Trong một bức thư gởi lãnh đạo Trung Quốc, hơn 100 nhà trí thức, học giả và luật sư dùng chữ “tàn nhẫn”, để kêu gọi chính quyền thủ đô Bắc Kinh chấm dứt quyết tâm cưỡng chế hàng ngàn lao động nhập cư phải rời khỏi thành phố này.

Thư kêu gọi chính quyền TP Bắc Kinh ngừng cưỡng chế người nhập cư

Trần Trí | 28/11/2017, 15:04

Trong một bức thư gởi lãnh đạo Trung Quốc, hơn 100 nhà trí thức, học giả và luật sư dùng chữ “tàn nhẫn”, để kêu gọi chính quyền thủ đô Bắc Kinh chấm dứt quyết tâm cưỡng chế hàng ngàn lao động nhập cư phải rời khỏi thành phố này.

Theo báo Guardian ngày 27.11, vụ cưỡng chế được chính quyền Bắc Kinh tổ chức thành một chiến dịch 40 ngày chống “cơ sở trái phép”, là những tòa nhà xây tạm không đủ giấy tờ hợp lệ, nhưng từ nhiều năm qua là chỗ ở của hàng triệu lao động nhập cư.

Lực lượng nhân công này làm việc ở các nhà hàng ăn, công ty giao hàng, các công trình xây dựng, tiệm bán lẻ cùng nhiều xí nghiệp nhỏ.

Nhân viên trật tự đô thị “mặt ngầu” cưỡng chế

Chiến dịch được tổ chức với lý do “bảo đảm an toàn”, sau vụ cháy một tòa nhà 2 tầng đêm 18.11 tại quận Đại Hưng ở phía nam Bắc Kinh, khiến 19 người chết gồm 17 nạn nhân là lao động nhập cư, theo Guardian, trong khi báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP, Hồng Kông) nói có 8 trẻ em bị chết cháy.

Vẫn theo SCMP, chính quyền Bắc Kinh phản ứng vụ cháy kinh hoàng này bằng cách ngăn chặn mạng xã hội WeChat đưa tin vụ cháy.

Tiếp đó là mở cuộc kiểm tra an toàn cháy nổ ở toàn thành phố, xác định các tòa nhà tạm cư là “trái phép cần phải cưỡng chế giải tỏa”, khiến dân lao động nhập cư lập tức trở thành người vô gia cư.

Vụ cháy xảy ra đúng thời điểm Bắc Kinh mở chiến dịch lập lại trật tự mỹ quan đô thị. Các nhân viên trật tự đô thị Thành Quản hùng hổ yêu cầu các cửa hiệu, nhà hàng bình dân, chỗ buôn bán “trông nhếch nhác” phải đóng cửa.

Chủ của chúng bị đuổi sau khi chính quyền báo trước vài ngày hoặc thậm chí chỉ vài giờ, theo SCMP. Nhân viên Thành Quản mặt mũi “hầm hố” ra lệnh lao động nhập cư thu xếp hành lý về quê. Cư dân mạng đăng ảnh và vidéo cho thấy quần áo và tư trang bị vứt ra đường, sau khi lao động nhập cư chỉ được cho vài phút thu xếp hành lý.

Nhiều lao động sống ở Bắc Kinh từ lâu, chỉ được phép mang những gì có thể mang theo, trước khi công an niêm phong toàn bộ những tòa nhà “nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị”.

Trong vài trường hợp, chính quyền còn cắt điện, nước sinh hoạt.

Chiến dịch lập lại trật tự đô thị “làm nhục” lao động nhập cư

112luật sư, giáo sư, nhà nghiên cứu, học giả và nghệ sĩ Trung Quốc đã ký tên vào bức thư đề ngày 24.11 sau đó được tải lên mạng xã hội.

Thư gởi lãnh đạo Trung Quốc, mang nội dung chỉ trích “chính quyền thực hiện chiến dịch không đúng qui trình và với tốc độ quá nhanh, tàn nhẫn và chà đạp nhân quyền nghiêm trọng”.

Thư đề nghị chính quyền Bắc Kinh ngưng hành động cứng rắn, thay vào đó là giúp người bị mất mát trong vụ cháy nhà và trong quá trình giải tỏa.

Thư viết: “Bắc Kinh có thể phát triển như ngày nay không chỉ là kết quả lao động cần cù của công dân thủ đô, mà còn nhờ sự hy sinh, đóng góp của nhân dân từ các tỉnh thành khác đến Bắc Kinh. Vì thế, chính quyền phải tri ân toàn thể các công dân Trung Quốc, thay vì lãng quên và trả ơn đồng bào bằng sự kiêu ngạo, kỳ thị và bêu nhục tầng lớp nhân dân có thu nhập thấp nhất nước ta. Việc xua đuổi là sự kỳ thị với chính dân tộc mình. Bất kỳ xã hội văn minh và thượng tôn pháp luật nào đều không thể tha thứ được, chúng ta phải dứt khoát lên án và phản đối những hành xử này. Chúng phải không được tiếp diễn”.

Trong số người ký tên vào bức thư có nhà phân tích chính trị Chương Lập Phàm sống ở Bắc Kinh. Ông nói: “Đấy là mối lo ngại lớn, vì nó liên quan sự ổn định của xã hội thủ đô.Nếu chính phủ vội vàng thúc đẩy thành phố phát triển, thì những vấn nạn xã hội sẽ nổ ra.

Chính quyền khẳng định chiến dịch 40 ngày không nhằm buộc lao động nhập cư nghèo rời khỏi thủ đô. Cơ quan an toàn lao động Bắc Kinh ra tuyên bố sáng 26.11, cho biết chiến dịch nhằm tránh những “thảm kịch” như vụ cháy ở quận Đại Hưng.

Tuyên bố viết: “Những cáo buộc chiến dịch đang chĩa vào giai cấp thu nhập thấp là vô trách nhiệm, không có cơ sở. Chính quyền chỉ nhắm vào các nơi ở và hoạt động trái phép, cùng các hành vi phi pháp đặt lao động nhập cư vào vòng nguy hiểm”.

Vụ cưỡng chế giải tỏa ồ ạt khiến khó xác định chính xác bao nhiêu người bị giải tỏa, đúng vào mùa đông bắt đầu, nhiệt độ xuống cực thấp trong tuần qua.

Trung Quốc vẫn còn duy trì hệ thống “đăng ký tạm trú tạm vắng”, nhằm kiểm soát sự đi lại trong nước. Điều đó có nghĩa lao động nhập cư bị mất nhiều quyền lợi so với dân Bắc Kinh “chính gốc”.

Từ nhiều năm qua, hệ thống này bị chỉ trích, chính quyền hứa thay đổi nhưng chưa đạt nhiều tiến bộ.

Chính quyền Bắc Kinh đang hạ mục tiêu tổng dân số thủ đô là 23 triệu dân từ năm 2020, giảm 15% số dân ở các quận trung tâm. Tức là phải giảm khoảng 2 triệu người, và chính quyền còn kế hoạch giải tỏa 40 triệu mét vuông “cơ sở trái phép”.

Vĩnh Thụy (theo Guardian, SCMP)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo động lực tăng trưởng mới cho hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Đảng, Nhà nước Việt Nam coi phát triển quan hệ hữu nghị với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong tổng thể đường lối đối ngoại của Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thư kêu gọi chính quyền TP Bắc Kinh ngừng cưỡng chế người nhập cư