Nghiên cứu mới cho thấy các chỉ số huyết áp trung bình tăng lên khi đại dịch COVID-19 lây lan mạnh và hậu quả có thể vô cùng trầm trọng.

Đại dịch COVID-19 làm trầm trọng nguy cơ tăng huyết áp, gây hại cho tim, não, thận và mắt

Đan Thuỳ | 07/12/2021, 11:53

Nghiên cứu mới cho thấy các chỉ số huyết áp trung bình tăng lên khi đại dịch COVID-19 lây lan mạnh và hậu quả có thể vô cùng trầm trọng.

2020 là một năm khó khăn với người dân Mỹ. Đại dịch COVID-19 ập đến khiến họ phải đối mặt với vô vàn áp lực từ tình trạng giãn cách xã hội kéo dài, mất người thân do dịch bệnh, thất nghiệp gây ra căng thẳng và trầm cảm. Thế nên không quá ngạc nhiên khi huyết áp của người dân Mỹ tăng vọt.

Vào ngày 6.12, các nhà khoa học đã báo cáo rằng số do huyết áp của gần nửa triệu người trưởng thành tại Mỹ vào năm ngoái đã gia tăng đáng kể so với một năm trước đó.

Các phép đo này mô tả áp lực của máu lên thành động mạch. Theo thời gian, huyết áp tăng có thể gây hại cho tim, não, mạch máu, thận và mắt. Chức năng tình dục cũng có thể bị ảnh hưởng.

Tiến sĩ Donald M. Lloyd-Jones, Chủ tịch Hiệp hội Tim mạch Mỹ, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết: “Đây là những dữ liệu rất quan trọng, không gây ngạc nhiên nhưng là cú sốc. Ngay cả những thay đổi nhỏ về huyết áp trung bình trong dân số cũng có thể tác động rất lớn đến số lần đột quỵ, suy tim và đau tim mà chúng ta có thể gặp những tháng tới”.

Được công bố dưới dạng bức thư đăng trên Tạp chí Circulation, nghiên cứu là lời nhắc nhở rằng, ngay cả trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng hơn 785.000 người Mỹ khiến việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe bị gián đoạn thì các tình trạng sức khỏe mãn tính vẫn phải được theo dõi chặt chẽ.

Gần một nửa số người trưởng thành tại Mỹ bị tăng huyết áp hoặc mắc bệnh huyết áp cao, một tình trạng mãn tính được coi là “kẻ giết người thầm lặng” vì có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng dù chỉ gây ra một số ít triệu chứng.

Tăng huyết áp cũng có thể khiến chúng ta có nguy cơ bị bệnh nặng hơn nếu mắc COVID-19.

Nghiên cứu mới của các nhà nghiên cứu tại Cleveland Clinic and Quest Diagnostics đã kiểm tra dữ liệu từ hàng trăm nghìn nhân viên và thành viên gia đình trong các chương trình chăm sóc sức khỏe theo dõi huyết áp và các chỉ số sức khỏe khác, chẳng hạn như cân nặng. Những người tham gia đến từ 50 bang Mỹ và quận Columbia, bao gồm cả những người có huyết áp cao và huyết áp bình thường khi bắt đầu tham gia vào nghiên cứu.

“Chúng tôi quan sát thấy nhiều người không tập thể dục nhiều trong thời kỳ đại dịch, họ cũng không được chăm sóc thường xuyên, uống nhiều bia rượu hơn và ngủ ít hơn. Chúng tôi muốn biết huyết áp của họ có thay đổi trong đại dịch không?”, theo tác giả chính của nghiên cứu - Tiến sĩ Luke Laffin (bác sĩ tim mạch và là đồng Giám đốc của Trung tâm Rối loạn Huyết áp tại trung tâm y tế học thuật phi lợi nhuận Cleveland Clinic).

12062021_blood-pressure_082932.jpeg
Người mắc bệnh huyết áp cao nên theo dõi sức khỏe  thường xuyên - Ảnh: Internet

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng chỉ số huyết áp có ít sự thay đổi từ năm 2019 đến 3 tháng đầu 2020 nhưng tăng đáng kể từ tháng 4.2020 – 12.2020, so với cùng kỳ năm 2019.

Huyết áp được tính bằng đơn vị mm Hg và kết quả gồm 2 chỉ số quan trọng:

- Chỉ số huyết áp tâm thu: Được xác định ở thời điểm máu bắt đầu đi qua lòng mạch khi sức ép ở băng cao su bắt đầu giảm.

- Chỉ số huyết áp tâm trương: Tương ứng với thời điểm máu hoàn toàn được tự do lưu thông trong lòng động mạch khi không còn sức ép từ băng cao su lên động mạch đó.

