"Chúng ta không thể phát triển bằng bất cứ giá nào. Như về môi trường, bài học Formosa để lại cho chúng ta những gì? Các tập đoàn đa quốc gia có tầm quan trọng thiết kế luật chơi và làm chủ chuỗi giá trị toàn cầu, tuy nhiên, Bộ Công Thương cần phải đề xuất cơ chế để thu hút đầu tư của tập đoàn đa quốc gia", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng lấy bài học từ Formosa để nhắc nhở Bộ Công thương về cơ chế thu hút đầu tư

Duyên Duyên - Trí Lâm | 13/07/2016, 05:28

"Chúng ta không thể phát triển bằng bất cứ giá nào. Như về môi trường, bài học Formosa để lại cho chúng ta những gì? Các tập đoàn đa quốc gia có tầm quan trọng thiết kế luật chơi và làm chủ chuỗi giá trị toàn cầu, tuy nhiên, Bộ Công Thương cần phải đề xuất cơ chế để thu hút đầu tư của tập đoàn đa quốc gia", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Không thể phát triển bằng bất cứ giá nào

Chiều ngày 12.7, Bộ Công thương đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm với sự tham gia của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Báo cáo kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6.2016 đạt 14,8 tỉ USD, tăng 3% so với tháng trước. Luỹ kế 6 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 82,24 tỉ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may, da giày như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản đều sụt giảm ảnh hưởng tới tăng trưởng của ngành.

Cũng vì vậy, Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm là nhiệm vụ hết sức nặng nề.

Tuy nhiên phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo phải nỗ lực phấn đấu hơn nữa, xuất khẩu phải đạt bằng hoặc cao hơn 10% so với năm 2015.

""Việc nào thị trường làm tốt hơn thì để thị trường tự vận động, nhà nước chỉ tập trung vào những việc thị trường làm không tốt. Quan trọng là phải giữ được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu ít nhất là 10%", Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đề cập đến vấn đề thu hút đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, không thể phát triển bằng bất cứ giá nào.

"Chúng ta không thể phát triển bằng bất cứ giá nào. Như về môi trường, bài học Formosa để lại cho chúng ta những gì? Các tập đoàn đa quốc gia có tầm quan trọng thiết kế luật chơi và làm chủ chuỗi giá trị toàn cầu, tuy nhiên, Bộ Công Thương cần phải đề xuất cơ chế để thu hút đầu tư của tập đoàn đa quốc gia", Thủ tướng nói.

Sẽ không bỏ tiền để cứu những doanh nghiệp như Gang thép Thái Nguyên

Cũng tại buổi họp, để thực hiện được những mục tiêu đã đề ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Công Thương cần có tư duy mới về cách ứng xử với các chủ thể trên thị trường. Cơ chế hỗ trợ của nhà nước cũng phải thay đổi và chấm dứt việc xin cho, không bao cấp và hỗ trợ cho sự yếu kém.

"Chính phủ sẽ sẽ chấm dứt hỗ trợ những doanh nghiệp nhà nước yếu kém và sẽ không bỏ tiền để cứu những doanh nghiệp như Gang thép Thái Nguyên. Mọi doanh nghiệp đều phải đi bằng đôi chân của mình ra thị trường quốc tế", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Bộ Công thương phải đi đầu trong cải cách hành chính nhằm tạo nên sức sống mới trong sản xuất và xuất khẩu. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho Bộ Công thương từ nay đến cuối năm, tất cả các ngành hàng, tập đoàn, tổng công ty phải tập trung vào sản xuất, coi đó là giải pháp quan trọng nhất để góp phần tăng trưởng, đi liền với đó là giảm vấn đề trì trệ, thua lỗ kéo dài.

Thủ tướng tiếp tục yêu cầu tỉnh Kon Tum báo cáo vụ ‘ xẻ thịt’ rừng Đắk Glei

Cũng ngày 12.7, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo các cơ quan chức năng, tiếp tục làm rõ vụ việc khai thác, vận chuyển gỗ trái pháp luật tại huyện Đắk Glei và các địa phương khác trong tỉnh (nếu có).

Trước đó, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và báo Tin tức số ra ngày 21.6.2016 đã phản ánh việc về khai thác và vận chuyển gỗ trái phép tại huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum. Ngày 25.6.2016, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 5176/VPCP-KTN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Kon Tum kiểm tra làm rõ vấn đề đài Truyền hình VTV1 và báo Tin tức phản ánh. Nếu đúng, phải có biện pháp xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật và có các giải pháp không để xảy ra tình trạng tương tự.

Ngày 30.6.2016, UBND tỉnh Kon Tum đã có báo cáo về kết quả kiểm tra, xác minh vụ việc nói trên. Tại buổi làm việc trước đó, ông Nguyễn Văn Liêm - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum đã thông báo sơ bộ kết quả điều tra, xác minh ban đầu.

Theo đó cơ quan điều tra đã xác định 5 đối tượng đã trực tiếp tham gia vụ phá rừng trong lâm phần của Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đăk Glei gồm: A Nét (32 tuổi), A Chằng (35 tuổi), A Lư (34 tuổi), A Thắng (33 tuổi) và Lương Văn Hoạch (32 tuổi). Cả 5 người cùng trú tại thôn Đăk Vức xã Kroong huyện Đăk Glei. Kiểm tra tại nhà, cơ quan chức năng thu giữ 5 xe máy độ chế, 2 hộp gỗ dổi.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đang điều tra làm rõ việc Trạm quản lý bảo vệ rừng thuộc Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đăk Glei không có người trực trong ngày phóng viên TTXVN và Đài THVN phát hiện vụ việc khai thác gỗ trái phép, ngang nhiên lưu thông qua trạm.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo các cơ quan chức năng, tiếp tục làm rõ vụ việc khai thác, vận chuyển gỗ trái pháp luật tại huyện Đắk Glei và các địa phương khác trong tỉnh (nếu có). Đồng thời, chỉ đạo việc kiểm điểm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức cá nhân có liên quan vụ việc; có giải pháp cụ thể, không để xảy ra tình trạng tương tự.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét kiến nghị của UBND tỉnh Kon Tum về việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật bảo vệ và phát triển rừng nhằm tăng cường các chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm, đảm bảo tính răn đe và nghiêm túc thực thi pháp luật trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Duyên Duyên - Trí Lâm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Doanh nghiệp ‘chết yểu’ ngày càng nhiều nhưng ngân hàng vẫn sinh lời cao từ cho vay
Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng doanh nghiệp "chết yểu" gia tăng, tín dụng ảm đạm đang tạo thách thức lớn đối với đà phục hồi tăng trưởng 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng lấy bài học từ Formosa để nhắc nhở Bộ Công thương về cơ chế thu hút đầu tư