Đối với mặt hàng điện, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chính quyền cơ sở kiểm tra, xử lý ngay các bức xúc của người dân về các trường hợp chi phí tiền điện tăng đột biến, hoặc các thủ tục hành chính về cấp điện, thanh toán tiền điện.
Kiểm soát lạm phát dưới ngưỡng 4%
Sáng 1.7, phát biểu khai mạc cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị thảo luận kỹ về giải pháp kiểm soát lạm phát dưới ngưỡng 4%, “chứ tăng trưởng mà để lạm phát cao là thất bại”.
Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam ở tư thế phòng thủ bệnh tật trong quá trình phát triển, tức là không chỉ phòng thủ bình thường mà phòng thủ cao, với mục tiêu không được để COVID-19 quay lại lần thứ 2, xóa bỏ thành quả bảo vệ sức khỏe của người dân.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, CPI tháng 6 tăng 0,66%. Từ đó, CPI bình quân giảm dần từ mức cao là 6,54% về mức 4,19% trong 6 tháng đầu năm, dần tiệm cận với chỉ tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% mà Quốc hội đề ra.
Báo cáo cho biết, trên cơ sở kết quả thực hiện công tác quản lý, điều hành giá 6 tháng đầu năm, để thực hiện được mục tiêu kiểm soát CPI bình quân cả năm 2020 trong khoảng 4% thì dư địa cho các tháng còn lại sẽ ở mức +0,56%/tháng.
Như vậy, đến thời điểm hiện nay có thể thấy dư địa cho công tác kiểm soát lạm phát trong các tháng còn lại vẫn ở ngưỡng tương đối thuận lợi và có thể thấy với quyết tâm của Chính phủ và Thủ tướng thì kiểm soát lạm phát năm 2020 sẽ dưới 4%. Tuy nhiên, trong bối cảnh triển vọng kinh tế thế giới được dự báo vẫn ảm đạm do tình hình dịch bệnh, việc điều hành giá vẫn cần được thực hiện thận trọng.
Về giá cả một số mặt hàng, nguồn cung thịt lợn đang được bổ sung từ hoạt động chăn nuôi, tái đàn, nhập khẩu dần được đáp ứng trong thời điểm cuối quý 3, đầu quý 4/2020. Trong các tháng tiếp theo, giá thịt lợn nhiều khả năng sẽ không có biến động lớn so với mức giá hiện nay và có thể xu hướng giảm dần trong quý 4.
Giá các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trên thị trường cơ bản ổn định do nguồn cung trong nước dồi dào, đáp ứng được nhu cầu của người dân. Giá điện cơ bản được giữ ổn định trong năm 2020 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.
Tại cuộc họp, Bộ Tài chính đưa ra 2 kịch bản điều hành giá, theo đó, kịch bản 1 thì CPI bình quân cả năm 2020 so với năm 2019 tăng khoảng 3,64%, kịch bản 2 CPI tăng khoảng 3,95%. Ngân hàng Nhà nước dự báo CPI cả năm 2020 trong khoảng 3,7±0,5%. Tổng cục Thống kê dự báo CPI cả năm 2020 theo 2 kịch bản: Kịch bản 1 tăng từ 3,5-3,7% và kịch bản 2 tăng từ 3,8-4,1%.
Ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo nhất trí cho rằng có khả năng kiểm soát lạm phát dưới 4%. Một số chuyên gia kiến nghị, phải quản lý tốt khâu trung gian; xem xét vấn đề giá của bộ sách giáo khoa mới; phối hợp tốt chính sách tiền tệ và tài khóa; tiếp tục giữ ổn định tỉ giá…
Giải quyết ngay các bức xúc về giá điện
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, 6 tháng đầu năm, các bộ, ngành, cơ quan đã phối hợp chặt chẽ, điều hành khá ăn ý, nhịp nhàng. Báo cáo của Bộ Tài chính, CPI bình quân giảm dần từ mức cao là 6,54% về mức 4,19% trong 6 tháng đầu năm. Từ đó, có thể nhận định khả năng kiểm soát lạm phát dưới 4% theo mục tiêu đề ra là khả thi.
Nêu ra một số bất cập cần tập trung khắc phục như vấn đề giá thịt lợn, sách giáo khoa, giá nước sạch, quỹ bình ổn giá xăng dầu, Thủ tướng nhấn mạnh không chỉ tập trung tháo gỡ để tăng trưởng mà còn lưu ý hơn nữa đến giá cả, lạm phát..
Thủ tướng cũng cho rằng sức ép tăng giá, lạm phát vẫn còn lớn, đặc biệt là giá dầu thô, lương thực, thực phẩm có xu hướng tăng, nhiều nước đã giảm giá đồng tiền. Thủ tướng khẳng định “chúng ta sẽ rất linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, nhất là thời điểm, mức độ can thiệp các công cụ chính sách để không ảnh hướng đến mục tiêu phục hồi và phát triển nền kinh tế”.
Đối với các kịch bản điều hành giá, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp chủ trì với các bộ, ngành tiếp tục rà soát, cập nhật kịch bản phù hợp với mục tiêu đề ra để chúng ta đạt được con số dưới 4%. Trong trường hợp thật cần thiết, có thể điều hành ở 4% để góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
Đối với điều hành giá một số mặt hàng cụ thể, trước hết là xăng dầu, Thủ tướng giao Bộ Công Thương khẩn trương trình sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu. Trong đó lưu ý sử dụng linh hoạt Quỹ bình ổn giá để tránh biến động lớn về giá xăng dầu, đồng thời bảo đảm cân đối nguồn cung trong nước và nhập khẩu xăng dầu để dự trữ phù hợp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Kiểm soát chặt chẽ gian lận tại các đơn vị bán lẻ và buôn lậu xăng dầu.
Đối với mặt hàng điện, không tăng giá điện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chính quyền cơ sở kiểm tra, xử lý ngay các bức xúc của người dân về các trường hợp chi phí tiền điện tăng đột biến, hoặc các thủ tục hành chính về cấp điện, thanh toán tiền điện.
Về mặt hàng nước sạch, Thủ tướng đã có chỉ đạo giảm giá nước sạch. Bộ Tài chính cần kiểm tra, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc này để góp phần giảm chi phí sinh hoạt của người dân trong bối cảnh khó khăn. Giá dịch vụ viễn thông tiếp tục xem xét để giảm giá phù hợp.
Về mặt hàng thịt lợn, Thủ tướng đánh giá cao, nhất trí với các biện pháp mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra gồm tái đàn, tăng đàn, nhập lợn sống, xử lý vấn đề giống lợn để bảo đảm tái đàn, quản lý tốt hơn khâu trung gian, kiểm soát chi phí của từng khâu để tiếp tục giảm giá thịt lợn phù hợp. Bộ Công Thương phải chỉ đạo làm tốt khâu lưu thông, phân phối, bán buôn, bán lẻ để góp phần bình ổn giá thịt lợn.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bảo đảm sản xuất lúa gạo (khoảng 43,5 triệu tấn thóc năm 2020 và có thể chúng ta đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo). Bộ Tài chính thực hiện ngay việc thu mua dự trữ lúa gạo.
Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá, không để tăng giá mà phải giảm giá để kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Đề cập đến giá sách giáo khoa, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung mặt hàng này vào danh mục Nhà nước định giá. Đồng thời, Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu xem xét chính sách giảm giá hoặc cấp không thu tiền sách giáo khoa đối học sinh, con hộ nghèo, các đối tượng yếu thế, những người khó khăn do tác động của dịch COVID-19.
Lam Thanh