Tăng trưởng tiêu dùng Trung Quốc trong “tuần lễ vàng” Tết Nguyên Đán năm nay ở mức thấp nhất trong 1 thập niên, làm dấy lên nghi ngờ liệu chính quyền Bắc Kinh có khả năng giải phóng tiềm năng trong nước để chống lại tình trạng kinh tế giảm tốc hay không.
Bộ Thương mại nước này vừa công bố doanh thu bán lẻ và dịch vụ ăn uống chỉ tăng 8,5% (đạt 148,96 tỉUSD) trong Tết, giảm 1,7% so với mức tăng 10,2% của năm 2018.
Mặc dù tổng doanh thu cao kỷ lục, nhưng 8,5% là mức tăng thấp nhất kể từ khi chính quyền Bắc Kinh bắt đầu công bố các số liệu về doanh thu dịp lễ kể từ 1 thập niêntrước.
Chịu số phận tương tự, tăng trưởng doanh thu du lịch cũng giảm từ tăng 12,1% (năm 2018) xuống chỉ còn tăng 8,2% năm nay, theo Bộ Văn hóa - Du lịch Trung Quốc.
Quốc khánh cùng Tết Nguyên Đán là hai kỳ nghỉ lễ cấp quốc gia kéo dài đến 7 ngày tại cường quốc châu Á, được xem là “tuần lễ vàng” cho nhiều ngành nghề, trong đó có bán lẻ và dịch vụ ăn uống.
Thế nhưng nhà kinh tế học Đinh Sảng làm việc cho ngân hàng Standard Chartered Bank lại dự báo tiêu dùng dịp lễ Trung Quốc có thể không còn tăng trưởng hai con số như trước nữa. Ông còn nhận định doanh thu sẽ tệ hơn nếu thời gian gần đây không có các động thái kích thích chi tiêu mà giới chức nước này thực thi.
Nhà kinh tế Lục Đình thuộc công ty Nomura cho biết: “Tiêu dùng yếu dịp Tết 2019 là dấu hiệu xấu cho tổng doanh thu bán lẻ, củng cố cho dự báo mức tăng doanh thu toàn năm nay sẽ giảm còn 8,5% của chúng tôi”.
“Tiêu dùng hộ gia đình có thể còn giảm do nợ trong nhóm này tăng, triển vọng tăng thu nhập mờ nhạt trong bối cảnh kinh tế suy thoái và lĩnh vực bất động sản hạ nhiệt”, nhà kinh tế Lục nói thêm.
Số liệu doanh thu dịp Tết không phản ánh đầy đủ sự gia tăng trong chi tiêu cho ngành dịch vụ, tuy nhiên đây vẫn là chỉ số quan trọng về niềm tin người tiêu dùng - yếu tố quan trọng để Bắc Kinh ổn định nền kinh tế vĩ mô.
Tăng trưởng GDP Trung Quốc năm ngoái chỉ đạt 6,6% (thấp nhất trong 28 năm qua) và dự kiến sẽ còn giảm, đặc biệt nếu xảy ra trường hợp nước này không đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ.
Năm 2018, tiêu dùng đóng góp đến 76,2% cho tăng trưởng GDP. Chủ tịch Tập Cận Bình nhân cuộc họp kinh tế thường niên cuối năm đã nhấn mạnh phải xây dựng thị trường nội địa mạnh như biện pháp đối phó áp lực bên ngoài.
Theo ông Đinh, chính quyền Bắc Kinh sẽ quan sát tác động của động thái cắt giảm thuế (có hiệu lực từ ngày 1.1.2019) trước khi ban hành thêm nhiều “chiêu” kích thích chi tiêu.
Hiện nguồn cung hàng tiêu dùng nội địa Trung Quốc vẫn phải chịu tình trạng năng lực sản xuất hạn chế cùng chất lượng không đảm bảo, khiến người dân ra nước ngoài mua sắm.
Trong “tuần lễ vàng” Tết 2019, hơn 6,3 triệu người Trung Quốc du lịch ngoài nước. Họ đặc biệt đổ về Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ.
Cẩm Bình (theo SCMP)