Dù 2 kỳ SEA Games liên tiếp xếp nhất toàn đoàn nhưng làm thế nào để thể thao Việt Nam có thể lọt top 3 của ASEAN khi thi đấu tại Asian Games ở Hàng Châu trong tháng 9 tới, cũng như hy vọng có huy chương tại Olympic Paris vào năm sau?

Thể thao Việt Nam: Con đường nào đến huy chương vàng Olympic?

Đặng Hoàng | 21/05/2023, 09:15

Dù 2 kỳ SEA Games liên tiếp xếp nhất toàn đoàn nhưng làm thế nào để thể thao Việt Nam có thể lọt top 3 của ASEAN khi thi đấu tại Asian Games ở Hàng Châu trong tháng 9 tới, cũng như hy vọng có huy chương tại Olympic Paris vào năm sau?

Trong bài “Việt Nam liệu có xếp trên Thái Lan tại SEA Games 32 nếu chỉ so sánh các môn Olympic?”, Một Thế Giới đã khẳng định thể thao Việt Nam cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng cho SEA Games 33 trên đất Thái. Khi đó, chúng ta khó có thể giữ được vị trí số 1 trên bảng xếp hạng toàn đoàn, nhưng nếu giữ được vị trí số 1 trên bảng xếp hạng các môn Olympic, đặc biệt là điền kinh và bóng đá nam, thì đó sẽ là thành công rất lớn. Và đó sẽ là thành công của thành công nếu thành tích các môn Olympic của thể thao Việt Nam có thể tiệm cận với châu lục, thế giới, thay vì giờ đây khoảng cách vẫn còn khá xa…

Với không ít người dân Việt, sự kiện lần đầu tiên trong lịch sử 64 năm từ SEAP Games Bangkok 1959 đến SEA Games Campuchia 2023, TTVN đứng đầu bảng tổng sắp huy chương khi không phải là nước chủ nhà tuy vui, nhưng không còn là mục tiêu quan trọng nhất.

Đã từ lâu, cái đích mà người Việt Nam mong muốn là thể thao nước nhà còn phải dẫn đầu ASEAN khi ra đấu trường Asian Games hay Olympic. Thậm chí, có người còn nghĩ rằng 10 tấm HCV SEA Games không bằng 1 tấm HCV Asian Games, 100 HCV SEA Games cũng không ý nghĩa bằng 1 tấm HCV Olympic.

Tại Asian Games 2018, Indonesia xếp cao nhất trong các nước ASEAN do họ là chủ nhà. Tuy nhiên, Thái Lan có 11 HCV nhiều hơn gấp đôi Việt Nam; Malaysia với 7 HCV cũng nhiều hơn chúng ta 2 tấm. Có nghĩa là Việt Nam chỉ xếp thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á khi ra sân chơi châu Á.

Còn tại Olympic tổ chức năm 2021 là câu chuyện buồn khi Việt Nam không có tấm huy chương nào trong khi Philippines có 1 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ; Indonesia: 1 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ; Thái Lan: 1 HCV, 1 HCĐ còn Malaysia là 1 HCB, 1 HCĐ. Trên diễn đàn thể thao khu vực, người hâm mộ Việt Nam chỉ biết im lặng khi cộng đồng mạng xã hội của các nước khác khoe chiến tích.

Làm thế nào để thể thao Việt Nam có thể lọt top 3 của ASEAN khi thi đấu tại Asian Games ở Hàng Châu trong tháng 9 tới, cũng như hy vọng có huy chương tại Olympic Paris vào năm sau?

Câu trả lời tất nhiên là phải phát triển những môn Olympic mà Việt Nam đang có thế mạnh ở khu vực. Đơn giản vì nếu ngay ở khu vực mà chúng ta không mạnh nhất thì chúng ta chẳng là gì khi thi đấu ngoài phạm vi Đông Nam Á.

Tại SEA Games 32, TTVN đứng đầu một số môn sẽ thi đấu ở Olympic Paris 2024. Áp đảo nhất phải kể đến vật tự do khi chúng ta có 13 HCV, Indonesia 6 HCV, Thái Lan 1 HCV. Tuy nhiên, với môn vật tự do, TTVN không đủ đẳng cấp tranh tài tại châu Á khi gặp các VĐV Trung Á, Tây Á hay Mông Cổ chứ chưa nói ra thế giới. TTVN sẽ còn rất lâu hoặc chỉ có đột biến thì mới có thể vượt qua những môn quốc hồn, quốc túy của các nước Trung Á.

Với bộ môn thể dụng dụng cụ, TTVN áp đảo với 9 HCV còn Philippines 4 HCV. Nhưng khi ra sân chơi châu Á, chúng ta không so được với sự khổ luyện của các VĐV Trung Quốc, trong khi đó các VĐV Đông Âu có tố chất cơ thể để hoàn thành tốt các bài thi ở môn này.

