Tiền lương, thưởng tết tháng thứ 13 luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm. Trong đó, tiền thưởng Tết, tháng lương thứ 13 có phải nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) không?
Tiền lương tháng 13 là khoản tiền người lao động được nhận vào dịp cuối năm nếu các bên có thỏa thuận. Khoản tiền này cũng mang tính chất như tiền lương, tiền công, dựa vào công việc được giao để trả cho người lao động. Tuy nhiên, khoản tiền này hiện không được quy định cụ thể tại bất cứ văn bản pháp luật nào mà được thực hiện theo thỏa thuận của các bên trong một doanh nghiệp.
Theo Điều 104 Bộ luật Lao động đang có hiệu lực, tiền thưởng Tết là số tiền hoặc tài sản hoặc hình thức khác mà người sử dụng lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh… để thưởng cho người lao động. Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2012, thu nhập chịu thuế TNCN gồm cả thu nhập từ tiền lương tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công.
Như vậy, nếu thu nhập từ tiền lương, tiền công và các khoản tiền có tính chất tiền lương, tiền công trong đó có lương tháng 13 và thưởng Tết sẽ phải nộp thuế TNCN nếu đạt đến mức phải nộp.
Đồng thời, theo điểm e khoản 1 Điều 2 Thông tư số 111 năm 2013, các khoản thưởng bằng tiền hoặc không bằng tiền dưới mọi hình thức đều là đối tượng phải đóng thuế TNCN trừ tiền thưởng kèm danh hiệu thi đua hoặc do Nhà nước phong tặng; kèm giải thưởng quốc gia, quốc tế; về cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh…
Như vậy, thưởng Tết, lương tháng 13 là khoản thu nhập chịu thuế TNCN. Tuy nhiên, người lao động chỉ phải nộp thuế sau khi trừ các khoản giảm trừ (giảm trừ gia cảnh, tiền đóng bảo hiểm xã hội, các khoản giảm trừ khác…) mà vẫn đạt đến mức phải nộp thuế TNCN.
Người sử dụng lao động thưởng Tết, lương tháng 13 vào tháng nào (tháng dương lịch) thì cộng khoản thưởng, lương tháng 13 vào lương của người lao động nhận được trong tháng đó rồi tính thu nhập chịu thuế.
Cụ thể, công thức tính thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương được tính theo từng bậc thu nhập và áp dụng theo công thức sau: Thuế TNCN = Thu nhập tính thuế x thuế suất. Trong đó, thu nhập tính thuế = (Tổng thu nhập - các khoản được miễn) - các khoản giảm trừ.
Tiền thưởng Tết được hiểu là khoản tiền mà người lao động được thưởng dựa vào kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Cơ chế thưởng cho người lao động sẽ khác nhau, tùy theo người sử dụng lao động.
Theo như quy định trên thì người sử dụng lao động không bắt buộc phải thưởng Tết cho người lao động mà phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, cùng với năng suất làm việc của người lao động mà người sử dụng lao động quyết định có thưởng Tết hay không.
Đồng thời, theo như quy định trên, người sử dụng lao động cũng không bắt buộc phải thưởng Tết bằng tiền cho người lao động mà có thể bằng các hình thức khác hoặc là tài sản, sản phẩm.
Dịp Tết Âm lịch, người lao động được nghỉ làm và vẫn được hưởng nguyên lương. Tuy nhiên, do nhu cầu công việc, có thể người sử dụng lao động cần người lao động ở lại làm việc, theo đó người sử dụng lao động chủ động đề nghị người lao động đi làm vào ngày này.
Nếu người lao động đi làm vào ngày Tết Âm lịch 2023 sẽ được trả tiền lương ít nhất bằng 300%, chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
Theo Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, báo cáo của 54.202 doanh nghiệp ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, tương ứng với 4,38 triệu lao động (chiếm 16,2% tổng số lao động làm công hưởng lương trên cả nước) cho thấy thưởng Tết Dương lịch giảm, Tết Nguyên đán tăng.
Về tiền thưởng, năm nay do Tết Dương lịch và Tết Âm lịch khá gần nhau nên các doanh nghiệp tập trung chủ yếu vào thưởng Tết Âm lịch, dẫn đến tiền thưởng Tết Dương lịch giảm, bằng 91% so với thưởng dịp Tết Dương lịch 2022 (bình quân là 1,24 triệu đồng/người); tiền thưởng tết Âm lịch tăng 11% so với Tết Âm lịch năm 2022 (bình quân là 6,86 triệu đồng/người).
Ngoài mặt bằng chung, ở một số vị trí, nhất là người quản lý cấp cao tại một số doanh nghiệp vẫn có mức thưởng cao, cụ thể: Mức thưởng cao nhất dịp Tết Dương lịch năm 2023 là 606,2 triệu đồng ở TP.HCM. Một số địa bàn khác có mức thưởng cao nhất tập trung tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như: Tại Hà Nội là 125 triệu đồng; Bắc Ninh là 257 triệu đồng; Ninh Thuận là 218 triệu đồng; Bà Rịa - Vũng Tàu là 178,57 triệu đồng; Bến Tre là 323,12 triệu đồng...
Mức thưởng cao nhất dịp Tết Âm lịch Quý Mão năm 2023 là 1.004 tỉ đồng tại doanh nghiệp dân doanh ở TP.Đà Nẵng. Một số địa bàn có mức thưởng cao tập trung tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như: Tại Hà Nội là 400 triệu đồng; tại Bắc Ninh là 379,8 triệu đồng; tại Bà Rịa - Vũng Tàu là 535,71 triệu đồng; tại Đồng Nai là 307 triệu đồng, tại TP.HCM là 759,9 triệu đồng.
Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương cho biết, ngoài tiền lương, tiền thưởng dịp Tết, tùy theo điều kiện mà các doanh nghiệp còn có các hình thức khác hỗ trợ, chăm lo cho người lao động nhân dịp Tết truyền thống như tặng giỏ quà, tặng tiền tàu xe về quê đón Tết hoặc bố trí xe đưa người lao động về quê, bố trí hợp lý thời gian nghỉ tết để người lao động có lịch trình thích hợp, đặc biệt đối với lao động làm việc xa quê.