Hôm 25.3, nhiều thương hiệu bán lẻ nước ngoài đã hứng chịu sự chỉ trích từ các phương tiện truyền thông xã hội ở Trung Quốc sau cuộc tuyên truyền của chính phủ nước này chống lại H&M vì lo ngại ở Tân Cương của công ty thời trang Thụy Điển.
Đầu tuần này, Trung Quốc bác bỏ cáo buộc vi phạm nhân quyền ở khu vực Tân Cương sau khi Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Anh và Canada áp đặt các biện pháp trừng phạt 4 quan chức nước này hôm 22.3. Trung Quốc đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt trả đũa với 10 nhà lập pháp và học giả cùng 4 tổ chức châu Âu.
Hôm 24.3, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã chỉ trích H&M vì tuyên bố được báo chí đưa tin vào năm ngoái, trong đó hãng thời trang Thụy Điển cho biết vô cùng lo ngại trước các báo cáo về cáo buộc lao động bị cưỡng bức ở Tân Cương và không cung cấp sản phẩm từ khu vực này.
Một làn sóng điên cuồng trên mạng xã hội bùng lên bởi lời kêu gọi của Chính phủ Trung Quốc ngăn các thương hiệu nước ngoài bôi nhọ tên tuổi nước này. Từ đó, người dùng internet Trung Quốc tìm các tuyên bố khác trước đó về Tân Cương của các nhà bán lẻ nước ngoài.
Nike từng cho biết: “Chúng tôi lo ngại về các báo cáo về lao động bị cưỡng bức trong và liên quan đến Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương (XUAR). Nike không cung cấp sản phẩm từ XUAR và chúng tôi đã xác nhận với các nhà cung cấp theo hợp đồng của mình rằng họ không sử dụng hàng dệt hoặc sợi kéo từ khu vực này”.
Vì tuyên bố này, Nike đã bị tẩy chay ở Trung Quốc. Hãng đồ thể thao Adidas của Đức cũng chịu cảnh tương tự.
Có 38 triệu người theo dõi trên Weibo, nam diễn viên nổi tiếng Trung Quốc - Vương Nhất Bác đã chấm dứt hợp đồng làm đại diện cho Nike để đáp lại những lời chỉ trích về tuyên bố của công ty đồ thể thao Mỹ ở Tân Cương. Công ty quản lý Vương Nhất Bác tuyên bố điều này trên Weibo hôm 25.3.
Nữ diễn viên Trung Quốc - Đàm Tùng Vận, với 23 triệu lượt theo dõi trên Weibo, cũng tuyên bố chấm dứt hợp đồng với Nike.
Nhiều dân mạng Trung Quốc cho biết sẽ ngừng mua hàng Nike và ủng hộ các thương hiệu địa phương như Li Ning (công ty sản xuất dụng cụ, trang phục thể thao lớn của Trung Quốc) và Anta (thương hiệu thời trang thể thao chính hãng nổi tiếng của Trung Quốc), trong khi những người khác yêu cầu Adidas rời khỏi Trung Quốc.
Cổ phiếu của Anta Sports Products đã tăng hơn 6% tại Hồng Kông vào 25.3 sau tuyên bố sẽ tiếp tục sử dụng bông từ Tân Cương. Cổ phiếu của Li Ning tăng hơn 7%.
Người dùng internet Trung Quốc cũng nhắm mục tiêu vào Sáng kiến Bông tốt hơn (BCI), một nhóm toàn cầu thúc đẩy sản xuất bông bền vững, đã cho biết vào tháng 10.2020 rằng sẽ ngừng phê duyệt bông có nguồn gốc từ Tân Cương cho niên vụ 2020-2021, với lý do lo ngại về nhân quyền.
“Nếu bạn tẩy chay bông Tân Cương, chúng tôi sẽ tẩy chay bạn. Adidas từ bỏ BCI hoặc rời khỏi Trung Quốc”, người dùng internet viết.
Các thành viên của BCI gồm Nike, Adidas và Fast Retailing của Nhật Bản.
Nike, Adidas và BCI chưa trả lời đề nghị bình luận về chuyện trên.
Để đối phó với sự phẫn nộ, hôm 24.3, H&M Trung Quốc cho biết “không đại diện cho bất kỳ quan điểm chính trị nào", tôn trọng người tiêu dùng Trung Quốc và cam kết đầu tư, phát triển lâu dài tại nước này.
Thế nhưng đến sáng 25.3, H&M đã không tồn tại trên một số bản đồ định vị cửa hàng Trung Quốc. Tìm kiếm các cửa hàng H&M trên Baidu Maps không mang lại kết quả nào. Không thể truy cập được cửa hàng chính thức của nhà bán lẻ quần áo Thụy Điển trên Tmall, nền tảng thương mại điện tử của Alibaba.
Một cửa hàng bách hóa ở Urumqi, thủ phủ Tân Cương, thông báo đã đóng cửa một bộ phận H&M và yêu cầu công ty xin lỗi vì đã "tung tin đồn", làm tổn hại đến lợi ích của khu vực và Trung Quốc.
Trong đêm qua, Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đã triển khai chiến dịch truyền thông xã hội để ủng hộ bông có nguồn gốc từ Tân Cương. Bức tranh Tôi ủng hộ bông Tân Cương được tờ này đăng trên mạng xã hội Weibo đã thu hút khoảng 2,2 triệu lượt thích.
Khi được hỏi về phản ứng dữ dội của người Trung Quốc với H&M, hôm 25.3, Bộ Thương mại Trung Quốc nói cáo buộc về cưỡng bức lao động ở Tân Cương là “không có căn cứ”.
Ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu - ấn phẩm phụ của Nhân dân Nhật báo, kêu gọi các công ty phương Tây “hết sức thận trọng và không trấn áp Tân Cương vì làm như vậy chắc chắn sẽ khơi dậy sự tức giận của công chúng Trung Quốc".