Với môn Judo, TTVN có 8 HCV so với Thái Lan 2 HCV, Indonesia 1 HCV tại SEA Games thì sao? Cửa tranh huy chương của chúng ta có rộng hơn nhưng cũng khó cạnh tranh với Nhật, các VĐV châu Âu và Nam Mỹ. Tuy nhiên, nếu biết đầu tư và phát triển đúng hướng thì chúng ta vẫn có cơ hội ở những hạng cân thấp.

Điền kinh, chúng ta dù nhất nhì Đông Nam Á nhưng cũng khó có thể kiếm HCV với các VĐV Mỹ Latinh trên đường đua tốc độ hay các VĐV Đông Phi như Kenya, Ethiopia trên đường dài do tố chất cơ thể của họ là thứ không thể khỏa lấp trong một vài thế hệ. Tất nhiên, đầu tư để điền kinh có thành tích tại Asian Games và dẫn đầu khu vực vẫn là việc phải làm.

Tại Asian Games 2018, TTVN có 2 HCV ở môn điền kinh của Quách Thị Lan nội dung 400 mét rào nữ và Bùi Thị Thu Thảo nội dung nhảy xa, trong bối cảnh các nước Đông Nam Á khác không có tấm HCV điền kinh nào. Tuy nhiên, TTVN cần chú ý đến kiến thức doping khi trước ngày khai mạc SEA Games 32, có 5 VĐV điền kinh Việt Nam bị công bố sử dụng doping, trong đó có Quách Thị Lan.

Tương tự như điền kinh, với bơi lội, dù ở thời điểm đỉnh cao, “Nữ hoàng đường đua xanh” SEA Games Nguyễn Thị Ánh Viên cũng chưa thể có thành tích tại Olympic. Thế nhưng ta vẫn có huy chương của Nguyễn Huy Hoàng dù chỉ là bạc ở nội dung 1.500 mét hay đồng 800 mét tại Asian Games 2018. Mục tiêu có được huy chương bơi tại Olympic có lẽ là câu chuyện của tương lai xa.

xuanvinh.jpg
Đến nay, thể thao Việt Nam có duy nhất HCV tại Olympic của Hoàng Xuân Vinh

Loanh quanh mấy môn thế mạnh như thế đã thấy Việt Nam khó tìm lại tấm HCV giống như Hoàng Xuân Vinh đã giành được tại Olympic Brazil 2016. Thật ra bắn súng cũng không phải thế mạnh của TTVN khi so sánh ngay trong khu vực Đông Nam Á. Trên sân nhà tại SEA Games 31, bắn súng Việt Nam xếp thứ 2 sau Indonesia; còn tại SEA Games 30 ở Philipinnes, Việt Nam xếp 6/6 đội tham dự khi chỉ có 1 HCB và 1 HCĐ trong số 14 bộ huy chương.

Cũng nên biết rằng bắn súng là một môn đặc thù và tốn kém. Đặc thù là vì chỉ các đội thể thao mới có điều kiện tiếp xúc chứ không thể chơi toàn dân. Tốn kém là bởi súng đạt chuẩn rất đắt, đạn bắn cũng tốn kém nên trường hợp như Xuân Vinh là rất... hiếm. Bản thân Xuân Vinh sau khi đoạt HCV Olympic 2016 cũng không giành được huy chương ở SEA Games 2017, dù chỉ là tấm HCĐ.

Vậy đâu là hướng đi để TTVN kiếm vị trí đỉnh cao ở tầm châu lục, thế giới, Olympic? Trước hết phải xác định được những môn phù hợp với tố chất con người Việt Nam và quan trọng là phải phổ biến để toàn dân thi đấu. Khi có mẫu số lớn tham gia thì tỷ lệ tìm kiếm những tài năng sẽ cao hơn. Cần đưa được những môn thể thao Olympic phù hợp với tố chất người Việt Nam vào rộng rãi hơn trong học đường vì đây là nơi dễ nhất, rộng nhất để phát hiện các tài năng.

Ở cùng quy mô dân số, Nhật Bản hay Hàn Quốc có thể giành nhiều huy chương Olympic không chỉ vì họ có điều kiện kinh tế tốt hơn, mà quan trọng họ có nền thể thao học đường tốt hơn. Nếu làm tốt thể thao học đường, không chỉ giúp chúng ta có nhiều cơ hội giành huy chương đỉnh cao mà còn có một thế hệ khỏe mạnh, giống nòi cường tráng.

Khi phát triển được thể thao học đường trong cả hai chiều rộng và sâu, thì đó mới là tấm huy chương cao quý nhất, quan trọng nhất mà TTVN cần vươn đến trước khi nghĩ xa hơn: đạt đẳng cấp thế giới, Olympic!

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thể thao Việt Nam: Con đường nào đến huy chương vàng Olympic?