Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4.2019 chiều 4.5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc tăng giá điện vừa qua đã gây tâm tư trong nhân dân.

Thủ tướng: Việc tăng giá điện đã gây tâm tư trong dân

04/05/2019, 17:08

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4.2019 chiều 4.5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc tăng giá điện vừa qua đã gây tâm tư trong nhân dân.

Thủ tướng yêu cầu báo cáo việc tăng giá điện - Ảnh: VGP

Giá điện gây tâm tư trong dân

Theo Thủ tướng, trong tháng 4, kinh tế vĩ mô vẫn ổn định. Tổng cầu tăng mạnh. Một số chỉ tiêu tiếp tục chuyển biến tốt như thu ngân sách tăng cao; nhiều doanh nghiệp mới được thành lập. Thu hút đầu tư tăng kỷ lục với nhiều dự án có quy mô. Dịch tả lợn châu Phi đang được hạn chế ở mức thấp nhất, số điểm dịch mới đã giảm đáng kể. Xuất khẩu tăng, có xuất siêu. Lạm phát ở mức thấp, trong tầm kiểm soát. Chỉ số PMI tăng so với tháng trước, đứng thứ 2 ở khu vực ASEAN.

Một tồn tại rất lớn là giải ngân vốn đầu tư công, do nhiều nguyên nhân, còn chậm. Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ bàn các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa, xử lý nghiêm hơn nữa các trường hợp chậm trễ do nguyên nhân chủ quan của bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư.

Theo đó, cần tiếp tục thu hút đầu tư tư nhân và có cơ chế, chính sách để đất nước phát triển toàn diện các lĩnh vực: Công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, cả văn hóa, xã hội, quan tâm giải quyết các bức xúc của nhân dân tốt hơn.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, việc tăng giá điện gây tâm tư trong người dân. Trước tình hình đó, Thủ tướng đã yêu cầu kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá, từ đó công khai kết quả.

“Tôi đã có quyết định thanh tra về giá điện cũng như phương pháp tính giá lũy tiến hiện nay để cho toàn dân biết. Việc này, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch - Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN cũng thấy cần thiết phải báo cáo lại trước Chính phủ, trước nhân dân về vấn đề này”.

Ngày hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua; làm rõ đúng, sai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6.2019.

Kiến nghị xử lý 6 vấn đề

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho hay, còn 6 vấn đề các bộ, cơ quan thống nhất với VPCP kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hướng xử lý.

Cụ thể, vấn đề thứ nhất là vướng mắc tại Nghị định 105/2017/NĐ-CP, theo đó các cơ sở lưu trú du lịch đủ điều kiện xếp hạng vẫn phải xin giấy phép kinh doanh rượu tại chỗ (Luật Du lịch 2005 quy định các cơ sở lưu trú đủ điều kiện xếp hạng thì không phải xin giấy phép; Luật Du lịch 2017 không quy định vấn đề này).

Về vấn đề này, đề nghị giao Bộ Công Thương trình sửa đổi Nghị định này theo hướng chuyển sang hậu kiểm, thay vì phải xin cấp giấy phép kinh doanh rượu tại chỗ thì các cơ sở lưu trú chỉ thông báo hợp đồng ký kết với các nhà cung cấp rượu để bảo đảm rượu có nguồn gốc, xuất xứ. Trong thời gian chờ sửa đổi Nghị định, cho phép các cơ sở lưu trú du lịch đã được công nhận xếp hạng sao hoặc hạng cao cấp không phải xin giấy phép kinh doanh rượu tại chỗ.

Vấn đề 2 là bất cập tại Nghị định 77/2016/NĐ-CP, theo đó doanh nghiệp kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm (dạng bao gói sẵn) phải có giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm và giấy xác nhận đủ sức khỏe.

Ông Dũng đề nghị giao Bộ Công Thương sửa đổi Nghị định theo hướng bãi bỏ quy định trên để giảm gánh nặng hành chính và chi phí không cần thiết. Trong khi chờ sửa đổi Nghị định, cho phép doanh nghiệp kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm không phải xin 2 giấy xác nhận nêu trên.

Vấn đề 3 là đề nghị bổ sung một số nguyên vật liệu da giày và dệt may vào danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển (theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP). Hiện, Bộ Công Thương đang sửa Nghị định số 111/2015/NĐ-CP. Đề nghị giao Bộ Công Thương rà soát tổng thể, trong đó có nguyên phụ liệu đầu vào cần thiết cho sản xuất da giày và dệt may.

Vấn đề 4 là doanh nghiệp phải nộp thuế nhập khẩu nguyên phụ liệu giày dép từ Trung Quốc 5-20% (riêng đế giầy là 20%). Trong khi đó, từ 1.1.2015 thuế nhập khẩu giày thành phẩm là 0%, đã khuyến khích nhập khẩu giày dép nguyên chiếc từ Trung Quốc, Thái Lan… và không khuyến khích sản xuất trong nước.

Theo đó, đề nghị Bộ Tài chính rà soát, nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng về việc sửa đổi Nghị định 153/2017/NĐ-CP về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN- Trung Quốc.

Tiếp theo là Chỉ thị số 46/CT-TTg cấm quảng cáo và kinh doanh nước ngọt có ga trong trường học (bao gồm cả cao đẳng, đại học…) là không hợp lý. Đề nghị Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng điều chỉnh nội dung Chỉ thị này theo hướng không quảng cáo và kinh doanh nước ngọt có ga tại trường tiểu học. Với các cấp học còn lại, tập trung tuyên truyền, giáo dục về thành phần dinh dưỡng trong sản phẩm, đặc biệt là tỷ lệ calo để định hướng tiêu dùng (thay cho việc cấm).

Vấn đề 6 là các kiến nghị liên quan đến tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm (iod), đề nghị Bộ Y tế khẩn trương khảo sát, đánh giá thực tiễn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện Nghị định số 09/2016/NĐ-CP theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản số 11201/VPCP-KGVX ngày 16.11.2018.

Lam Thanh

Bài liên quan
Bộ Công Thương lý giải đề xuất điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần
Đại diện Bộ Công Thương vừa đưa ra lý giải về đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện tối thiểu từ 6 tháng xuống 3 tháng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng: Việc tăng giá điện đã gây tâm tư trong dân