Huyết áp bình thường được cho là từ 120/80 mm Hg trở xuống, dù đã có nhiều tranh cãi kéo dài hàng thập kỷ về mức huyết áp bình thường.

Nghiên cứu mới cho thấy mức thay đổi trung bình hàng tháng từ tháng 4.2020 đến 12.2020 so với năm 2019 là 1,10 mm Hg – 2,50 mm Hg với chỉ số huyết áp tâm thu và 0,14 – 0,53 với chỉ số huyết áp tâm trương.

Sự gia tăng này ở cả nam lẫn nữ và ở mọi lứa tuổi. Tăng huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương lớn hơn ở phụ nữ.

Độ tuổi trung bình của những người tham gia nghiên cứu chỉ hơn 45 tuổi và có hơn một nửa là phụ nữ. Thế nhưng, các nhà nghiên cứu cho rằng việc không đưa thông tin về chủng tộc và dân tộc của những người tham gia là khiếm khuyết đáng kể trong nghiên cứu vì bệnh tăng huyết áp ở người Mỹ da đen phổ biến hơn nhiều so với người Mỹ da trắng hoặc gốc Tây Ban Nha.

Người da đen từng bị ảnh hưởng không cân xứng bởi đại dịch. Tiến sĩ Laffin cho biết chỉ 6% số người tham gia nghiên cứu cung cấp thông tin về chủng tộc và dân tộc nên sẽ là phân tích không có ý nghĩa.

Tiến sĩ Kim Williams, bác sĩ tim mạch tại Trung tâm Y tế Đại học Rush (thành phố Chicago, Mỹ) và là tác giả của hướng dẫn huyết áp quốc gia được ban hành vào năm 2017, nói có sự khác biệt lớn giữa người Mỹ da đen, người Mỹ da trắng và người gốc Tây Ban Nha khi đề cập đến bệnh tăng huyết áp.

“Tình trạng tăng huyết áp trở thành đại dịch trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi trong nhiều thập kỷ. Các liệu pháp cũng như nỗ lực của chúng tôi trong việc giải quyết điều này đã được cải thiện, tuy nhiên khoảng cách đang ngày càng rộng ra. Chúng tôi biết đại dịch đã tấn công các nền văn hóa khác nhau và khía cạnh của xã hội theo những cách khác nhau”, ông nói.

Tiến sĩ Luke Laffin và các đồng nghiệp nói nguyên nhân tăng huyết áp nói chung là không rõ ràng. Các lý do có thể bao gồm tăng lượng tiêu thụ rượu, giảm tập thể dục, căng thẳng gia tăng, giảm số lần đi khám sức khỏe và ít tuân thủ chế độ dùng thuốc hơn.

Các nhà nghiên cứu đã bác bỏ tác động có thể có của việc tăng cân, được biết là làm tăng huyết áp. Họ nói rằng những người đàn ông trong nghiên cứu đã giảm cân và phụ nữ không tăng cân hơn bình thường.

Thế nhưng, các chuyên gia khác chỉ ra rằng số liệu trung bình về tăng cân có thể bị che khuất trong các phân khúc dân số.

Tiến sĩ Lloyd-Jones cho biết: “Có thể do nhiều yếu tố khi đề cập đến sự gia tăng tổng thể của huyết áp, nhưng tôi nghĩ một điểm mấu chốt mà chúng ta biết đến là nhiều người đã không thể tiếp cận với hệ thống chăm sóc sức khỏe, mất kiểm soát huyết áp và mắc bệnh tiểu đường”.

eff4rucckwhyusgucczpzdosre.jpeg
Tuân thủ chế độ ăn lành mạnh, tập thể dục thường xuyên sẽ làm giảm nguy cơ tăng huyết  áp - Ảnh: Internet

Tiến sĩ Luke Laffin cho rằng người Mỹ phải quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tổng thể và theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe tiềm ẩn bất chấp sự ảnh hưởng của đại dịch. Hậu quả của việc không làm như vậy có thể tồn tại lâu hơn cả vi rút SARS-CoV-2.

“Ngoài ra, những hậu quả với sức khỏe còn đến từ việc không gặp bác sĩ thường xuyên, lựa chọn chế độ ăn uống không lành mạnh và không tập thể dục. Nếu nghĩ về những hậu quả lâu dài thì có thể thúc đẩy chúng ta thay đổi mạnh mẽ hơn”, ông nói thêm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đại dịch COVID-19 làm trầm trọng nguy cơ tăng huyết áp, gây hại cho tim, não, thận và mắt