Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 21.10 tuyên bố việc dỡ bỏ trừng phạt của phương Tây với Iran, Venezuela sẽ giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu bởi cuộc chiến tại Ukraine.
Venezuela bị Mỹ áp đặt trừng phạt dầu mỏ từ năm 2019, Iran cũng đang chịu hàng loạt trừng loạt của Washington trong lúc hai bên đàm phán hồi sinh thỏa thuận hạt nhân.
Iran sở hữu trữ lượng khí đốt lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Nga, nhưng thiếu cơ sở hạ tầng để đẩy mạnh xuất khẩu (hiện chỉ xuất sang Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ).
Theo Ngoại trưởng Cavusoglu, “cả thế giới cần dầu mỏ và khí đốt của Venezuela. Ngoài ra dầu Iran cũng đang chịu cấm vận. Hãy bãi bỏ các trừng phạt nếu muốn giá giảm, bỏ cấm vận sẽ cho phép sản phẩm của hai nước này được cung cấp ra thị trường. Bạn không thể giải quyết vấn đề bằng cách đe dọa”.
Không chỉ kêu gọi bỏ cấm vận, Ngoại trưởng Cavusoglu còn chỉ trích Mỹ “ức hiếp” Ả Rập Saudi sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng đối tác (OPEC+) quyết định giảm mạnh sản lượng.
“Chúng tôi thấy một quốc gia đã đe dọa Ả Rập Saudi gần đây. Hành vi ức hiếp này là không đúng. Việc Mỹ sử dụng đe dọa như cách gây áp lực lên Ả Rập Saudi hay bất cứ quốc gia nào khác là không đúng”, Ngoại trưởng Cavusoglu phát biểu.
Đầu tháng qua, OPEC+ do Ả Rập Saudi dẫn đầu quyết định cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày bất chấp Mỹ phản đối - động thái đẩy giá dầu lên cao trước thềm bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ. Phía Washington tỏ ý tức giận, đe dọa ban hành luật làm giảm sự kiểm soát của OPEC+ với giá dầu cũng như đình chỉ bán vũ khí cho Riyadh.
Thị trường năng lượng toàn cầu năm nay biến động mạnh vì cuộc chiến tại Ukraine. Phương Tây áp đặt trừng phạt với năng lượng Nga, Moscow phản ứng bằng cách chuyển hướng xuất khẩu dầu sang châu Á và cắt giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu.
Kết quả là lục địa già rơi vào khủng hoảng năng lượng trầm trọng, hộ gia đình và doanh nghiệp đối mặt với giá năng lượng cao chóng mặt khi mùa đông lạnh giá sắp đến. Châu Âu cố gắng chuyển đổi sang năng lượng mặt trời và năng lượng gió, đồng thời tăng nhập khí đốt hóa lỏng (LNG).
Do lượng LNG xuất khẩu toàn cầu dường như không thay đổi, nên động thái “gom hàng” của châu Âu khiến nhiều quốc gia nghèo khó không nhập được năng lượng phục vụ sản xuất điện.
Dù là thành viên NATO, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ thời gian qua không hưởng ứng phương Tây trừng phạt Nga. Nước này còn đẩy mạnh giao thương với Moscow đồng thời đứng ra làm trung gian giúp Ukraine - Nga đạt thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen.