Lễ bế mạc SEA Games 32 đã diễn ra tối qua (17.5), khép lại kỳ đại hội thể thao nhiều dấu ấn do Campuchia lần đầu tổ chức.
Với người hâm mộ Việt Nam, chúng ta có thể tự hào với thành tích nhất toàn đoàn với 136 HCV, hoàn toàn áp đảo so với vị trí thứ 2 là Thái Lan với 108 HCV hay Indonesia 87 HCV. Thậm chí, nếu tính theo tổng số huy chương thì đoàn Việt Nam cũng số 1 thuyết phục với 359 huy chương, so với 312 của Thái Lan và 276 của Indonesia.
Thành tích này còn vượt xa kỳ vọng khi mục tiêu ban đầu đề ra cho đoàn thể thao Việt Nam là giành 90 - 120 HCV và lọt vào top 3. Nhiều người hâm mộ bất ngờ với việc Việt Nam dẫn đầu SEA Games 32 nhưng với người am tường thể thao thì không. Ngay trước SEA Games kỳ này, Một Thế Giới đã có bài viết “Top 3 SEA Games 32: Mục tiêu khiêm tốn của thể thao Việt Nam” và khẳng định Việt Nam hoàn toàn đủ sức chiếm vị trí số 1.
Nhưng việc đoàn thể thao Việt Nam vượt hơn 10% chỉ tiêu cao nhất phần nào cho thấy sự khiêm tốn và nắm sát tình hình của lãnh đạo Tổng cục TDTT. Sở dĩ nói như vậy vì đoàn Thái Lan với số lượng VĐV dự SEA Games 32 đông đảo đã đặt mục tiêu đến 162 HCV, nhưng cuối cùng họ chỉ hoàn thành được 2/3 định mức.
Như vậy, đây là kỳ đại hội thứ 3 liên tiếp mà đoàn thể thao Thái Lan xếp dưới Việt Nam. Nếu như ở SEA Games 2019 tại Philippines, Việt Nam chỉ nhiều hơn Thái Lan 6 HCV; hay như SEA Games năm ngoái, chúng ta hơn cách biệt họ do là nước chủ nhà; thì việc xếp trên Thái Lan tại SEA Games 32 thuyết phục hơn hẳn khi hơn đến 28 tấm HCV.
Đâu là nguyên nhân giúp Việt Nam vượt xa Thái Lan tại Campuchia?
Đoàn thể thao Việt Nam đã thắng về ngoại giao khi chúng ta tham gia những môn truyền thống của Campuchia như Kun Khmer, Kun Bokator. Trong khi đó, vì lý do tế nhị mà Thái Lan không cử VĐV tham dự. Đoàn Việt Nam đã giành 6 HCV ở môn Kun Bokator và 5 HCV ở môn Kun Khmer, chỉ xếp dưới thành tích của nước chủ nhà.
Việt Nam cũng vận động thành công Campuchia tổ chức Vovinam với nội dung kỷ lục là 30 bộ huy chương. Tuy nhiên, đoàn Việt Nam rất "biết người biết ta" chỉ giành 7 HCV, còn Campuchia giành 10 HCV và Thái Lan chỉ có 5 HCV. Thành công nhất phải kể đến việc Campuchia đã tổ chức môn lặn chân vịt và Việt Nam đã giành đến 14 HCV, trong khi Thái Lan và Campuchia chỉ có 2 HCV.
Nói đến tranh tài tại SEA Games thì không chỉ so tài về thể thao mà còn phải so cả về khả năng ngoại giao. Chỉ cần nước chủ nhà không tổ chức các môn thi sở trường hay cắt giảm nội dung thi đấu là ảnh hưởng lớn đến số HCV ngay.
So sánh qua lăng kính Olympic
Nhưng có một cách để đo thành tích các đoàn thể thao là thông qua lăng kính Olympic. Nếu chỉ tính các môn thể thao Olympic 2020 thì Việt Nam có bao nhiêu HCV và xếp thứ mấy?
