Trang Popular Science dẫn lời chuyên gia y tế công Monica Wang (Đại học Boston, Mỹ) khuyến cáo thông tin y tế sai lệch đang tiếp tục lan truyền cả trên mạng xã hội lẫn ngoài đời thực.
Thông tin Y học

Thông tin y tế sai lệch tràn lan trên mạng xã hội

Cẩm Bình 18/12/2023 20:53

Trang Popular Science dẫn lời chuyên gia y tế công Monica Wang (Đại học Boston, Mỹ) khuyến cáo thông tin y tế sai lệch đang tiếp tục lan truyền cả trên mạng xã hội lẫn ngoài đời thực.

Theo bà Wang, không nên đánh giá thấp sự nguy hiểm của thông tin y tế sai lệch mà cần hiểu rõ lý do chúng lan truyền, qua đó tìm cách đối phó.

Chuyên gia Wang chỉ ra vắc xin là chủ đề có nhiều thông tin sai lệch nhất. Một số lầm tưởng phổ biến gồm có:

Tiêm vắc xin liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tự kỷ. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh không có mối liên hệ này và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Viện Hàn lâm khoa học Mỹ, Học viện Nhi khoa Mỹ, Trung tâm Kiểm soát - Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đều kiên quyết bác bỏ.

Vắc xin COVID-19 dẫn đến vô sinh. Đến nay vẫn chưa có bằng chứng khoa học xác nhận thông tin này.

Loạt lo ngại xoay quanh thành phần vắc xin chẳng hạn như thimerosal, nhôm hay formaldehyde. Nhiều nghiên cứu chỉ ra các thành phần an toàn khi sử dụng với liều lượng tối thiểu có trong vắc xin.

Không cần vắc xin để bảo vệ khỏi bệnh tật. Thực tế chứng minh vắc xin phòng các bệnh đe dọa đến tính mạng như đậu mùa, bại liệt, sởi, quai bị, rubella, cúm giúp cứu sống hàng triệu người, góp phần gia tăng tuổi thọ.

Tin vào thông tin y tế sai lệch thường phải trả giá đắt. Trường Y tế công Đại học Brown ước tính khoảng 319.000 ca tử vong do COVID-19 từ tháng 1.2021 - 4.2022 tại Mỹ có thể tránh được nếu tiêm vắc xin. Chỉ riêng thông tin sai lệch về vắc xin COVID-19 đã khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại khoảng 50 - 300 triệu USD/ngày do nhập viện chậm, bệnh tật kéo dài, thiệt hại nhân mạng, thiệt hại kinh tế vì nghỉ làm.

Bên cạnh vắc xin, ăn kiêng và rối loạn ăn uống, hút thuốc hoặc sử dụng chất gây nghiện, bệnh mạn tính cùng phương pháp điều trị cũng là chủ đề có không ít thông tin sai lệch lan truyền.

thong.jpg

Nhóm của chuyên gia Wang và một số nhóm nghiên cứu khác ghi nhận ngày nay mạng xã hội đã trở thành một trong những nguồn cung cấp thông tin y tế phổ biến, đặc biệt với thanh thiếu niên. Tuy nhiên không phải ai cũng được trang bị đủ kiến thức để sàng lọc thông tin.

Tờ The Washington Post cùng trang The Examination qua phân tích bài đăng trên TikTok và Instagram thời kỳ 2022-2023 phát hiện ngành thực phẩm - đồ uống chi tiền cho nhiều người có ảnh hưởng trên mạng (gọi tắt là KOL) chuyên làm nội dung dinh dưỡng để họ quảng bá soda ăn kiêng, đường hoặc thực phẩm chức năng đến hàng triệu người xem. Không phải người xem nào cũng biết về mối quan hệ giữa KOL với ngành công nghiệp thực phẩm.

Theo vài nghiên cứu, thông tin y tế sai lệch tràn lan trên mạng xã hội khiến ít người đi tiêm chủng hơn, làm tăng nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe như rối loạn ăn uống, quan hệ tình dục không an toàn, mắc bệnh lây qua đường tình dục.

Lý do thông tin sai lệch ngày càng nhiều

Lý do chính là suy giảm niềm tin vào khoa học và nhà nước. Chia rẽ chính trị cộng thêm tâm lý ngờ vực trong các cộng đồng bị đối xử bất bình đẳng về y tế khiến tình hình thêm trầm trọng.

Sự thiếu tin tưởng được thúc đẩy và củng cố bởi cách thông tin sai lệch lan truyền ngày nay. Mạng xã hội cho phép mọi người dễ dàng lập nên kho thông tin của riêng mình, hủy theo dõi tài khoản chia sẻ quan điểm trái ngược, thích và chia sẻ nội dung phù hợp với niềm tin của bản thân. Thuật toán lọc nội dung dựa trên tương tác trước đó vô tình hạn chế khả năng tiếp cận nhiều luồng quan điểm khác nhau, khiến người dùng hiểu biết rời rạc không đầy đủ. Điều đáng lo ngại hơn nữa là thông tin sai lệch có khả năng được chia sẻ cao hơn thông tin đúng đến 70%.

Đối phó ra sao?

Hiện chưa có bộ quy định nào quản lý hiệu quả nội dung mạng xã hội, nên phân biệt thông tin đúng sai là nhiệm vụ khó khăn với người dùng. Chuyên gia Wang đề xuất một số biện pháp như sau:

Kiểm tra nguồn. Người dùng mạng xã hội cần xác định xem nguồn đưa ra thông tin có phải cá nhân/tổ chức đáng tin cậy như WHO, CDC hay một nghiên cứu đã qua bình duyệt hay không. Thận trọng với thông tin từ nguồn không xác định.

Kiểm tra chuyên môn của bên đưa ra thông tin. Trình độ chuyên môn, cơ quan chuyên môn liên quan đến bên đưa ra thông tin cũng rất hữu ích. Nếu chẳng thể biết gì về họ thì nên cảnh giác.

Chú ý thời gian của thông tin. Khi có bằng chứng mới xuất hiện thì kiến thức khoa học sẽ thay đổi. Kiến thức lỗi thời có thể không còn chính xác.

Kiểm tra nhiều nguồn. Thông tin y tế được nhiều chuyên gia chấp nhận sẽ đáng tin hơn. Nếu thông tin trên mạng xã hội mâu thuẫn với những gì giới khoa học được chấp nhận rộng rãi và do nguồn không xác định đưa ra thì nó có thể không đáng tin cậy.

Chú ý từ ngữ. Thông tin y tế sai lệch thường dùng từ ngữ giật gân để thu hút sự chú ý chẳng hạn như “phương pháp chữa bệnh thần kỳ”, “phương thuốc bí mật” hoặc “kết quả được đảm bảo”.

Tìm đến chuyên gia y tế. Nếu thông tin khó hiểu hoặc mâu thuẫn, hãy tìm kiếm lời khuyên từ chuyên gia y tế - người có thẩm quyền lẫn chuyên môn để cung cấp thông tin về sức khỏe.

Nếu nghi ngờ, đừng chia sẻ. Chia sẻ thông tin không có giá trị hoặc chưa được xác nhận là tiếp tay lan truyền thông tin sai lệch có thể đem lại hậu quả khôn lường.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
11 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thông tin y tế sai lệch tràn lan trên mạng xã hội