UBND TP.HCM vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận bổ sung quy hoạch xây dựng cầu thay thế phà Cát Lái trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.

TP.HCM kiến nghị xây cầu thay thế phà Cát Lái

Phan Diệu | 12/07/2016, 16:09

UBND TP.HCM vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận bổ sung quy hoạch xây dựng cầu thay thế phà Cát Lái trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.

Ngày 12.7, thông tin từ Văn phòng UBND TP.HCM cho biết UBND TP.HCM vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận bổ sung quy hoạch xây dựng cầu thay thế phà Cát Lái.

Theo đó, điểm đầu cầu kết nối với nút giao thông Mỹ Thủy, phường Cát Lái - Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP.HCM. Điểm cuối cầu cách bến phà hiện hữu khoảng 1,2km tại xã Phú Hữu, khu đô thị Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Hướng tuyến dọc theo đường Nguyễn Thị Định đến khoảng đầu đường nội bộ số 21 rẽ phải vượt sông Đồng Nai, hướng về đường Lý Thái Tổ - đô thị Nhơn Trạch, sau đó rẽ trái kết nối với đường Lý Thái Tổ. Dự kiến, cầu có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 4km, loại cầu dây văng có tĩnh không 55m, mặt cắt ngang công trình đảm bảo tối thiểu 4 làn xe.

Theo UBND TP.HCM, việc sớm đầu tư xây dựng hoàn chỉnh công trình cầu thay phà Cát Lái sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng gia tăng theo tác động tương hỗ với sự phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực, rút ngắn thời gian đi lại đồng thời kéo giảm ùn tắc giao thông, tạo sự thông thoáng cho luồng xe container ra vào cảng Cát Lái.

Trước đó, hồicuối tháng 3, liên danh nhà đầu tư Thái Sơn - Cienco 1 - Đức Bình - Cái Mép cũng đã có văn bản đề xuất gửi Thành ủy, UBND TP.HCM, UBND tỉnh Đồng Nai, Sở Giao thông và vận tải xem xét, chấp thuận cho phép được nghiên cứu và lập đề xuất dự án đầu tư xây dựng cầu Cát Lái theo hình thức BOT kết hợp BT.

Liên danh nhà đầu tư này cho rằng do tốc độ phát triển kinh tế khá nhanh của TP.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu nên nhu cầu đi lại qua phà Cát Lái ngày càng tăng, dẫn đến tình trạng ùn ứ ở đây kéo dài. Đáng chú ý, trong các ngày lễ tết, tại khu vực phà Cát Lái thường xuyên xảy ra tắc nghẽn giao thông. Chưa kể, vấn đề lưu thông giữa quận 2 (TP.HCM) với Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (cộng với chiều ngược lại) hiện vẫn phụ thuộc vào phà Cát Lái nên tốc độ lưu thông của các phương tiện ngày càng chậm.

Mới đây, thêm một chủ đầu tư nữa là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng 194 cũng muốn tham gia dự án xây dựng cầu thay phà Cát Lái theo hợp đồng BOT. Theo báo cáo nghiên cứu của chủ đầu tư này, chiều dài của cây cầu khoảng 3km với tổng mức đầu tư có 2 mức là 5.700 tỉ đồng và 4.447 tỉ đồng.

Trong khi đó, UBND tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng huyện Nhơn Trạch có vị trí địa lý là tâm điểm tam giác TP.HCM – Đồng Nai – Bà Rịa-Vũng Tàu và được quy hoạch thành đô thị loại 2, do đóviệc xây cầu thay phà Cát Lái kết nối quận 2 (TP.HCM) với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) là hết sức cần thiết, góp phần phát triển kinh tế xã hội của 2 địa phương cũng như tạo điều kiện giao thông thuận lợi cho người dân.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản đề nghị UBND TP.HCM thống nhất về chủ trương đầu tư dự án này cũng như chỉ đạo các sở, ngành của TP.HCM cập nhật điều chỉnh các quy hoạch phù hợp với mục tiêu dự án.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bàn giải pháp cấp nước sạch ở ĐBSCL bằng nhà máy di động trong container
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Hiện đã có doanh nghiệp làm được nhà máy nước di động, đầu vào sử dụng nước ngọt và cả nước nhiễm mặn để xử lý thành nước sạch với công suất tới 3.000m3/ngày.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM kiến nghị xây cầu thay thế phà Cát Lái