Hôm 16.12, TikTok cho biết sẽ cắt giảm số lượng nhân viên ở Nga sau khi đình chỉ các dịch vụ chính cho người dùng Nga hồi tháng 3.

TikTok cắt giảm nhân sự ở Nga, có thể phải thay đổi kế hoạch tăng tuyển dụng tại Mỹ

Sơn Vân | 16/12/2022, 21:03

Hôm 16.12, TikTok cho biết sẽ cắt giảm số lượng nhân viên ở Nga sau khi đình chỉ các dịch vụ chính cho người dùng Nga hồi tháng 3.

Hãng thông tấn RIA Novosti đưa tin này, trích dẫn văn phòng báo chí của công ty Trung Quốc.

"Năm nay, chúng tôi buộc phải đưa ra một số quyết định liên quan đến hoạt động dịch vụ của chúng tôi ở Nga và thật không may, bây giờ chúng tôi phải cắt giảm số lượng nhân viên ở nước này", TikTok cho biết trong một tuyên bố gửi đến RIA Novosti.

Do công ty ByteDane (Trung Quốc) sở hữu, ứng dụng TikTok đã đình chỉ phát trực tiếp và tải lên video mới ở Nga do nước này đưa ra biện pháp kiểm duyệt phương tiện truyền thông nghiêm ngặt sau cuộc tấn công Ukraine.

Cụ thể hơn, ngày 6.3, TikTok thông báo ngừng dịch vụ phát trực tiếp cũng như ngừng đăng tải những nội dung video mới nhằm đảm bảo an toàn cho các nhân viên của hãng, cũng như tuân thủ quy định mới của Nga về chống tin giả.

TikTok cho biết rằng dịch vụ nhắn tin trong ứng dụng này sẽ không bị ảnh hưởng. TikTok nhấn mạnh sẽ tiếp tục đánh giá tình hình tại Nga để quyết định thời điểm nối lại hoàn toàn các dịch vụ.

Hôm 4.3, Tổng thống Vladimir Putin đã ký ban hành luật áp dụng các án phạt tù lên đến 15 năm với những cá nhân bị buộc tội đăng tải tin tức sai lệch về quân đội Nga trong bối cảnh nước này tấn công Ukraine.

Theo luật mới được Tổng thống Nga phê chuẩn, hành vi tung tin giả về quân đội sẽ bị phạt từ 700.000 đến 1,5 triệu rúp hoặc bị phạt tù 3 năm. Nếu sử dụng chức vụ quyền hạn để tung tin giả hoặc tung tin giả để kiếm lợi thì sẽ bị phạt 5 triệu rúp hoặc bị phạt tù từ 5-10 năm.

Nếu hành vi phát tán tin giả về quân đội Nga gây hậu quả nghiêm trọng, người thực hiện hành vi này sẽ bị phạt tù giam từ 10-15 năm.

tiktok-cat-giam-nhanh-su-o-nga.jpg
TikTok cắt giảm nhân sự ở Nga sau khi ngừng dịch vụ phát trực tiếp cũng như ngừng đăng tải những nội dung video mới hồi tháng 3

Tuy cắt giảm nhân sự ở Nga, TikTok vẫn lên kế hoạch tăng tuyển dụng tại Mỹ.

Hồi tháng 11.2022, Shou Zi Chew - Giám đốc điều hành TikTok xác nhận rằng công ty vẫn đang tuyển dụng nhân viên trong các bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế ở Singapore.

Trong khi phần lớn công ty ở Thung lũng Silicon đang vật lộn với tình trạng ngừng tuyển dụng lao động và cắt giảm việc làm, TikTok vẫn đang lên kế hoạch tiếp tục thuê nhân viên.

TikTok cam kết đặt mục tiêu tuyển dụng gần 1.000 kỹ sư tại văn phòng Mountain View (quận Santa Clara, bang California, Mỹ) của mình, theo một nguồn tin quen thuộc với vấn đề.

Shou Zi Chew cho rằng ở giai đoạn phát triển này, tốc độ, nhịp độ tuyển dụng của TikTok là phù hợp.

Hồi tháng 9, tờ Forbes đưa tin trong vòng 2 năm trở lại, ít nhất 5 lãnh đạo cấp cao đã rời khỏi cơ sở của TikTok ở Mỹ vì nhận ra rằng mình không hề có quyền lực thực sự. Trong đó, 3 người cho biết sau khi nhậm chức, họ bị ép phải làm theo lời của ByteDance, công ty mẹ của TikTok ở Trung Quốc, thay vì được quyền tự quyết.

ByteDance đã đưa ra rất nhiều chỉ thị buộc chúng tôi phải làm theo, nên vai trò lãnh đạo của chúng tôi dần trở nên thừa thãi”, một cựu giám đốc nói. Hơn nữa, vì đã có kinh nghiệm lâu năm trong ngành nên người này cũng không muốn bị ra lệnh như vậy.

