Thông tin Tập đoàn Thủy sản Minh Phú - doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam bị cáo buộc né thuế tại Mỹ ảnh hưởng đến ngành xuất khẩu tôm Việt Nam thời gian gần đây, đang thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước cũng như quốc tế.

Thực hư việc 'ông lớn' ngành tôm Việt trốn thuế tại Mỹ

11/06/2019, 18:25

Thông tin Tập đoàn Thủy sản Minh Phú - doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam bị cáo buộc né thuế tại Mỹ ảnh hưởng đến ngành xuất khẩu tôm Việt Nam thời gian gần đây, đang thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước cũng như quốc tế.

Tôm Việt Nam có thể bị Mỹ điều tra về cáo buộc trốn thuế chống bán phá giá - Ảnh: Internet

Mới đây, một nghị sỹ Mỹ đã gửi thư yêu cầu tới Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) đề nghị cơ quan này tiến hành điều tra về việc tránh thuế chống bán phá giá đối với Tập đoàn Thủy sản Minh Phú. Đề nghị này được đưa ra dựa trên thông tin từ một thư điện tử cáo buộc Tập đoàn Minh Phú có thể đã nhập khẩu tôm đông lạnh từ Ấn Độ để chế biến ở mức tối thiểu và xuất sang thị trường Mỹ với xuất xứ tôm Việt Nam để tránh thuế chống bán phá giá (CBPG).

Trước thông tin này, để đảm bảo lợi ích của ngành tôm Việt Nam, Bộ Công Thương đã vào cuộc đánh giá vụ việc và sẽ phối hợp với các bộ ngành, hiệp hội và doanh nghiệp liên quan làm rõ, xây dựng phương án xử lý, trao đổi và phối hợp với phía Mỹ để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện vụ việc mới chỉ ở giai đoạn nguyên đơn gửi yêu cầu. Theo quy định của Mỹ, trong trường hợp đơn kiện là đầy đủ và hợp lệ, CBP sẽ xem xét có tiến hành khởi xướng điều tra vụ việc hay không. Nếu khởi xướng điều tra, CBP sẽ có khoảng thời gian là 365 ngày để tiến hành thu thập chứng cứ, phân tích, đánh giá, đưa ra kết luận cuối cùng với vụ việc.

Cũng theo cơ quan này, từ năm 2016, căn cứ phán quyết của Cơ quan giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Mỹ đã dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá, không tiến hành rà soát hàng năm biện pháp chống bán phá giá với sản phẩm tôm xuất khẩu của Công ty Minh Phú.

Trao đổi với báo giới, đại diện Tập đoàn Minh Phú cũng lên tiếng cho biết thời gian qua, tỷ trọng tôm xuất khẩu sang Mỹ của tập đoàn giảm chứ không tăng, ví dụ như trong quý I/2019, lượng tôm xuất khẩu sang Mỹ chỉ đạt khoảng 33% trên tổng lượng xuất khẩu, giảm so với tỷ trọng trên 41% của năm 2015.

Sự suy giảm này chứng tỏ rằng cho dù năm 2016, tập đoàn đã được bỏ lệnh áp thuế chống phá giá nhưng không hề đẩy mạnh xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ mà vẫn tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt thị trường châu Âu và các nước lân cận.

Về vấn đề sử dụng tôm nhập khẩu, tập đoàn không phủ nhận việc nhập khẩu từ Ấn Độ với một tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng nguyên liệu để bổ sung nguyên liệu chế biến nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt tôm nguyên liệu tại Việt Nam, ổn định công việc và thu nhập cho người lao động tại từng thời điểm do lượng thu hoạch tôm nguyên liệu có tính mùa vụ và phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết và các yếu tố tự nhiên khác.

"Thực tế, theo thống kê sơ bộ, lượng tôm nhập khẩu từ Ấn Độ chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ (khoảng 10%) trong tổng lượng tôm đầu vào sản xuất của tập đoàn. Không chỉ trong lĩnh vực chế biến thủy sản, mà trong rất nhiều lĩnh vực khác, việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để bổ sung cho sự thiếu hụt nguyên liệu trong nước là một việc hết sức bình thường, phổ biến và hoàn toàn không vi phạm pháp luật của bất kỳ quốc gia nào.

Chúng tôi sử dụng tôm nhập khẩu từ Ấn Độ không phải vì mục đích nhằm trốn tránh nghĩa vụ thuế chống bán phá giá áp dụng cho sản phẩm tôm Ấn Độ. Tập đoàn chỉ nhập khẩu tôm từ Ấn Độ để đáp ứng sự gia tăng trong nhu cầu tôm chế biến từ các thị trường khác ngoài Mỹ và ổn định đời sống cho người lao động trong những thời điểm nguồn cung trong nước thiếu hụt", đại diện tập đoàn nhấn mạnh.

Xung quanh vụ việc này, tờ tin tức ngành thủy sản được đọc nhiều nhất ở Bắc Mỹ Seafood News - đã có bài bình luận nêu rõ quan điểm rằng khiếu nại này rõ ràng có nguồn gốc từ một đối thủ cạnh tranh trong kinh doanh tôm.

Bài báo hy vọng cáo buộc trên sẽ không đi xa vì nếu nó mở đường cho các cuộc điều tra và phải điều tra sẽ không có lợi cho bất cứ ai trong ngành tôm. Ngành thủy sản Mỹ phụ thuộc 90% vào nhập khẩu, những hành động khiến thương mại trở nên đắt đỏ hơn, gây áp lực chính trị đối với các quyết định kinh tế nên bị tất cả các nhà nhập khẩu Mỹ phản đối.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
1 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thực hư việc 'ông lớn' ngành tôm Việt trốn thuế tại Mỹ