Hầu hết các trường hiện nay đều chọn tiếng Anh làm ngoại ngữ 1 vì dễ tuyển dụng giáo viên và dễ thu hút học sinh đăng ký nên việc mở rộng dạy tiếng Hàn đến các trường tiểu học sẽ gặp nhiều khó khăn.

Tiếng Hàn có lên ngôi khi được nâng cấp thành ngoại ngữ 1?

Tú Viên | 05/03/2021, 10:00

Hầu hết các trường hiện nay đều chọn tiếng Anh làm ngoại ngữ 1 vì dễ tuyển dụng giáo viên và dễ thu hút học sinh đăng ký nên việc mở rộng dạy tiếng Hàn đến các trường tiểu học sẽ gặp nhiều khó khăn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã quyết định đưa tiếng Hàn và tiếng Đức làm ngoại ngữ 1. Thông tin này được công bố rộng rãi hôm qua 4.3. Cần lưu ý là tiếng Hàn sẽ chỉ là 1 trong nhóm 7 ngoại ngữ 1 cùng với tiếng Anh, Pháp, Trung, Nga, Nhật và Đức.

Tuy nhiên, không phải cứ là ngoại ngữ 1 thì sẽ được dạy - học thành công và phổ biến ở Việt Nam. Ngay cả những thứ tiếng từng được dạy ở Việt Nam rất lâu trước đây như Trung, Nga, Pháp cũng không thể cạnh tranh nổi với tiếng Anh. Thống kê của Bộ GD-ĐT năm 2017 cho thấy lượng học sinh học tiếng Trung, Nga, Hàn, Nhật, Đức như là môn ngoại ngữ 1 hoặc môn ngoại ngữ 2 chỉ chiếm khoảng 1% và chỉ có một số địa phương có điều kiện triển khai theo nhu cầu của người học.

Cụ thể, tiếng Nga được dạy tại 10 địa phương (Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hòa Bình, Thái Nguyên, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An) với số lượng khoảng 1.200 học sinh. Môn tiếng Trung được dạy ở 9 tỉnh, tại 28 trường THCS và 18 trường THPT với khoảng 12.000 học sinh, chủ yếu là học sinh chọn làm ngoại ngữ 1. Môn tiếng Nhật được dạy tại 7 tỉnh, 32 trường với khoảng 25.000 học sinh, bao gồm học sinh chọn làm ngoại ngữ 1 và ngoại ngữ 2.

Ngay cả thứ tiếng của nền kinh tế số 1 châu Âu là Đức cũng có rất ít người lựa chọn. Năm 2017, Hà Nội có 218 học sinh, TP.HCM có 130 học sinh chọn tiếng Đức. Tiếng Pháp có khá hơn nhưng cũng không được nhiều nhà trường và học sinh ưa chuộng. Chỉ có tiếng Anh chiếm vị trí độc tôn.

Trong khi đó, tiếng Hàn lại vừa mới đến với người Việt Nam. Mặc dù trường đầu tiên ở Việt Nam dạy tiếng Hàn vào năm 1994 nhưng mãi đến 2017, mới có một số trường trung học bắt đầu thí điểm dạy tiếng Hàn là ngoại ngữ 2, đến năm 2019 tiếng Hàn chính thức được lựa chọn là ngoại ngữ 2.

Thông thường, mất khoảng 10 năm để được nâng cấp từ ngoại ngữ 2 lên ngoại ngữ 1, nhưng tiếng Hàn đã từ ngoại ngữ 2 trở thành ngoại ngữ 1 chỉ sau một năm. Ở Việt Nam, ngoại ngữ 1 được dạy từ lớp 3 còn ngoại ngữ 2 chỉ được dạy như một môn học tự chọn từ cấp 2. Hiện nay, có 6 trường THCS và THPT trên toàn quốc với 1.500 học sinh đang học tiếng Hàn.

Theo Hiệp hội Nghiên cứu Hàn học ở Việt Nam, có 32 trường đại học trên cả nước hiện giảng dạy tiếng Hàn như một môn học chính quy. Tính đến tháng 10 năm ngoái, ước tính có 16.000 người học tiếng Hàn thường xuyên.

Trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội cũng đã được khai giảng khóa học thạc sĩ tiếng Hàn năm 2018, Trường đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM và Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn được biết đang chuẩn bị khai giảng khóa học thạc sĩ tiếng Hàn..

Khảo sát năm cho thấy 12.000 sinh viên đã theo học tiếng Hàn và văn hóa Hàn tại Học viện King Sejong, con số đó chiếm 17% học viên trong số 213 Học viện King Sejong ở 76 quốc gia. Ngoài ra, ước tính có hàng nghìn cơ sở giáo dục tiếng Hàn không chính quy bao gồm cả học viện.

Với sự lan rộng của làn sóng Hàn Quốc và số lượng các công ty Hàn Quốc gia nhập khu vực, nhu cầu học tiếng Hàn đang dần tăng lên. Có thể thấy tiếng Hàn ở Việt Nam đã tăng trưởng rất nóng trong thời gian qua khi hai nước có quan hệ ngày càng chặt chẽ.

Tuy nhiên, từ tăng trưởng nóng đến việc đưa vào giảng dạy tại phổ thông là thách thức lớn. Trước hết là thời gian để chuẩn bị. Theo dự kiến, tháng 8 tới đây các trường tiểu học có thể dạy tiếng Hàn cho học sinh lớp 3. Tuy nhiên, có vẻ như sẽ mất một khoảng thời gian đáng kể để áp dụng việc dạy tiếng Hàn vào lĩnh vực giáo dục thực tế, vì phải chuẩn bị cho việc xây dựng sách giáo khoa và đào tạo giáo viên.

Ngoài ra, khó khăn nữa là hầu hết các trường hiện nay đều chọn tiếng Anh làm ngoại ngữ 1 vì dễ tuyển dụng giáo viên và dễ thu hút học sinh đăng ký nên việc mở rộng giáo dục tiếng Hàn đến các trường tiểu học sẽ gặp nhiều khó khăn. Đây là điều mà tiếng Nhật cũng mắc phải dù Việt và Nhật cũng có quan hệ vô cùng chặt chẽ về cả kinh tế lẫn văn hóa. Nhưng phía Hàn Quốc tin rằng họ có thể thay đổi được lối mòn này. Ngay từ lúc này, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã có kế hoạch hỗ trợ tích cực trong việc phát triển sách giáo khoa, sách đào tạo người học, hướng dẫn giáo viên, đào tạo giáo viên và cử giáo viên tiếng Hàn thông qua việc ký kết thỏa thuận hợp tác với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và Bộ GD-ĐT. 

Ngoài ra, họ có kế hoạch hỗ trợ tích cực việc giáo dục tiếng Hàn ở Hà Nội và TP.HCM với thuận lợi đó là địa bàn có nhiều người Hàn Quốc cư trú. Cả Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng dễ phát triển tiếng Hàn vì đó là những nơi có nhiều công ty của Hàn Quốc

Một vị trong Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết: “Việt Nam nhận thấy sự cần thiết phải dạy tiếng Hàn cho các bạn trẻ từ rất sớm. Tôi kỳ vọng rằng sự quan tâm đến Hàn Quốc và tiếng Hàn sẽ tăng lên”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
3 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiếng Hàn có lên ngôi khi được nâng cấp thành ngoại ngữ 1?