Việc Nhật Bản thiếu giấy xác nhận tiêm vắc xin và năng lực xét nghiệm hạn chế đang đe dọa tham vọng mở cửa lại nền kinh tế vào thời điểm cuối năm khi các nhà hàng thường kiếm được tới một nửa doanh thu và các công ty du lịch bận rộn.
Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp, vốn cảnh giác với một đợt dịch khác trong suốt mùa đông, sẽ không tuyển dụng lại nhân viên bị sa thải hoặc đặt thêm nguồn cung cho đến khi biết thêm về kế hoạch mở cửa trở lại sẽ như thế nào và trong bao lâu. Chính quyền địa phương chủ yếu phải tự bảo vệ mình, tạo ra một loạt các quy tắc và kế hoạch tuân thủ.
Vấn đề đặt ra là Nhật Bản có thể thu hồi một phần trong số 44 tỉ USD mà khách du lịch nước ngoài chi tiêu nhanh vào năm 2019 và liệu con số 53 tỉ USD trong chi tiêu nội địa bị dồn nén có thể được giải phóng để khởi động nền kinh tế đang suy giảm hay không.
Nếu không thành công, việc mở cửa trở lại cũng có thể gây tốn kém cho chính phủ tân Thủ tướng Fumio Kishida. Người tiền nhiệm của ông Fumio Kishida là Yoshihide Suga đã từ chức vì chính quyền ông phản ứng kém với đại dịch COVID-19.
Cuối năm là thời điểm quan trọng với các quán bar và nhà hàng ở Nhật Bản, nơi các công ty tổ chức các bữa tiệc lớn "quên năm cũ" và ăn bữa tất niên với các đối tác kinh doanh, bạn bè là phong tục quan trọng.
"Tôi luôn có một sự kiện đặc biệt vào cuối năm, nhưng tôi đang nghĩ đến việc hủy bỏ, bởi các chuyên gia nói rằng đợt dịch thứ 6 của COVID-19 chắc chắn sẽ đến", Mayumi Saijo, chủ quán Beer Bar Bitter ở quận Kagurazaka thuộc thủ đô Tokyo, cho biết.
Mayumi Saijo nói cô đang lo lắng về việc đặt mua bia trị giá 4.000 USD từ Cộng hòa Séc và khó ngủ trước khi tình trạng khẩn cấp mới nhất được dỡ bỏ.
"Bất cứ thứ gì tôi chuẩn bị sẽ khiến tôi mất tiền. Tôi muốn tránh rủi ro bằng mọi giá", cô nói.
Trong khi quán của Mayumi Saijo vẫn tồn tại mặc hạn chế về giờ mở cửa trong đại dịch, khoản bồi thường của chính phủ không ngăn được kỷ lục 780 quán bar, nhà hàng ở Nhật Bản phá sản trong năm cho đến tháng 4.2021 và 298 khác kể từ đó, theo công ty tín dụng tư nhân Teikoku Databank.
Shigenori Ishii, quan chức tại Hiệp hội Dịch vụ Thực phẩm Nhật Bản, một tập đoàn công nghiệp mạnh gồm 75.000 thành viên, cho biết: "Các nhà hàng sẽ được phép mở cửa muộn đến lúc nào? Mọi thứ phụ thuộc vào điều đó để thuê người, đặt hàng".
Nhật Bản ban đầu bị chỉ trích vì việc triển khai tiêm vắc xin COVID-19 chậm chạp khiến nước này tụt hậu so với hầu hết nền kinh tế tiên tiến. Đợt bùng phát dịch bởi biến thể Delta lây lan nhanh buộc Nhật Bản phải tổ chức Thế vận hội Tokyo mà không có khán giả vào mùa hè này.
Các ca mắc COVID-19 gần đây giảm sâu và tốc độ tiêm vắc xin COVID-19 nhanh, cho phép chính phủ dần dần bắt đầu thực hiện kế hoạch mở cửa trở lại, đòi hỏi việc sử dụng chứng nhận tiêm chủng và xét nghiệm COVID-19.
