Theo Bộ trưởng Bộ KH-CN, thời gian tới, Bộ KH-CN tiếp tục đẩy mạnh hình thành và phát triển thị trường KH-CN đồng bộ với thị trường khác.
Tại tọa đàm cấp cao diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 lần thứ 3 - Industry 4.0 Summit, các lãnh đạo bộ, tỉnh thành cùng các chuyên gia quốc tế đã có nhiều ý kiến đóng góp đối với khung chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam gắn với phòng chống dịch COVID-19 giai đoạn 2021-2023.
TP.HCM quyết tâm biến nguy thành cơ
Theo ông Võ Văn Hoan – Phó chủ tịch UBND TP.HCM, trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, TP.HCM là địa phương có tỷ lệ lây nhiễm cao khiến hoạt động kinh tế bị kéo lùi nghiêm trọng. Ở giai đoạn bình thường mới, TP.HCM đã bắt tay ngay vào khôi phục kinh tế - xã hội, xây dựng chiến lược phục hồi phát triển kinh tế của thành phố trong điều kiện mới.
“Đặt ra quyết tâm biến nguy thành cơ, đặt chiến lược phát triển kinh tế song hành cùng phát triển y tế, đảm bảo sức khỏe cho người dân”, Phó chủ tịch TP.HCM nhấn mạnh.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, ông Võ Văn Hoan cho biết TP.HCM đang tập trung mọi nguồn lực phát triển thế mạnh của thành phố, đẩy mạnh KH-CN…, cùng với đó là triển khai 7 nhóm giải pháp lớn.
Cụ thể, nâng cao chất lượng kinh tế, gắn với khu công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao. Tái cấu trúc khu công nghiệp và khu chế xuất, từng bước đổi mới công nghệ. Tổ chức thành công Diễn đàn kinh tế thành phố vào năm 2022. Khai thác hiệu quả các quỹ đất. Tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp mạnh dạn đổi mới công nghệ. Dành nhiều nguồn lực hơn cho hoạt động nghiên cứu KH-CN. Quy hoạch thành phố theo hướng đa trung tâm, hướng tới thành phố toàn cầu.
Sắp tới, TP.HCM tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp để giải quyết những nút thắt, những khó khăn sau dịch, nỗ lực cùng cả nước vượt qua giai đoạn khó khăn nhằm khôi phục kinh tế đất nước, đảm bảo đời sống cho người dân…
Kinh tế số - động lực mới cho phát triển đất nước
Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới lấy phát triển nền kinh tế số làm trọng tâm và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung đó. Tại buổi tọa đàm, bà Marie C.Damour - Đại biện lâm thời của Mỹ tại Việt Nam nhận định công nghệ có vai trò quan trọng trong bối cảnh COVID-19 và hậu COVID-19.
Đáng chú ý, bà Marie C.Damour có mong muốn dữ liệu được lưu chuyển tự do để việc hỗ trợ cho nền kinh tế giữa các quốc gia được thuận tiện hơn. Cùng với đó, là sự mong muốn thúc đẩy hơn nữa internet để tăng cường tiếp nhận thông tin, đảm bảo thông tin dữ liệu, môi trường số an toàn, thúc đẩy tinh thần kinh doanh của người dân Việt Nam…
Theo bà Marie C.Damour, đó là quá trình chuyển đổi số và thúc đẩy kinh tế số sau đại dịch một cách bền vững. Đặc biệt là ứng dụng công nghệ để nâng cao năng lực. Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức, như nâng cao kỹ năng số...
Về phía Việt Nam, theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, kinh tế số là sản xuất số, phân phối số và tiêu dùng số. Cái mới bao giờ cũng cần thế chể mới - thể chế số, đảm bảo hoạt động và giao dịch số được hợp pháp.
Để làm được điều này, Bộ trưởng Hùng cho biết chúng ta cần hạ tầng mới - hạ tầng số, hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng điện toán đám mây để xử lý dữ liệu. Cần công cụ sản xuất mới - công nghệ mới.
Theo Bộ trưởng TT-TT, nhà nước với tầm nhìn dài hạn sẽ đầu tư vào nghiên cứu cơ bản các công nghệ số cốt lõi. Mọi doanh nghiệp đều có thể trở thành doanh nghiệp công nghệ. Hơn hết, chúng ta cần thị trường mới với công dân số, xã hội số. Việc đào tạo kỹ năng số cho người dân sẽ tạo ra thị trường số, tạo động lực cho kinh tế số…
Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ đối mặt với những nguy cơ mới, điển hình như đảm bảo an toàn thông tin trên không gian mạng là một phần quan trọng của chiến lược.
Tận dụng lợi thế của cuộc CMCN 4.0
Theo Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt, hiện Bộ KH-CN đang đẩy mạnh hình thành và phát triển thị trường KH-CN đồng bộ với thị trường khác; xây dựng đề án trình Chính phủ nhằm hình thành các doanh nghiệp khởi nguồn, nhằm thương mại hóa các sản phẩm KH-CN.
Song song đó, Bộ KH-CN đang tận dụng lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tăng cường hợp tác quốc gia để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, tập trung đổi mới công nghệ, gắn kết doanh nghiệp với các trường đại học, viện nghiên cứu.
Về quỹ phát triển KH-CN tại doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ KH-CN cho biết hiện doanh nghiệp đã thiết lập và khai thác tương đối tốt nhưng vẫn còn vướng mắc về nội dung chi.
Để giải quyết những vướng mắc này, Bộ KH-CN đang phối hợp với Bộ Tài chính để sửa đổi, bổ sung các thông tư liên quan nhằm tháo gỡ; góp phần tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Trong công cuộc chuyển đổi số, yếu tố con người luôn đóng một vai trò quan trọng. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Phát triển con người là gốc rễ, nhưng vẫn phải đảm bảo năng lực và kỹ năng trong từng giai đoạn đất nước cần”.
Để đào tạo được con người chất lượng cao, cần thiết phải có nền giáo dục 4.0; vì vậy, người đứng đầu Bộ GD-ĐT khẳng định việc chuyển đổi số trong giáo dục là điều cực kỳ cần thiết và quan trọng.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết trong năm 2022 sẽ ưu tiên các trường thuộc khối công nghệ, kỹ thuật, đặc biệt là nhóm ngành về trí tuệ nhân tạo (AI) và IT. Cùng với đó, ngành giáo dục sẽ tăng cường kết hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các trường đại học; củng cố chất lượng dạy và học, tăng cường kỹ năng số cho học sinh, sinh viên…