Hôm 25.3, nhà bán lẻ thời trang Nhật Bản - Muji cho biết rằng các cửa hàng của họ ở Trung Quốc sẽ tiếp tục bán các sản phẩm làm bằng bông Tân Cương, tách mình khỏi sự náo động từ cư dân mạng nước này kêu gọi tẩy chay H&M, Nike, Adidas và các thương hiệu nước ngoài khác.

Thương hiệu quốc dân Nhật vẫn dùng bông Tân Cương khi đối thủ chính bị dân Trung Quốc tẩy chay

Nhân Hoàng | 25/03/2021, 21:00

Hôm 25.3, nhà bán lẻ thời trang Nhật Bản - Muji cho biết rằng các cửa hàng của họ ở Trung Quốc sẽ tiếp tục bán các sản phẩm làm bằng bông Tân Cương, tách mình khỏi sự náo động từ cư dân mạng nước này kêu gọi tẩy chay H&M, Nike, Adidas và các thương hiệu nước ngoài khác.

Muji được xem là thương hiệu quốc dân tại Nhật Bản, đồng thời cũng là sự lựa chọn của rất nhiều người tiêu dùng tại các quốc gia khác trên thế giới.

Bình luận của Muji được đưa ra sau khi các sản phẩm của đối thủ chính H&M bị loại bỏ khỏi nền tảng thương mại điện tử Tmall của Alibaba và các nhà khai thác thị trường trực tuyến Trung Quốc khác như JD.com, Pinduoduo. Điều đó đến sau bài đăng trên mạng xã hội cùng ngày của Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc, cánh thanh niên của đảng Cộng sản nước này, chỉ trích tuyên bố của nhà bán lẻ Thụy Điển vào năm 2020 rằng không sử dụng bông từ Tân Cương.

Đại diện của Muji tại Trung Quốc nói: "Chúng tôi không từ chối bông Tân Cương và công ty chúng tôi đang sử dụng bông Tân Cương".

Trang phục của Muji với nhãn "bông Tân Cương" đã được hiển thị rõ ràng trên Tmall hôm 25.3.

Chưa rõ liệu Muji có đang sử dụng bông Tân Cương cho quần áo bán ở Nhật Bản và các nước khác hay không.

Trung Quốc là thị trường quan trọng với Muji, đã ghi nhận 17% tổng doanh số bán hàng trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 11 trong năm tài chính 2019. Muji có 274 cửa hàng tại Trung Quốc đại lục tính đến tháng 8.2020.

thuong-hieu-quoc-dan-nhat-van-dung-bong-tan-cuong.jpg
Trang web thương mại điện tử của Muji ở Trung Quốc hiển thị quần áo làm bằng vải bông Tân Cương

Trung Quốc đã bị kéo vào cuộc khẩu chiến sau khi Mỹ, EU, Anh và Canada đưa ra một tuyên bố chung hôm thứ 22.3 nhắc lại cáo buộc về những vi phạm nhân quyền liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Các chính phủ phương Tây này nói rằng chương trình đàn áp sâu rộng của Trung Quốc bao gồm những hạn chế nghiêm trọng với quyền tự do tôn giáo, sử dụng lao động bị cưỡng bức, giam giữ hàng loạt người trong các trại giam giữ, triệt sản phụ nữ và phá hủy các di sản của người Duy Ngô Nhĩ. Trung Quốc đã bác bỏ những cáo buộc đó.

Tại cuộc họp báo hàng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Hoa Xuân Oánh, khi được hỏi về H&M, đã giơ bức ảnh chụp người Mỹ da đen đang hái bông và nói: “Đây là ở Mỹ khi những người nô lệ da đen buộc phải hái bông trên đồng".

Sau đó, bà Hoa Xuân Oánh giơ bức ảnh thứ hai về những cánh đồng bông ở Tân Cương và nói: "Hơn 40% bông ở Tân Cương được thu hoạch bằng máy móc, vì vậy cáo buộc lao động bị cưỡng bức là không tồn tại".

Người dùng internet Trung Quốc đang kêu gọi tẩy chay các thương hiệu lớn khác của nước ngoài như Nike, Adidas, GAP, Uniqlo, New Balance và Fila vì từ chối sử dụng bông từ Tân Cương.

Hashtag bắt đầu bằng Tôi ủng hộ bông Tân Cương của tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận đảng Cộng sản Trung Quốc, đứng đầu trên mạng xã hội Weibo với 85 triệu lượt xem vào giữa trưa ngày 25.3.

Trên trang web của mình, Nike bày tỏ sự lo ngại về các báo cáo về lao động bị cưỡng bức ở Tân Cương và xác nhận rằng không có sản phẩm nào có nguồn gốc từ khu vực này.

Chúng tôi lo ngại về các báo cáo về lao động bị cưỡng bức trong và liên quan đến Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương (XUAR). Nike không cung cấp sản phẩm từ XUAR và chúng tôi đã xác nhận với các nhà cung cấp theo hợp đồng của mình rằng họ không sử dụng hàng dệt hoặc sợi kéo từ khu vực này”, Nike cho hay.

Nike thông báo đã tăng cường các quy trình kiểm toán để xác định khả năng lao động bị cưỡng bức ở Tân Cương.

