Ngày 19.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp đột xuất của Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19.

Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm nếu áp dụng Chỉ thị 16 và có thể ở mức cao hơn

Tú Viên | 19/07/2021, 20:11

Ngày 19.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp đột xuất của Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19.

Tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm nếu áp dụng Chỉ thị 16 và có thể ở mức cao hơn về một số điểm: Kiên quyết thực hiện giãn cách, người dân hạn chế đi lại, không ra khỏi nhà nếu không cần thiết, xử lý nghiêm các vi phạm. Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, nhất là chấn chỉnh tình trạng chủ quan khi thực hiện Chỉ thị 15, 16.

Đồng thời, bảo đảm phối hợp chặt chẽ và thông suốt với các bộ, ngành; huy động cả hệ thống chính trị tại cơ sở vào cuộc, huy động các nguồn lực, đẩy mạnh hợp tác công - tư trong phòng chống dịch với hướng dẫn cụ thể.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thời gian tới, đặc biệt là trong 5-7 ngày nữa, tình hình dịch bệnh tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam diễn biến phức tạp, số bệnh nhân nặng có thể gia tăng. Về hậu cần cho phòng, chống dịch, Bộ Y tế đã thành lập kho dã chiến trang thiết bị, vật tư tiêu hao tại TP.HCM và sẽ điều phối 2.000 máy thở cho kho dự trữ này; Bộ Y tế cũng đã chuyển về 299 máy thở các loại.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định và cho biết Bộ đã điều động, hỗ trợ cho TP.HCM và các tỉnh trong khu vực hơn 6.400 người và hơn 9.000 người đang sẵn sàng chi viện thêm; sẽ tiếp tục đưa người đến hỗ trợ cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam. “Chúng ta không để bệnh nhân thiếu máy thở, không để thiếu trang thiết bị, dụng cụ phòng hộ đối với nhân viên y tế”, Bộ trưởng nói.

Hiện có 993 cơ sở y tế đủ đáp ứng yêu cầu điều trị cho 66.000 ca mắc (cần đến thở oxy). Năng lực sản xuất của các nhà máy oxy của cả nước rất lớn, tổng công suất đạt hơn 851.000m3 khí mỗi ngày (tương đương 1.300 tấn/ngày) và có thể tăng thêm từ 50% -100% công suất. Bộ Y tế đã họp với 17 nhà máy sản xuất oxy trên toàn quốc, yêu cầu các đơn vị tăng công suất sản xuất, tăng dự trữ oxy và khả năng phân phối.

Trong khi đó, theo yêu cầu của Thủ tướng, 7 bộ: LĐ-TB và XH, Quốc phòng, Công thương, NN-PTNT, GTVT, Xây dựng, TT-TT đã thành lập “tổ công tác đặc biệt” tại TP.HCM.

long-.jpeg

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: Internet

Thủ tướng giao Bộ Y tế không để bị động, lúng túng, thiếu hụt nguồn nhân lực y tế; đánh giá, dự báo tình hình chính xác để Chính phủ điều hành kịp thời, tinh thần là phải chuẩn bị ở mức cao hơn.

Bộ Quốc phòng tham gia bảo đảm trật tự an toàn xã hội, cung ứng hàng hóa, tham gia hỗ trợ sản xuất theo tinh thần “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân sản xuất”; phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ để để đẩy nhanh sản xuất vắc xin trong nước.

Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an bảo đảm an ninh trật tự và cùng với hệ thống chính trị ở cơ sở siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện giãn cách, cách ly, triển khai trên toàn quốc một cách bài bản.

Bộ Giao thông Vận tải được quán triệt “không để xảy ra ách tắc giao thông”, nhất là vận chuyển hàng hóa, hướng dẫn để các địa phương phải thực hiện thống nhất trên toàn quốc, không ban hành “giấy phép con”.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương bảo đảm hàng hóa, nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân, tập trung nắm tình hình, xử lý ngay các vướng mắc.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn các địa phương thực hiện Nghị quyết 68 về hỗ trợ người gặp khó khăn và một số nội dung khác như tạm hoãn hợp đồng lao động.

Bộ Ngoại giao tập trung vào các nhiệm vụ phục vụ phòng chống dịch như đẩy mạnh ngoại giao vắc xin, chuyển giao công nghệ, cung cấp giá cả trang thiết bị phòng chống dịch để các đơn vị trong nước tham khảo.

Về phía các địa phương, Thủ tướng yêu cầu Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm nếu áp dụng Chỉ thị 16 và có thể ở mức cao hơn về một số điểm: kiên quyết thực hiện giãn cách, người dân hạn chế đi lại, không ra khỏi nhà nếu không cần thiết, xử lý nghiêm các vi phạm…

Thủ tướng lưu ý phải thực hiện thật tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, nhất là tại các địa phương phía Nam với các đặc điểm riêng về dân cư và xã hội, đặc biệt cần lưu ý khi đợt dịch lần này tấn công các đô thị lớn, nơi tập trung đông người, đầu mối giao thương, vận tải, các khu công nghiệp. Do đó, phải triển khai rất linh hoạt, thường xuyên rà soát, bổ sung các đối tượng cần hỗ trợ. Những nơi đủ điều kiện thì thực hiện “3 tại chỗ” (làm việc tại chỗ, ăn nghỉ tại chỗ, cách ly tại chỗ), hoặc tổ chức chặt chẽ “một cung đường, hai điểm đến” (đưa và đón công nhân từ nơi ở tới nơi sản xuất). Bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống dịch.

Bài liên quan
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương điều tra vụ tai nạn lao động khiến 7 người chết tại Yên Bái
Thủ tướng vừa có công điện yêu cầu điều tra nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm liên quan vụ tai nạn lao động tại Yên Bái chiều 22.4 khiến 7 công nhân tử vong.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vẫn còn băn khoăn về phương pháp định giá trong dự thảo nghị định quy định về giá đất
Góp ý về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về giá đất để hướng dẫn Luật Đất đai năm 2024, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng có một số điểm không hợp lý.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm nếu áp dụng Chỉ thị 16 và có thể ở mức cao hơn