Nhật Bản bắt đầu tiêm vắc xin COVID-19 vào giữa tháng 2.2021, với các nhân viên y tế và người cao tuổi được ưu tiên đầu tiên. Tình trạng khan hiếm vắc xin COVID-19 nhập khẩu tiếp tục diễn ra chậm cho đến cuối tháng 5, khi nguồn cung ổn định và mục tiêu tiêm hàng ngày được nâng lên trên 1 triệu liều để tối đa hóa khả năng bảo vệ trước ngày 23.7 - 8.8, thời gian diễn ra Thế vận hội Tokyo.
Số lượng mũi tiêm vắc xin COVID-19 hàng ngày đã tăng lên khoảng 1,5 triệu vào tháng 7, đẩy tỷ lệ tiêm chủng từ 15% vào đầu tháng 7 lên 65% vào đầu tháng 10, vượt quá mức 57% của Mỹ.
Vấn đề với chứng nhận tiêm vắc xin là ngoài những lo ngại về quyền riêng tư chưa được giải quyết, việc tiêm chủng do chính quyền địa phương thực hiện và một cơ sở dữ liệu thống nhất không tồn tại.
Yusuke Nakamura, nhà di truyền học và người tiên phong trong cá nhân hóa điều trị ung thư, nhận định: "Tôi nghĩ chúng ta nên chuẩn bị sớm hơn nhiều. Có thể là một năm trước. Không có cơ chế tiêu chuẩn hóa nào để cung cấp chứng nhận vắc xin nên mỗi thành phố đang làm một số loại, nhưng không có gì được số hóa".
Khi thủ đô Tokyo hầu như không đạt được tiến bộ nào trong kế hoạch này, một số thành phố tự quản đang thực hiện nó một mình, theo các quan chức.
Thành phố Ishigaki ở cực nam Nhật Bản đã sửa đổi ứng dụng di động dùng để đặt lịch tiêm vắc xin thành một hồ sơ tiêm chủng. Khách du lịch có thể xuất trình hồ sơ vắc xin của họ để nhận thẻ giảm giá tại các cửa hàng và nhà hàng.
Teruyuki Tanahara, quan chức thành phố Ishigaki, cho biết: “Nếu chúng ta có thể mở rộng việc sử dụng hồ sơ tiêm vắc xin để đảm bảo sự yên tâm giữa chủ cửa hàng và người mua sắm thì nền kinh tế của Ishigaki có thể phục hồi”.
Vấn đề khi mở cửa lại Nhật Bản không thực hiện xét nghiệm COVID-19 hàng loạt. Nước này thực hiện ít hơn 9 lần xét nghiệm COVID-19 trên đầu người so với Mỹ trong thời gian đại dịch, dữ liệu của Đại học Oxford cho thấy.
Chính phủ đã cho biết sẽ xét nghiệm COVID-19 phù hợp với các khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tân Thủ tướng Fumio Kishida đã cam kết tăng năng lực xét nghiệm, nhưng những lời hứa tương tự của những người tiền nhiệm đã không mang lại cải tiến rõ ràng.
Makoto Shimoaraiso, quan chức nội các hướng dẫn ứng phó với đại dịch, nói với Reuters rằng chính phủ đang "thử nghiệm gói dịch vụ xét nghiệm COVID-19 tối ưu, chẳng hạn như ở sân bóng, sân vận động, nhà hàng hoặc quán rượu".
Ông Makoto Shimoaraiso cho biết: “Chúng tôi sẽ lắng nghe ý kiến của các bên liên quan khác như các doanh nghiệp tư nhân và chính quyền địa phương để đưa ra một kế hoạch hoạt động cụ thể. Chúng tôi đang cố gắng xúc tiến điều đó”.
Quay trở lại Tokyo, Mike Grant, đồng sở hữu chuỗi nhà hàng pizza và bia thủ công DevilCraft với 20 nhân viên, nói bất kỳ kế hoạch nào cũng nên đi kèm với các quy tắc thực thi rõ ràng.