Bóng đá luôn tồn tại tiểu xảo – tức những mánh khóe “lợi mình hại người” trên sân cỏ. Ranh giới giữa tiểu xảo và trò bẩn đôi khi rất mong manh. Dưới đây là những trò bẩn xếp vào dạng “kinh điển” trên sân cỏ Việt Nam.
Sau trận đấu ĐT.LA và HAGL, cụm từ “chơi bóng tiểu xảo” được nhắc đến rất nhiều. Tiểu xảo có hàng ngàn tiểu xảo nhưng ở đây, chỉ liệt kê những trò, đòn bẩn mà các cầu thủ Việt Nam hay sử dụng trên sân. Lưu ý rằng đòn-trò và tiểu xảo bẩn cần phân biệt rõ với kinh nghiệm dày dạn hay phong cách đá quyết liệt.
1-Giở bẩn bằng… mồm
Chiêu bẩn phổ biến nhất trên sân là dùng mồm để chửi, khiêu khích cho đối thủ nổi nóng hoặc uy hiếp cho đối thủ mất tinh thần. Chắc hẳn mọi người đều nhớ chuyện Zindane húc đầu vào ngực Materazzi trận chung kết World Cup 2006 vì trung vệ Ý lăng mạ nặng nề đội trưởng tuyển Pháp. Ở Việt Nam, trong những giờ cà kê, các cầu thủ hay kể nhau các kiểu chửi phổ biến là réo tên cha mẹ đối thủ ra chửi hay tìm điểm yếu đối phương khiêu khích, thậm chí dùng lời lẽ đao búa “cô hồn” ra dọa, kiểu: "Đá xong ra ngoài biết mặt tao"
Có một trò bẩn bằng mồm phổ biến nữa là vừa đá vừa năn nỉ hay dụ dỗ đối thủ “buông”, đại loại: “Đội em mấy đứa nó nhận kèo hết rồi sao em đá hăng dữ vậy” hoặc “Đá nhẹ nhẹ tí rồi tối nay gặp nhau chút”.
2-Búng “chim” hay bóp “trứng”
Paul Gascoigne há mồm vì đau khi bị trung vệ Vinnie Jones ra đòn hiểm |
Một trong các chiêu phổ biến hàng đầu mà các trung vệ hay sử dụng là lựa lúc tiền đạo đối thủ sơ sở hoặc lúc trọng tài không để ý thì dùng ngón tay búng mạnh vào hạ bộ hoặc thò tay bóp “trứng”. Chiêu này nhìn bề ngoài có vẻ “hài hài” song lại gây đau đớn không ít cho đối thủ khiến họ mất tập trung, phân tán tinh thần lúc thi đấu. Bóng đá quốc tế ngày trước rất phổ biến môn “búng chim, bóp trứng” nhưng về sau này khi công nghệ truyền hình phát triển mạnh thì trò bẩn cũng bị hạn chế. Tuy nhiên ở Việt Nam, trò “búng chim, bóp trứng” vẫn thịnh vì khó bị truyền hình phát hiện cũng như trọng tài ít can thiệp thổi phạt hành vi chơi xấu có tính hài hước này.
3-Nhảy trên không mổ đầu vào gáy đối phương
Một trong những trò bẩn gây đau đớn và ám ảnh kinh hoàng nhất là trò bật nhảy trên không giả vờ đánh đầu tranh bóng nhưng lại cố tình dùng trán “mổ” vào ót, gáy đối phương. Đòn bẩn này có mức độ “sát thương” rất cao vì cầu thủ bị phạm lỗi do bị động hoàn toàn nên phải hứng chịu vết thương gây đau đớn tột cùng, choáng váng khiến họ ám ảnh đến mức không dám nhảy trên tranh bóng.
Giới bóng đá VN ngày trước kháo nhau rằng trung vệ Q.T.H (Thể Công) và C.V.M (CA TPHCM) bậc thầy chiêu “mổ” vào đầu đối thủ khi không chiến.
Đại Đồng (HN.ACB) nhảy lên không chiến nhưng mục tiêu không phải là bóng mà là.. mặt của tiền đạo Fonseca (Navibank Sài Gòn) |
Cũng có nhiều trường hợp cầu thủ lợi dụng không chiến, bật cao thay vì tranh bóng thì vung tay hay chỏ giật mạnh vào mặt, vai gáy đối thủ. Các pha không chiến là những tình huống thường bị lợi dụng để tung đòn bẩn nhất vì nhìn bề ngoài tưởng như “vô tình” phạm lỗi.
Để tránh những đòn hiểm trong không chiến, nhiều cầu thủ học cách quan sát nhanh cũng như tìm cách tự vệ bằng cách vung tay, chỏ khi nhận ra cảm giác nguy hiểm. Tất cả đều do khả năng phán đoán của cầu thủ qua kinh nghiệm thi đấu.
4-Ngắt véo
Một trò bẩn này có mang phong cách “đàn bà” mà các cầu thủ cũng hay xài trên sân là lợi dụng đối thủ, trọng tài không để ý là ngắt véo vào các vùng eo, đùi của. Nhiều cầu thủ dùng trò này thuần thục đến mức khi tung chiêu khiến đối thủ phải méo mặt vì đau nhưng không biết làm cách nào để “méc” trọng tài.
Có giai thoại cho biết, cựu trung vệ L.Q.T (Đồng Tháp, HAGL, ĐT.LA, Cần Thơ) ngoài trò ngắt véo đau kinh hoàng còn giấu kim băng trong người để vô sân chích khiến đối phương khiếp hồn.
5- Đá gót, đạp bàn chân
Do phương tiện truyền hình ở VN thiếu thốn nên không cận cảnh được các hành vi trên sân của cầu thủ, dẫn đến việc nhiều cầu thủ hay giở trò bẩn. Nhiều cầu thủ hay rình lúc đối phương quay người về hướng khác hay trọng tài đang tập trung theo tình huống trên sân thì từ phía sau dùng giày chích mũi vào gót chân, bắp chuối của đối thủ gây đau đớn hoặc giả vờ đứng bên cạnh kèm người rồi dùng gót giày đinh giẫm lên bàn chân.
6- Đánh kín khi tranh chấp
Đánh kín khi tranh chấp bóng được coi là môn “nghệ thuật” đối kháng trên sân cỏ. Hầu hết các pha tranh chấp tay đôi, đua tốc độ hay tì đè tranh chấp ở các tình huống câu bóng cố định rất hay diễn ra các pha vung tay vào mặt, kê chỏ vô ngực hay thúc đầu gối lên hạ bộ, bụng đối phương. Rất nhiều cầu thủ trình độ chơi bóng hạn chế nhưng lại luyện tập thành thục các đòn đánh kín, đạp nguội ở mức độ tinh vi. Do vậy, nghiệp vụ của các trọng tài khi điều hành trận đấu phải tinh ý, phán đoán được tình huống và có thái độ xử phạt kiên quyết.
Tiền đạo Huỳnh Phúc Hiệp (Kiên Giang) gãy xương đòn trong một pha tranh chấp với cầu thủ ĐT.LA ở vòng 8 V.League 2013 (ảnh bongdaplus) |
Bàn Thành