Từng đảm nhiệm mảng hoạch định chiến lược, một cựu nhân viên TikTok khác cho biết 4 trưởng ban cũng nộp đơn xin nghỉ việc sau đợt cải tổ ở TikTok. Những người này tỏ ra bất mãn về cách lãnh đạo của ByteDance.

Cựu nhân viên này còn nói những đợt từ chức đó đều có chung một kịch bản giống hệt nhau. “Họ được tuyển dụng vào chức trưởng nhóm ở Mỹ nhưng sau đó lại bị sa thải hoặc cắt giảm do ban quản lý ở Trung Quốc”, người này cho biết.

Roland Cloutier, Giám đốc An ninh toàn cầu TikTok, đã nghỉ việc hồi tháng 7. Là nhân sự quan trọng ở TikTok nhưng Roland Cloutier đã từ bỏ chức vụ này vì không hài lòng với cách lãnh đạo của công ty. Cụ thể, TikTok có ý định thành lập một ban mới để quản lý dữ liệu người dùng ở Mỹ nhằm “giảm sức ảnh hưởng của giám đốc an ninh toàn cầu”, theo lời Giám đốc điều hành Shou Zi Chew.

Không chỉ Roland Cloutier, nhiều nhân viên khác cũng bất mãn khi không thể ảnh hưởng lên bất cứ quyết định quan trọng nào của TikTok. Một cựu giám đốc chia sẻ rằng ông từ chức vì không có quyền thay đổi các chiến lược quan trọng trong công ty. Cấp trên ở Trung Quốc không tin tưởng ông và cách làm việc giữa họ cũng có nhiều bất đồng.

Làn sóng nghỉ việc đã khiến nhiều nhân viên nghi ngờ về định hướng của TikTok. Nếu cách thức lãnh đạo không thích hợp với văn hóa Mỹ, TikTok sẽ gặp nhiều khó khăn trước mắt. “Họ sẽ không thể chống chọi nổi với xu hướng nghỉ việc hàng loạt vì thiếu người lãnh đạo và bất đồng văn hóa”, một cựu nhân viên nhận định.

Theo Forbes, xu hướng nghỉ việc xảy ra đúng vào thời điểm nhạy cảm của TikTok khi ByteDance bị tố cáo vì chia sẻ dữ liệu nhạy cảm của người dùng Mỹ cho trụ sở Trung Quốc hồi tháng 7.

Kế hoạch tăng tuyển dụng ở Mỹ của TikTok cũng có thể phải thay đổi vì gần đây hơn 12 bang đã cấm cài ứng dụng này trên các thiết bị do bang sở hữu.

Cuối ngày 14.12, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu và thông qua dự luật cấm nhân viên liên bang sử dụng TikTok trên các thiết bị do chính phủ sở hữu. Dự luật này vẫn cần được Hạ viện Mỹ thông qua, trước khi đến Tổng thống Joe Biden phê chuẩn.

Cuộc bỏ phiếu này là hành động mới nhất của các nhà làm luật Mỹ nhằm đàn áp các công ty Trung Quốc trong bối cảnh an ninh quốc gia lo ngại rằng Bắc Kinh có thể sử dụng họ để do thám người Mỹ.

Hành động của Thượng viện được đưa ra sau khi ngày càng nhiều bang ở Mỹ cấm TikTok khỏi các thiết bị do bang sở hữu trong bối cảnh lo ngại rằng dữ liệu có thể được chuyển cho chính phủ Trung Quốc.

Vào tháng 8.2020, Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua luật cấm TikTok khỏi các thiết bị của chính phủ. Người bảo trợ cho dự luật, Thượng nghị sĩ Josh Hawley (đảng Cộng hòa), đã giới thiệu lại luật vào năm 2021.

Nhiều cơ quan liên bang Mỹ bao gồm Bộ Quốc phòng, An ninh Nội địa và Bộ Ngoại giao đã cấm TikTok khỏi các thiết bị do chính phủ sở hữu.

TikTok là một rủi ro bảo mật lớn với Mỹ và không có chỗ trên các thiết bị của chính phủ”, Josh Hawley từng nói.

TikTok cho biết những lo ngại phần lớn bắt nguồn từ thông tin sai lệch và rất vui được gặp gỡ các nhà hoạch định chính sách để thảo luận về các hoạt động của công ty.

TikTok cho biết hôm 14.12: “Chúng tôi thất vọng vì rất nhiều bang đang nhảy vào nhóm chính trị để ban hành các chính sách dựa trên những thông tin sai lệch vô căn cứ về TikTok, sẽ không giúp ích gì cho an ninh quốc gia của Mỹ”.

Hôm 13.12, Thượng nghị sĩ Marco Rubio (đảng Cộng hòa) đã công bố dự luật lưỡng đảng cấm TikTok, gây áp lực lên ByteDance.