Có 38 triệu người theo dõi trên Weibo, nam diễn viên nổi tiếng Trung Quốc - Vương Nhất Bác đã chấm dứt hợp đồng làm đại diện cho Nike để đáp lại những lời chỉ trích về tuyên bố của công ty đồ thể thao Mỹ ở Tân Cương.

"Chúng tôi phản đối bất kỳ tuyên bố hoặc hành động nào bôi nhọ Trung Quốc. Nhân phẩm của đất nước không thể bị xâm phạm và chúng tôi kiên quyết bảo vệ lợi ích của quốc gia", Vương Nhất Bác tuyên bố.

Nữ diễn viên Trung Quốc - Đàm Tùng Vận, với 23 triệu lượt theo dõi trên Weibo, cũng tuyên bố chấm dứt hợp đồng với Nike.

Thương hiệu quần áo thể thao Anta của Trung Quốc hôm 24.3 cho biết đã rút khỏi Better Cotton Initiative ((BCI), tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Thụy Sĩ và Vương quốc Anh đang thúc đẩy sáng kiến ​​bông tốt hơn liên quan đến sản xuất bông. Anta sở hữu các thương hiệu gồm Fila, Wilson và Suunto.

Sau khi xem xét nguồn cung cấp bông ở Tân Cương, vào tháng 10.2020, BCI đã cho biết sẽ ngừng phê duyệt bông có nguồn gốc từ Tân Cương cho niên vụ 2020-2021 với lý do lo ngại về nhân quyền.

Các thành viên BCI bao gồm Nike, Adidas, H&M và Fast Retailing (Nhật). Trang web của BCI ngừng hoạt động 25.3 nhưng tổ chức này chưa trả lời khi được đề nghị bình luận.

Chưa rõ có thêm thương hiệu nước ngoài nào sẽ bị ảnh hưởng bởi những lời kêu gọi tẩy chay như vậy ở Trung Quốc hay không.

Nike từng bị cuốn vào cơn bão mạng xã hội khác về cuộc tẩy chay của Trung Quốc chống lại Hiệp hội Bóng rổ nhà nghề Bắc Mỹ (NBA) sau khi Tổng giám đốc CLB Houston Rockets, ông Daryl Morey đăng tải trên Twitter bình luận ủng hộ các cuộc biểu tình tại Hồng Kông: “Đấu tranh vì tự do, ủng hộ Hồng Kông”. Bài đăng này sau đó đã bị xóa.

Ra đời năm 1980 và từ đó đến nay, Muji vẫn luôn là sự lựa chọn hàng đầu của phần lớn người Nhật. Vào thời điểm được thành lập, Muji mang sứ mệnh đưa đến tay người tiêu dùng những sản phẩm với giá thành thấp, tập trung vào chất lượng thông qua việc tận dụng các nguyên liệu thô cùng tối ưu hóa quá trình sản xuất.

Phương châm này của Muji được thể hiện từ ngay chính cái tên của thương hiệu. Muji là viết tắt của "Mujirushi" (tiếng Nhật nghĩa là "không thương hiệu"). Câu slogan bên cạnh logo Muji cũng mang thông điệp "Mujirushi Ryohin", nghĩa là “sản phẩm chất lượng không có thương hiệu”. Đây cũng chính là thông điệp về sản phẩm mà Muji muốn truyền tải đến những khách hàng của mình.

Để tạo nên các sản phẩm được yêu thích như hiện nay, Muji đã liên tục thay đổi, phát triển và cải tiến quá trình sản xuất ở ba nội dung chính: Nguyên vật liệu được lựa chọn cách kỹ lưỡng, hợp lý hóa quy trình tại nhà máy và đơn giản hóa bao bì một cách tối đa.

Đối với Muji, lựa chọn nguyên liệu tốt để tạo nên sản phẩm cho người tiêu dùng là yếu tố quan trọng hàng đầu. Những nhân viên của Muji luôn dành rất nhiều công sức để lựa chọn những nguyên liệu thô phù hợp với sản phẩm, những nguyên liệu chất lượng, an toàn với con người và thân thiện với tự nhiên.

Một trong những nguyên liệu nổi bật của Muji chính là loại vải được thương hiệu này sử dụng cho các sản phẩm may mặc của mình - bông hữu cơ. Bông hữu cơ được canh tác hoàn toàn tự nhiên trên vùng đất không sử dụng thuốc trừ sâu, phân hoá học hay bất kỳ hóa chất nào trong ít nhất 3 năm cho các sản phẩm. Loại bông này có thể tự phân hủy trong môi trường tự nhiên, đồng thời cũng là một nguồn tài nguyên tái tạo. Từng bông vải đều được hái cẩn thận bằng tay nhằm giảm thiểu các tác động trực tiếp lên vật liệu, do đó giữ lại được độ mềm mại tự nhiên vốn có.

Bài liên quan
Nike, Adidas, H&M, Uniqlo tẩy chay bông ở Tân Cương, dân mạng Trung Quốc sôi sục
Sự giận dữ với Nike, H&M đã bùng lên trên mạng xã hội Trung Quốc cuối ngày 24.3 sau tuyên bố của công ty đồ thể thao, thời trang rằng họ lo ngại trước các báo cáo về lao động bị cưỡng bức ở Tân Cương và không sử dụng bông từ khu vực này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thương hiệu quốc dân Nhật vẫn dùng bông Tân Cương khi đối thủ chính bị dân Trung Quốc tẩy chay