Thủ tướng yêu cầu thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin, trong tháng 1.2022 phải hoàn thành việc tiêm mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi.

Thủ tướng yêu cầu hoàn thành việc tiêm mũi ba trong tháng 1.2022

P.V | 17/12/2021, 06:30

Thủ tướng yêu cầu thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin, trong tháng 1.2022 phải hoàn thành việc tiêm mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi.

Chiều 16.12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19, chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc về các giải pháp để triển khai hiệu quả hơn Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Cùng tham dự cuộc họp có Phó thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cùng lãnh đạo một số bộ, ngành, các địa phương.

thu-tuong.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19, chiều 16.12 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại cuộc họp, theo đề nghị của Thủ tướng, các đại biểu đã tập trung đánh giá tình hình và công tác phòng chống dịch, nhất là tiến độ tiêm vắc xin, bảo đảm thuốc điều trị, tăng cường năng lực y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Báo cáo của Bộ Y tế và các ý kiến nhấn mạnh nguyên nhân một bộ phận người dân không tiêm vắc xin, trong khi số ca tử vong tập trung chủ yếu ở những người cao tuổi, người có bệnh lý nền, chưa tiêm đủ vắc xin. Báo cáo của nhiều địa phương cho thấy số ca tử vong chưa tiêm vắc xin hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi chiếm khoảng 85%; số ca tử vong có bệnh nền chiếm 93,33%...

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn lưu ý, nhiều trường hợp nhiễm COVID-19 nhưng không tử vong do COVID-19 mà do bệnh nền, do đó, cần hết sức chú ý xử trí bệnh nền kịp thời cùng với việc điều trị COVID-19.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi và lãnh đạo nhiều địa phương nhấn mạnh cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng về việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, kiên trì, đẩy mạnh tuyên truyền để tiêm vắc xin cho người dân. Ông Mãi cũng cho biết, công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử phạt trên địa bàn chưa đạt yêu cầu, đây là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh còn lây lan.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, mở cửa nền kinh tế, khôi phục và phát triển kinh tế xã hội. Thủ tướng yêu cầu phải kiểm soát rủi ro, giảm ca mắc cộng đồng, ca chuyển nặng và giảm tối đa ca tử vong, đây là mục tiêu rất rõ và cần quyết tâm thực hiện.

Dự báo thời gian tới, tình hình dịch bệnh sẽ vẫn diễn biến phức tạp. Các tổ chức quốc tế và các nước đánh giá biến chủng Omicron có tốc độ lây lan nhanh hơn chủng Delta, trong khi chưa có kết luận cuối cùng về độc lực và khả năng kháng vắc xin; có thể tiếp tục xuất hiện các biến chủng mới.

Thủ tướng nêu rõ, để ngăn chặn ca lây nhiễm, cần tuyệt đối không lơ là, chủ quan, bám sát tình hình, sớm phát hiện khi các chủng mới xâm nhập vào Việt Nam. Xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện đúng quy định về phòng chống dịch. Tăng cường xét nghiệm tầm soát với đối tượng, địa bàn có nguy cao. Đặc biệt chú ý công tác phòng chống dịch tại các đô thị lớn, khu công nghiệp đông người.

Thủ tướng yêu cầu thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin. Chậm nhất tới cuối tháng 12.2021 phải hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi; trong tháng 1.2022 phải hoàn thành việc tiêm mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi và tiêm mũi 2 cho người từ 12-18 tuổi. Việc tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 tuổi tiến hành theo kết luận của cấp có thẩm quyền và cần nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động.

Bộ Y tế chịu trách nhiệm bảo đảm đủ vắc xin, bảo quản, hướng dẫn, tổ chức chiến dịch tiêm khoa học, hợp lý, hiệu quả; nếu không đủ vắc xin thì Bộ chịu trách nhiệm. Các địa phương thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nếu có đủ vắc xin mà không hoàn thành được mục tiêu tiêm chủng thì Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm.

Bộ Y tế cần bảo đảm đủ thuốc điều trị, không để thiếu thuốc; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, các bệnh viện chủ động mua thuốc điều trị; chịu trách nhiệm kiểm định, quản lý chất lượng thuốc được đưa vào sử dụng; phân bổ, hỗ trợ kịp thời thuốc điều trị cho các địa phương…

Về tăng cường y tế cơ sở và y tế dự phòng, Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh việc tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn về phát hiện, xét nghiệm sàng lọc, điều trị ban đầu, điều trị sớm F0 tại cơ sở, tại nhà. Những nơi xuất hiện nhiều ca nhiễm, diễn biến phức tạp thì dứt khoát phải thành lập trạm xá lưu động, bảo đảm trang thiết bị y tế cần thiết, đồng thời điều động lực lượng hỗ trợ từ nơi khác.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục quan tâm công tác bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tự giác, tự nguyện, tích cực tham gia công tác phòng chống dịch để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng, vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Thủ tướng cũng lưu ý cần tổng hợp đầy đủ về kinh phí phòng chống dịch năm 2021, bao gồm từ nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn hỗ trợ, viện trợ, để dự trù cho năm 2022 trên tinh thần chủ động, tích cực hơn, chuẩn bị kỹ hơn, tránh bị động, lúng túng, bất ngờ.

Bài liên quan
Thủ tướng yêu cầu phải báo cáo tình hình chuyển đổi số, kinh tế số một cách trung thực
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương đánh giá tình hình triển khai công tác chuyển đổi số quốc gia với trọng tâm là phát triển kinh tế số trên tinh thần khách quan, trung thực, có số liệu cụ thể về kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế...

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ông Phan Đức Trung: 'Khung pháp lý cho tài sản ảo là bài toán khó'
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), cho biết việc ban hành một chính sách hoàn chỉnh cho tài sản ảo (VA) và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) phù hợp vào thời điểm này là một bài toán khó.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng yêu cầu hoàn thành việc tiêm mũi ba trong tháng 1.2022