Dự luật sẽ chặn tất cả giao dịch từ bất kỳ công ty truyền thông xã hội nào ở Trung Quốc và Nga hoặc chịu ảnh hưởng của hai nước này, văn phòng Marco Rubio cho biết trong một thông cáo báo chí, đồng thời thông báo thêm rằng một dự luật đồng hành tại Hạ viện Mỹ được bảo trợ bởi Mike Gallagher (nghị sĩ đảng Cộng hòa) và Raja Krishnamoorthi (nghị sĩ đảng Dân chủ).

Marco Rubio cũng là nhà tài trợ cho dự luật của Josh Hawley cấm TikTok trên thiết bị chính phủ Mỹ.

Tại một phiên điều trần vào tháng trước, Giám đốc FBI - Chris Wray cho biết các hoạt động của TikTok tại Mỹ gây lo ngại về an ninh quốc gia, đánh dấu nguy cơ chính phủ Trung Quốc có thể khai thác nó để gây ảnh hưởng đến người dùng hoặc kiểm soát thiết bị của họ.

Cựu Tổng thống Mỹ - Donald Trump vào năm 2020 đã cố gắng chặn người dùng Mỹ mới tải xuống WeChat và TikTok, điều này lẽ ra đã ngăn chặn hiệu quả việc sử dụng hai ứng dụng này ở Mỹ, nhưng sau đó thua trong một loạt vụ kiện.

Hồi tháng 6.2021, Tổng thống Joe Biden đã rút lại lệnh hành pháp của ông Trump tìm cách cấm tải xuống WeChat, TikTok và chỉ đạo Bộ Thương mại Mỹ tiến hành xem xét các mối lo ngại về bảo mật do hai ứng dụng gây ra.

Vào năm 2020, Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), cơ quan xem xét các thương vụ mua lại của Mỹ bởi các công ty nước ngoài vì những rủi ro tiềm ẩn về an ninh quốc gia, đã ra lệnh cho ByteDance thoái vốn khỏi TikTok ở Mỹ vì lo ngại rằng dữ liệu người dùng nước này có thể được chuyển cho chính phủ Trung Quốc.

CFIUS và TikTok đã đàm phán trong nhiều tháng để đạt được thỏa thuận an ninh quốc gia nhằm bảo vệ dữ liệu của hơn 100 triệu người dùng TikTok. Song có vẻ như hai bên sẽ không đạt được thỏa thuận nào trước cuối năm nay.

Hôm 9.11, Meta Platforms cho biết sẽ sa thải 13% lực lượng lao động, tức hơn 11.000 nhân viên.

Đây là trong một trong những đợt sa thải ngành công nghệ lớn nhất trong năm nay do công ty mẹ của Facebook phải đối mặt với chi phí tăng cao và thị trường quảng cáo yếu kém.

Việc cắt giảm việc làm trên diện rộng, lần đầu tiên trong lịch sử 18 năm của Meta Platforms, theo sau nhiều vụ sa thải tại các hãng công nghệ lớn khác, gồm cả Twitter và Microsoft.

Sau khi được Elon Musk mua lại hôm 28.10 với giá 44 tỉ USD, Twitter ngày 4.11 đã cắt giảm một nửa lực lượng lao động của mình trong các nhóm từ truyền thông, quản lý nội dung, sản phẩm đến kỹ thuật.

Hôm 14.11, tờ The New York Times đưa tin Amazon có kế hoạch cắt giảm khoảng 10.000 việc làm trong các bộ phận như bán lẻ, nhân sự, thiết bị và sản phẩm, trích dẫn các nguồn giấu tên.

Những nhân sự bị cắt giảm sẽ tập trung ở mảng thiết bị và sản phẩm của Amazon, bao gồm cả người liên quan đến phần mềm trợ lý ảo Alexa. Ngoài ra, nhiều nhân viên thuộc mảng bán lẻ và quản trị nhân lực của Amazon sẽ mất việc.

Con số 10.000 nhân viên tương đương với 3% tổng số lao động đang làm việc trực tiếp cho Amazon và chiếm khoảng 1% trong tổng số 1,5 triệu lao động liên quan đến tập đoàn này, chủ yếu là nhân viên làm việc theo giờ.

Việc Amazon đột ngột cắt giảm nhân sự trong giai đoạn mua sắm cao điểm trước các ngày lễ lớn, khi các doanh nghiệp đề cao tính ổn định, cho thấy tập đoàn này phải chịu áp lực lớn từ tình trạng tăng trưởng kinh tế sụt giảm trên toàn cầu.

Bài liên quan
Mark Zuckerberg lặp lại lời chỉ trích Apple của Elon Musk, lo TikTok chuyển dữ liệu cho Trung Quốc
Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành Meta Platforms, nói rằng Apple App Store thể hiện xung đột lợi ích, qua đó thêm tiếng nói vào hàng loạt lời chỉ trích về chính sách phần mềm của nhà sản xuất iPhone.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TikTok cắt giảm nhân sự ở Nga, có thể phải thay đổi kế hoạch tăng tuyển dụng tại Mỹ