Đầu tiên là điền kinh: Thái Lan lần này lấy lại vị trí dẫn đầu với 17 HCV, Việt Nam xếp thứ 2 với 12 HCV, còn Indonesia 7 HCV, Malaysia 5 HCV.
Nhảy cầu: Malaysia độc chiếm 4 HCV. Bóng nước: Singapore và Thái Lan mỗi nước 1 HCV.
Bơi lội: Singapore dẫn đầu 22 HCV, Việt Nam xếp thứ 2 với 7 HCV, Thái Lan 4 HCV, Indonesia 3 HCV.
Quyền Anh: Thái Lan 9 HCV, Philippines 4 HCV, Việt Nam 2 HCV.
Bóng rổ: Philippines, Campuchia, Việt Nam và Indonesia mỗi nước 1 HCV.
Xe đạp: Indonesia 5 HCV, Thái Lan và Việt Nam mỗi nước 1 HCV.
Đấu kiếm: Singapore 7 HCV, Việt Nam 4 HCV và Thái Lan 1 HCV.
Bóng đá: Việt Nam và Indonesia mỗi nước 1 HCV.
Golf: Thái Lan 2 HCV, Malaysia và Việt Nam mỗi nước 1 HCV.
Thể dục dụng cụ: Việt Nam 9 HCV, Philippines 4 HCV.
Hockey: Malaysia 2 HCV, Thái Lan và Indonesia mỗi nước 1 HCV.
Judo: Việt Nam 8 HCV, Thái Lan 2 HCV, Indonesia 1 HCV.
Karate: Việt Nam 6 HCV, Malaysia 4 HCV, Thái Lan và Indonesia mỗi nước 2 HCV.
Đua thuyền: Thái Lan 4 HCV, Singapore 3 HCV, Malaysia 2 HCV.
Tennis: Thái Lan 4 HCV, Indonesia 2 HCV.
Bóng chuyền: Thái Lan và Indonesia mỗi nước 2 HCV.
Cử tạ: Indonesia 5 HCV, Việt Nam 4 HCV, Thái Lan 2 HCV.
Vật tự do: Việt Nam 13 HCV, Indonesia 6 HCV, Thái Lan 1 HCV.
Như vậy tính riêng các môn Olympic, thành tích của đoàn thể thao Việt Nam là 66 HCV, Thái Lan là 50 HCV, Indonesia là 36 HCV. Thành tích của các đoàn khác như Philippines, Malaysia hay Singapore đều dưới 60 HCV nên không cần so sánh.
Liệt kê như vậy để thấy dù có tính riêng Olympic hay tính chung các môn truyền thống của mỗi quốc gia ở Đông Nam Á thì đoàn thể thao Việt Nam vẫn dẫn đầu tại SEA Games 32 với khoảng cách rất thuyết phục. Điều này cho thấy sự lớn mạnh chung của thể thao Việt Nam trong những năm gần đây.
Tất nhiên, thành tích đó chưa thể làm chúng ta hoàn toàn hài lòng vì vẫn có những điều đáng tiếc ở SEA Games lần này. Đó không chỉ là vì tuyển U.22 thất bại trong việc bảo vệ tấm HCV ở bộ môn thể thao vua, mà còn cả việc điền kinh Việt Nam đánh mất vị trí số 1. Cả điền kinh và bơi lội đều không đạt được mục tiêu đề ra.
Thể thao Việt Nam cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng cho SEA Games 33 trên đất Thái. Khi đó, chúng ta khó có thể giữ được vị trí số 1 trên bảng xếp hạng toàn đoàn, nhưng nếu giữ được vị trí số 1 trên bảng xếp hạng các môn Olympic, đặc biệt là điền kinh và bóng đá nam, thì đó sẽ là thành công rất lớn. Và đó sẽ là thành công của thành công nếu thành tích các môn Olympic của thể thao Việt Nam có thể tiệm cận với châu lục, thế giới, thay vì giờ đây khoảng cách vẫn còn khá xa…