Chip bán dẫn thường được so sánh với sự đổi mới công nghệ thúc đẩy trái tim đang đập. Song với việc Mỹ hạn chế xuất khẩu các linh kiện và công nghệ bán dẫn quan trọng sang Trung Quốc, các câu hỏi đang đặt ra về việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể duy trì nhịp đập trong bao lâu.
Các công nghệ cốt lõi là gót chân Achilles của Trung Quốc, dù có năng lực sản xuất công nghiệp mạnh nhất thế giới, và là con mồi dễ dàng cho Mỹ trong chiến lược ngăn chặn công nghệ.
Nếu không làm chủ được những chip cực kỳ phức tạp cung cấp năng lượng cho mọi thứ, từ ô tô đến smartphone, hy vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình biến Trung Quốc thành cường quốc kỹ thuật số toàn cầu, đồng thời vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế số 1 thế giới, có thể tan thành mây khói.
Jun Zhang, phó giáo sư địa lý kinh tế tại Đại học Toronto (Canada), cho biết Trung Quốc phải đối mặt với áp lực “chưa từng có” từ Mỹ và khả năng cạnh tranh quốc tế của nước này phụ thuộc ở một mức độ nào đó vào việc ngăn chặn của Mỹ sẽ đi được bao xa.
Lệnh cấm công nghệ của Mỹ là một trong những lý do khiến nhiều tổ chức quốc tế bắt đầu trì hoãn, nếu không muốn nói là bỏ hoàn toàn, dự báo Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Khoảng cách giữa hai nền kinh tế đã nới rộng vào năm 2022.
Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) dự báo vào tháng 11.2022 rằng nền kinh tế Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng 0,26 điểm % vào năm 2023 do các nỗ lực ngăn chặn của Mỹ. Chiến dịch gây áp lực từ Mỹ sẽ khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc giảm 1,7 điểm % trong trung hạn, hoặc dẫn đến tốc độ tăng trưởng hàng năm bị giảm khoảng 0,4 điểm % trong 4 năm tới.
“Chúng tôi cho rằng tác động ngắn hạn chủ yếu đến từ lĩnh vực bán dẫn và máy tính, với tác động nhỏ từ thiết bị chuyên dụng. Trong một thời gian dài hơn, nếu được duy trì, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ có thể có tác động lớn hơn”, Goldman Sachs viết.
Trung Quốc coi nền kinh tế kỹ thuật số, chiếm 39,8% GDP, là động lực tăng trưởng chính của đất nước. Song để đạt được tiềm năng của mình, Trung Quốc cần chip bán dẫn.
Một chuỗi các ngành công nghiệp, từ ô tô không người lái đến máy tính tốc độ cao và trí tuệ nhân tạo (AI), đã gặp khó khăn và thiệt hại kinh tế chỉ có thể tăng lên.
Dan Wang, một nhà phân tích của hãng Gavekal Dragonomics, cho biết: “Hầu hết công ty phần cứng ở Trung Quốc đều phải đối phó với hậu quả từ các hạn chế sâu rộng do Mỹ công bố. Những biện pháp trừng phạt này sẽ cản trở những tiến bộ về chất bán dẫn của Trung Quốc”.
Khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1.2021, hy vọng nối lại quan hệ với Trung Quốc đã dấy lên. Thế nhưng, ông Biden đã nhanh chóng nhanh chóng tăng cường việc giới hạn công nghệ.
Ông Biden đã ký thành luật đạo luật Chips and Science (chip và khoa học) lưỡng đảng vào tháng 8.2022 để thúc đẩy sự phát triển chất bán dẫn của Mỹ thông qua các khoản trợ cấp liên bang trị giá 52,7 tỉ USD. Chính quyền Biden sau đó đã mở rộng đáng kể danh sách kiểm soát công nghệ với Trung Quốc vào tháng 10, tập trung vào chip bán dẫn tiên tiến, phần mềm sản xuất chip và nhân tài công nghệ.
Các nỗ lực đã được tăng tốc vào tháng 1 khi Mỹ bắt tay với Hà Lan và Nhật Bản để hạn chế việc cung cấp thiết bị sản xuất chip tiên tiến cho Trung Quốc.
