Chiều 18.8, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai năm học mới 2023-2024 do Bộ GD-ĐT tổ chức.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT nhanh chóng hoàn thành bộ SGK điện tử

Dạ Thảo - Ảnh: Bộ GD-ĐT | 18/08/2023, 21:35

Chiều 18.8, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai năm học mới 2023-2024 do Bộ GD-ĐT tổ chức.

Sách giáo khoa là vấn đề cần nghiên cứu chứ không nóng vội

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo theo Nghị quyết 29 triển khai tích cực, bước đầu có hiệu quả. Năm học 2022-2023 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có những thuận lợi, khó khăn đan xen, trong đó xuất hiện nhiều diễn biến mới, phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức nặng nề hơn so với dự báo.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT cần nghiêm túc thực hiện kết luận của Đoàn giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Trong đó tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được về xây dựng chương trình, thẩm định SGK, đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá.

Theo Thủ tướng, SGK là vấn đề cần nghiên cứu tiếp để từng bước hoàn thiện chứ không vội vàng. "Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đặc biệt quan trọng, phức cảm, nhạy cảm, phạm vi tác động lớn nên cần đổi mới những vấn đề lớn cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, cơ chế chính sách, điều kiện thực hiện", Thủ tướng nêu.

Đưa ra ý kiến về những tồn tại của ngành giáo dục, Thủ tướng cũng chỉ ra các vấn đề là công tác hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới giáo dục, đào tạo triển khai còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển thực tế của giáo dục trong nước và xu hướng hội nhập quốc tế, nhất là đối với tự chủ đại học.

Thủ tướng đánh giá việc thực hiện chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới hiện nay còn một số bất cập. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ở một số địa phương chưa phù hợp, còn tình trạng thiếu trường, thiếu lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

318024c623815ca883a0833b8d438eba-3560.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn và các Thứ trưởng: Nguyễn Văn Phúc, Phạm Ngọc Thưởng chủ trì hội nghị

"Nhiều khu đô thị, khu công nghiệp không dành quỹ đất để đầu tư xây dựng trường, lớp dẫn đến tình trạng quá tải của các trường, sĩ số học sinh/lớp cao hơn nhiều so với quy định, làm gia tăng áp lực trong tuyển sinh đầu cấp, nhất là tuyển sinh lớp 10", Thủ tướng dẫn chứng.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề cập đến vấn đề tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, bất cập giữa các cấp học giữa các địa bàn. Nhiều địa phương chưa đảm bảo đủ định mức giáo viên theo quy định, đặc biệt là giáo viên mầm non và giáo viên để thực hiện chương trình giáo dục mới. Chính sách, chế độ đãi ngộ còn bất cập, chưa hấp dẫn, khó thu hút, giữ chân đội ngũ giáo viên, nhất là nhân lực chất lượng cao ở các thành phố lớn hoặc các địa bàn khó khăn…

Sau khi phân tích nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách, hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi để thực hiện đổi mới giáo dục, đào tạo.

Bộ GD-ĐT chủ trì tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29

Nhắc tới nhiệm vụ của ngành giáo dục thời gian tới, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, trong đó yêu cầu Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các địa phương tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của trung ương bảo đảm nghiêm túc, khách quan, sát thực tiễn. 

Thủ tướng cũng yêu cầu ngành giáo dục tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Đồng thời, khẩn trương hoàn thành việc biên soạn SGK điện tử, SGK tiếng dân tộc thiểu số, thử nghiệm và sử dụng sách chữ nổi cho người khiếm thị.

khai-giang-yen-1.jpg
Bộ GD-ĐT tiếp tục nghiên cứu đổi mới SGK, có lộ trình phù hợp

Ngay buổi họp, Thủ tướng cũng yêu cầu ngành giáo dục còn có 6 điểm cần tháo gỡ ngay trong năm học mới 2023-2024.

Một là: Kiên quyết kiên trì không cho ma túy, tệ nạn xã hội vào học đường, xâm hại sức khỏe, đạo đức, nhân cách của học sinh, sinh viên.

Hai là: Khắc phục bằng được tình trạng bạo lực học đường, đảm bảo an ninh an toàn cho học sinh giáo viên trong mọi hoàn cảnh.

Ba là: Hệ thống sách giáo khoa cần đổi mới nhưng phải đảm bảo chuẩn mực và phải ổn định phát triển.

Bốn là: Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng và giáo dục thường xuyên.

Năm là: Rà soát lại việc dạy và học môn học giáo dục công dân trong trường phổ thông, cần thiết thì phải tăng giờ học để đảm bảo chất lượng.

Sáu là: Nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non, thiếu trường học vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Trước thềm năm học mới 2023-2024, Thủ tướng mong muốn, các thầy, cô giáo, những người làm giáo dục khắc phục mọi khó khăn, kiên trì mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng được sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển hùng cường, thịnh vượng của đất nước.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng khẳng định, ngành giáo dục trân trọng tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và các đại biểu dự hội nghị tổng kết năm học. Từ đó sẽ quán triệt, triển khai những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng bằng những chương trình, kế hoạch công tác cụ thể và quyết tâm, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bộ GD-ĐT sẽ đặc biệt lưu ý đến vấn đề về công bằng giáo dục, phát triển giáo dục đối với đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Bộ GD-ĐT sẽ khắc phục 6 vấn đề Thủ tướng nêu và một số nội dung cụ thể nêu trong công điện trước thềm năm học mới.

Bài liên quan
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Bộ GD-ĐT đang chủ trương không cấm nhà giáo dạy thêm
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ GD-ĐT đang chủ trương không cấm việc dạy thêm của nhà giáo, nhưng cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức của nhà giáo cũng như vi phạm những nguyên tắc về chuyên môn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
10 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT nhanh chóng hoàn thành bộ SGK điện tử