Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Missouri Josh Hawley thông báo sẽ phản đối việc chứng nhận kết quả bầu cử vào ngày 6.1 tại quốc hội Mỹ.

Thượng nghị sĩ Mỹ phản đối kết quả bầu cử, liệu 100 nghị sĩ Cộng hòa có nghe theo?

Hoàng Vũ | 31/12/2020, 12:46

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Missouri Josh Hawley thông báo sẽ phản đối việc chứng nhận kết quả bầu cử vào ngày 6.1 tại quốc hội Mỹ.

Trong một tuyên bố được đăng trên mạng xã hội Twitter hôm 30.12, ông Hawley cho biết: "Hàng triệu cử tri lo ngại về tính toàn vẹn của cuộc bầu cử xứng đáng được lắng nghe. Tôi sẽ thay mặt họ phản đối vào ngày 6.1”.

Hawley nêu rõ trong tuyên bố của mình rằng các đảng viên Dân chủ ở Quốc hội trong quá khứ đã phản đối quy trình chứng nhận tương tự để nêu ra “các vấn đề quan trọng”, giống như những gì ông dự định làm.

“Sau cả hai cuộc bầu cử năm 2004 và 2016, các đảng viên Dân chủ tại quốc hội đã phản đối trong quá trình chứng nhận phiếu đại cử tri để nói lên những lo ngại về tính toàn vẹn của cuộc bầu cử. Họ đã được ban lãnh đạo đảng Dân chủ và giới truyền thông ca ngợi khi họ làm vậy. Và họ được quyền làm như vậy. Còn bây giờ, những người chúng tôi lo ngại về tính toàn vẹn của cuộc bầu cử này được quyền làm điều tương tự”, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Missouri nói.

tai-xuong.jpg
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Missouri Josh Hawley - Ảnh: LA Times

Ngoài ra, ông Hawley cũng nói về các vấn đề liên quan đến cuộc bầu cử năm 2020 ở Pennsylvania và ảnh hưởng từ các tập đoàn công nghệ lớn (Big tech).

"Tôi không thể bỏ phiếu xác nhận kết quả bỏ phiếu đại cử tri vào ngày 6.1 mà không nêu lên sự thật là một số tiểu bang, đặc biệt là Pennsylvania, đã không tuân theo luật bầu cử của chính các bang này. Và tôi không thể bỏ phiếu để chứng nhận nếu không chỉ ra nỗ lực chưa từng có của các tập đoàn lớn, bao gồm Facebook và Twitter, để can thiệp vào cuộc bầu cử này nhằm ủng hộ Joe Biden.

Đáng lẽ ra, quốc hội nên điều tra các cáo buộc gian lận cử tri và áp dụng các biện pháp để đảm bảo tính toàn vẹn của cuộc bầu cử của chúng ta nhưng cho đến nay họ đã không hành động", Hawley nhấn mạnh.

Tính tới thời điểm này, ông Hawley là thượng nghị sĩ đầu tiên tuyên bố sẽ phản đối kết quả bầu cử. Trước đó, nhiều thành viên đảng Cộng Hòa ở Hạ Viện, dẫn đầu là hạ nghị sĩ Tommy Tuberville của bang Alabama, cũng tuyên bố sẽ tham gia phản đối.

Trong một cuộc phỏng vấn cùng ngày, hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Adam Kinzinger - người coi các cáo buộc gian lận bầu cử do ông Trump đưa ra là "trò lừa đảo", cho rằng có thể tới 100 thành viên đảng Cộng hòa sẽ thách thức kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn khi Quốc hội Mỹ vào hôm 6.1.

"Tôi hi vọng tôi sai", Kinzinger cho biết và nói thêm rằng nếu các thành viên trong đảng tiếp tục thách thức kết quả bầu cử, đó sẽ là hành động gây thiệt hại to lớn và "phá hoại nền dân chủ".

ar-190219809.jpg
Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Adam Kinzinger - Ảnh: RRS

"Đây giống như sự việc ở Texas vậy. Dù biết rằng mọi chuyện chẳng đi đến đâu, nhưng việc ký tên vào đơn vẫn dễ dàng hơn nhiều so với việc thực sự bảo vệ nó", Kinzinger nói.

Được biết, theo kết quả kiểm phiếu đại cử tri ở các bang, ông Biden đã giành được 306 phiếu, cao hơn ngưỡng 270 phiếu cần thiết để có được chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, trong khi ông Trump chỉ giành được 232 phiếu.

Phó Tổng thống Mike Pence, người giữ chức Chủ tịch Thượng viện, tại phiên họp quốc hội ngày 6.1, sẽ mở kết quả phiếu đại cử tri của từng bang để các thành viên quốc hội xác nhận, sau đó chính thức xướng tên tân tổng thống Mỹ năm nay.

Tuy nhiên, bất kỳ thành viên nào trong Hạ viện đều có thể đưa đơn phản đối kết quả bầu cử của một bang và đơn chỉ có trọng lượng nếu được một thành viên của Thượng viện ký vào.

Với mỗi bang bị phản đối, quốc hội Mỹ sẽ có tối đa 2 giờ để thảo luận về các cáo buộc gian lận. Nếu 6 bang chiến trường cùng đồng loạt bị phản đối, thời gian tối đa để thảo luận có thể lên tới tổng cộng 12 giờ.

Tổng thống Trump gần đây liên tục gây áp lực với cấp phó Pence, đề nghị ông này không phê chuẩn kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn trong phiên họp lưỡng viện quốc hội sắp tới. Trump cũng các đồng minh vẫn thực hiện nhiều kế hoạch nhằm đảo ngược kết quả bầu cử. Tổng thống Mỹ còn cảnh báo sẽ xảy ra cuộc biểu tình tại thủ đô Washington vào ngày xác nhận kết quả bầu cử.

Trong một diễn biến liên quan, cố vấn chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump Jason Miller cho biết nhóm của ông đang nhắm đến việc đưa ra bằng chứng trong cuộc tranh luận tại quốc hội hôm 6.1 khi các nhà lập pháp tại Hạ viện và Thượng viện phản đối phiếu bầu của cử tri đoàn.

Theo ông Miller, các bằng chứng bao gồm việc thay đổi luật liên quan đến các lá phiếu gửi bằng thư ở Wisconsin; “vali phiếu bầu” ở Georgia được kéo ra từ gầm bàn vào đêm ngày 3.11 tại Atlanta hay hệ thống máy bỏ phiếu bị chặn kiểm tra ở Arizona và Michigan nơi bị cáo buộc rằng các lá phiếu đã được kiểm đếm nhiều lần.

“Đây là những bằng chứng xác thực mà chúng tôi muốn trình bày với người dân Mỹ và chúng tôi không cho phép các chính trị gia địa phương giấu chúng dưới tấm thảm", Miller tuyên bố.




Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Du lịch xanh lên ngôi
4 giờ trước Văn hóa
Xu hướng du lịch xanh trong những năm gần đây ngày càng "lên ngôi", được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thượng nghị sĩ Mỹ phản đối kết quả bầu cử, liệu 100 nghị sĩ Cộng hòa có nghe theo?