“Đây là một cú sốc ngành, chủ yếu là trong ngắn hạn, mặc dù ngành này tất nhiên có mối liên kết phức tạp trong toàn bộ nền kinh tế”, Thomas Helbling, phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á và Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cho biết trong một cuộc họp báo vào tuần trước.
Tổ chức có trụ sở tại Washington từ lâu đã cảnh báo về sự tách rời công nghệ, gián đoạn chuỗi cung ứng và sự phân mảnh địa kinh tế, cho rằng điều đó có thể dẫn đến thiệt hại khoảng 5% GDP toàn cầu.
Thomas Helbling nói: “Những hạn chế chip này có khả năng gây phát sinh chi phí đáng kể”.
Tình hình càng phức tạp hơn khi Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ thông qua đạo luật chip EU vào cuối năm 2023. Luật này hy vọng sẽ tăng gấp đôi tỷ lệ năng lực sản xuất chip toàn cầu của châu Âu lên khoảng 20%.
Các nhà phân tích cho biết cuộc chạy đua giành ưu thế về chất bán dẫn, được thúc đẩy bởi các động cơ chính trị hơn là các cân nhắc về kinh tế, có nguy cơ không chỉ làm chệch hướng phát triển công nghiệp mà còn định hình lại động lực tăng trưởng kinh tế ở Mỹ, Trung Quốc và EU.
Trung Quốc không đưa ra ước tính chính thức về những tổn thất kinh tế có thể xảy ra, nhưng đã chỉ trích Mỹ lạm dụng sự thống trị thị trường của mình và tăng cường hùng biện về sự độc lập về công nghệ.
Kể từ khi ông Tập Cận Bình nhậm chức vào chức vụ cao nhất của Trung Quốc 10 năm trước, các nhà chức trách đã đưa vấn đề tự cung tự cấp lên cao hơn nhiều trong chương trình nghị sự, phản ánh những lo lắng lâu nay về việc bị nước ngoài bóp nghẹt trong các công nghệ cốt lõi.
Ông Tập Cận Bình đã xác định chip cao cấp, máy công cụ công nghiệp, thiết bị điện cơ bản, phần cứng, vật liệu, cũng như phần mềm và thuật toán là những điểm nghẽn nổi bật.
“Nếu huyết mạch của chuỗi cung ứng của chúng tôi nằm trong tay người khác, điều đó giống như xây nhà trên nền móng của người khác. Ngôi nhà dù to đẹp đến đâu cũng không thể chịu được mưa gió, thậm chí là một trận đòn”, theo Tư tưởng kinh tế Tập Cận Bình, tầm nhìn của nhà lãnh đạo Trung Quốc về phát triển kinh tế đã được ghi trong hiến pháp của cả nhà nước và đảng.
Trung Quốc đã đặt mục tiêu nâng tỷ lệ tự cung cấp chip lên 70% vào năm 2025, từ khoảng 30% trong 2019.
Sau các lệnh trừng phạt gần đây nhất của Mỹ, Bộ Chính trị Trung Quốc gồm 24 thành viên đã triệu tập một cuộc họp kín vào cuối tháng 1, nơi họ thảo luận về cách cải thiện khả năng tự lực về công nghệ, theo Tân Hoa Xã.
Dấu hiệu của hy vọng cho nền kinh tế kỹ thuật số Trung Quốc là với sự ủng hộ của ông Tập Cận Bình, nguồn tài chính và nguồn lực lớn hơn sẽ có sẵn để đẩy nhanh quá trình thay thế trong nước.
Trung Quốc đã đưa ra một cơ chế toàn quốc mới để đạt được các mục tiêu công nghệ của mình, huy động tài trợ từ chính phủ, tinh thần kinh doanh và nhân tài.
Trong khi các doanh nghiệp nhà nước được khuyến khích trở thành người dẫn đầu trong các chuỗi công nghiệp tương ứng của họ, cuộc cạnh tranh mở được lên kế hoạch để lựa chọn các nhà khoa học và doanh nhân hàng đầu.
Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã bắt đầu một chiến dịch vào năm 2019, tập trung vào việc phát triển các hệ thống được sử dụng trong sản xuất chất bán dẫn và chip cao cấp. Kể từ đó, hơn 12 trường đại học danh tiếng, gồm cả Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa, đã thành lập các khoa chuyên phát triển và nghiên cứu mạch tích hợp.
Chi tiêu và cường độ R&D (nghiên cứu & phát triển) của Trung Quốc đang nhanh chóng tiệm cận Mỹ. Chi tiêu tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức cao kỷ lục 3,09 nghìn tỉ nhân dân tệ (455 tỉ USD) vào năm 2022, chiếm khoảng 2,55% GDP quốc gia.
Dù hệ sinh thái vật liệu bán dẫn, linh kiện và thiết bị đã nhanh chóng được hình thành, các nhà sản xuất chip trong nước vẫn tụt hậu khá xa so với các đối thủ toàn cầu.
Hyung-Gon Jeong, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chính sách Kinh tế Quốc tế Hàn Quốc, cho biết: “Chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu tập trung vào các công ty Mỹ và ảnh hưởng của Trung Quốc tương đối yếu. Nền kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực đáng kể nếu các công ty đa quốc gia như vậy lần lượt rời khỏi Trung Quốc do lệnh trừng phạt của Mỹ”.
Nhiều công ty nước ngoài đã chuyển các cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc, để cắt giảm chi phí hoặc vì các vấn đề chính trị, điều này đã buộc chính quyền Trung Quốc phải cam kết tiếp cận thị trường rộng rãi hơn và môi trường kinh doanh tốt hơn để giữ họ ở lại.
“Chip bán dẫn phải là một sản phẩm toàn cầu hóa. Việc có toàn bộ các ngành công nghiệp thượng nguồn và hạ nguồn trong một quốc gia là trái với quy luật thị trường. Trên thực tế, nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài đã biến các dự án kinh doanh tại Trung Quốc của họ thành một trung tâm chi phí, thực thể tiếp thị hoặc các nhóm nhỏ tập trung vào nghiên cứu ngoại vi. Việc di dời các nhà máy sản xuất chip sang Mỹ hoặc các quốc gia khác là không phù hợp với quy tắc thị trường – đó phần lớn là một quyết định chính trị”, kỹ sư cao cấp tại một nhà máy bán dẫn do nước ngoài tài trợ nói với trang SCMP.
Bất chấp các ưu đãi chính sách và chi tiêu khổng lồ của Trung Quốc, kỹ sư bày tỏ lo ngại rằng lĩnh vực này sẽ không thể thu hút nhân tài đẳng cấp thế giới, vốn rất quan trọng, và một số nguồn tài trợ từ chính phủ đang bị lãng phí cho các quy trình có giá trị gia tăng thấp và các dự án chưa hoàn thành.
Hàng chục dự án chip đã được đưa ra trong những năm gần đây. Tuy nhiên, một số, chẳng hạn như nhà máy của GlobalFoundries ở thành phố Thành Đô, đã bị bỏ hoang.
“Có rất nhiều nhà đầu tư muốn kiếm tiền từ chiến dịch của chính phủ”, người kỹ sư nói.
Khoảng 46 công ty bán dẫn đã tham gia vào chương trình huy động vốn nhanh của chính phủ Trung Quốc thông qua các đợt chào bán lần đầu ra công chúng ở Thượng Hải hoặc Thâm Quyến vào năm 2022, với tổng vốn hóa hơn 700 tỉ nhân dân tệ. 59 công ty khác đang xếp hàng để lên sàn, với quy mô gây quỹ theo kế hoạch là hơn 120 tỉ nhân dân tệ.
Jun Zhang thuộc Đại học Toronto nói rằng Trung Quốc cần tài năng và đầu vào tài chính nhất quán cho sự đổi mới dài hạn.
Ông nói: “Không có lối tắt nào cho tiến bộ công nghệ. Bây giờ có vẻ như sự đổi mới trong độc lập là một chặng đường khá dài”.