điều 50 của Hiệp ước Lisbon để bắt đầu thủ tục pháp lý chính thức để rời khỏi EU.

Tiếp theo đó sẽ đến hàng loạt các cuộc đàm phán về tách Anh ra khỏi nhiều cơ quan EU. Giai đoạn này có thể mất hai năm hoặc hơn, nếu cả Anh lẫn Ủy ban châu Âu đồng ý gia hạn đàm phán.

Trung Trực(tổng hợp)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thế giới lo ngại và thất vọng sau quyết định Brexit ở Anh