Thủ tướng yêu cầu tổ chức tiêm chủng miễn phí, an toàn, kịp thời, không phân biệt các loại vắc xin; không tổ chức tiêm dịch vụ có thu tiền. Tinh thần vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất.

Thủ tướng yêu cầu không tổ chức tiêm vắc xin dịch vụ thu tiền

Lam Thanh | 23/08/2021, 20:58

Thủ tướng yêu cầu tổ chức tiêm chủng miễn phí, an toàn, kịp thời, không phân biệt các loại vắc xin; không tổ chức tiêm dịch vụ có thu tiền. Tinh thần vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 1102/CĐ-TTg ngày 23.8 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn quốc.

Công điện nêu rõ, trong nước, dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, có nơi rất nghiêm trọng, nhất là tại TP.HCM và một số địa phương phía nam.

Thủ tướng yêu cầu kết hợp linh hoạt, hiệu quả giữa tập trung chỉ đạo và phân cấp thực hiện, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ”, là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch.

Đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, Thủ tướng yêu cầu ngoài thực hiện nghiêm các quy định của Chỉ thị số 16/CT-TTg, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu ở đó”, cách ly người với người, nhà với nhà, xã phường với xã phường… và phải bảo đảm các yêu cầu y tế, lương thực, thực phẩm, dịch vụ thiết yếu cho dân.

Theo đó, người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Phải ưu tiên cao nhất cho công tác phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, tùy tình hình, cần quan tâm chỉ đạo phát triển các mặt kinh tế - xã hội và các công việc quan trọng khác.

“Công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là nhiệm vụ cấp bách trước mắt và lâu dài; không được tự mãn với kết quả phòng chống dịch; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; phải luôn sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra”, công điện nêu.

Trong công điện, Thủ tướng cũng nhấn mạnh giãn cách xã hội là yếu tố quyết định để hạn chế tối đa lây nhiễm dịch bệnh; phải thực hiện nghiêm, thực chất, kịp thời việc cách ly nguồn lây nhiễm trong cộng đồng, không để “chặt ngoài lỏng trong”; thần tốc xét nghiệm trên diện rộng là then chốt để phát hiện sớm, cách ly nhanh, phân loại kịp thời và điều trị phù hợp, hiệu quả người nhiễm COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế.

Thủ tướng nhấn mạnh điều trị giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu. Các địa phương chuẩn bị đầy đủ về cơ sở thu dung, chăm sóc điều trị người bệnh và người nhiễm COVID-19, bảo đảm đủ ô xy y tế, thuốc, trang thiết bị, vật tư và nhân lực y tế cho các cơ sở này; thiết lập các trạm y tế lưu động để bảo đảm hỗ trợ y tế, điều trị người nhiễm COVID-19; bảo đảm việc phân loại, điều phối, chuyển tuyến kịp thời để điều trị tất cả bệnh nhân, đặc biệt đối với bệnh nhân có diễn biến nặng.

Ngoài ra, theo Thủ tướng, việc bảo đảm an sinh xã hội là trọng yếu. Tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội, phải bảo đảm lương thực, thực phẩm, các dịch vụ thiết yếu cho người dân; không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc.

vx.jpg
Vắc xin, thuốc điều trị là chiến lược - Ảnh: Internet

Công điện nêu rõ, vắc xin, thuốc điều trị là chiến lược. Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh “ngoại giao vắc xin” để có sớm nhất, nhiều nhất vắc xin. Thúc đẩy mạnh mẽ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin trong nước; khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhập khẩu vắc xin nhưng phải bảo đảm thuộc danh mục Bộ Y tế cấp phép và rõ nguồn gốc xuất xứ.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu tổ chức tiêm chủng miễn phí, an toàn, kịp thời, hiệu quả, không phân biệt các loại vắc xin; không tổ chức tiêm dịch vụ có thu tiền. Thông tin đến người dân tinh thần vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất; khắc phục ngay tình trạng chờ đợi lựa chọn vắc xin.

Thủ tướng giao Bộ Y tế tập trung chỉ đạo việc nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất trong nước thuốc điều trị COVID-19.

Các địa phương chịu trách nhiệm bảo đảm nhân lực, cơ sở vật chất theo phương châm “4 tại chỗ” để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; ưu tiên nguồn lực, tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên; sẵn sàng về nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế, phương tiện, cơ sở khám bệnh…

Thủ tướng yêu cầu giao 1 đầu mối có thẩm quyền ở các cấp chủ động cung cấp thông tin thường xuyên cho người dân về tình hình và các biện pháp phòng chống dịch; chú ý lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, phản ánh của người dân.

Một nội dung quan trọng khác là bảo đảm vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt mọi lúc, mọi nơi. Các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng với tinh thần chỉ kiểm tra tại điểm đi, điểm đến và bảo đảm các quy định an toàn phòng chống dịch; bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp.

Song song với đó, Thủ tướng yêu cầu duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện theo nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Các bộ, ngành, địa phương lắng nghe phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân và căn cứ tình hình thực tế, hướng dẫn, tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn.

Đồng thời, Thủ tướng chỉ rõ, cần tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực, hiệu quả; kịp thời đánh giá, sơ kết, tổng kết các mô hình như: “3 tại chỗ”, “3 cùng”, “1 cung đường 2 điểm đến”, “doanh nghiệp xanh”… để rút kinh nghiệm, hoàn thiện và tổ chức thực hiện phù hợp với diễn biến tình hình. Lãnh đạo các cấp ở địa phương thường xuyên gặp gỡ, tiếp nhận, xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp tại địa phương…

Bài liên quan
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng yêu cầu không tổ chức tiêm vắc xin dịch vụ thu tiền