TikTok của ByteDance (Trung Quốc) đã đạt được thỏa thuận đầu tư vào đơn vị Tokopedia thuộc GoTo Group (Indonesia) và hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ mua sắm trực tuyến, mở đường cho một mô hình thương mại điện tử vượt ra khỏi nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.
Thế giới số

TikTok đạt thỏa thuận với Tokopedia trong nỗ lực cứu TikTok Shop ở Indonesia

Sơn Vân 21:11 05/12/2023

TikTok của ByteDance (Trung Quốc) đã đạt được thỏa thuận đầu tư vào đơn vị Tokopedia thuộc GoTo Group (Indonesia) và hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ mua sắm trực tuyến, mở đường cho một mô hình thương mại điện tử vượt ra khỏi nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.

Những người quen thuộc với thỏa thuận cho biết TikTok đã đồng ý hợp tác rộng rãi với Tokopedia trên một số lĩnh vực thay vì cạnh tranh trực tiếp với nền tảng nổi tiếng Indonesia này.

Theo nguồn tin của Bloomberg, TikTok và Tokopedia dự định sẽ công bố thông tin chi tiết về sự hợp tác này ngay trong tuần tới.

Cổ phiếu GoTo Group tăng mạnh tới 5% tại Jakarta (thủ đô Indonesia) sau thông tin trên. Dù hai công ty đã đạt được thỏa thuận không chính thức nhưng các chi tiết cuối cùng của việc liên minh đó đang được hoàn thiện và có thể thay đổi trước khi công bố. Theo Bloomberg, thỏa thuận phải được cơ quan quản lý Indonesia chấp thuận và vẫn có thể không thành công.

Khoản đầu tư vào Tokopedia sẽ là một bước tiến đầu tiên với TikTok Shop, nhánh dịch vụ video của ByteDance đang phát triển nhanh chóng và xâm nhập vào lĩnh vực mua sắm trực tuyến từ Mỹ đến châu Âu. Tuy nhiên, sự phát triển của TikTok Shop ở Indonesia so với Sea và Tokopedia đã bị dừng lại khi quốc gia này (phản hồi các khiếu nại từ các thương gia địa phương) ra lệnh cấm giao dịch thương mại điện tử trên các nền tảng truyền thông xã hội hồi cuối tháng 9.

Bây giờ, việc hợp tác với Tokopedia có thể cung cấp một mô hình cho TikTok khi theo đuổi việc mở rộng vào các thị trường khác như Malaysia, nơi chính phủ ra tín hiệu sẵn sàng xem xét ảnh hưởng của những công ty nước ngoài như TikTok.

tiktok-dat-thoa-thuan-hop-tac-voi-tokopedia-trong-no-luc-cuu-tiktok-shop-o-indonesia.jpg
TikTok đạt được thỏa thuận đầu tư vào Tokopedia và hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ mua sắm trực tuyến, mở đường cho một mô hình thương mại điện tử vượt ra khỏi nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á - Ảnh: Internet

Bloomberg đưa tin vào tháng trước rằng TikTok và GoTo Group đang thảo luận về một khoản đầu tư tiềm năng nhưng một lựa chọn khác là liên doanh. Điều đó có thể đòi hỏi phải xây dựng một nền tảng thương mại điện tử mới. Đại diện của TikTok và GoTo Group từ chối bình luận.

Mục tiêu cuối cùng của TikTok là hồi sinh dịch vụ mua sắm trực tuyến tại Indonesia, thị trường bán lẻ lớn nhất Đông Nam Á. TikTok, nền tảng duy nhất bị ảnh hưởng ngay lập tức bởi các quy định mới của Indonesia, đã phải tạm dừng dịch vụ mua sắm trực tuyến để tuân thủ các hạn chế.

Indonesia là thị trường đầu tiên và lớn nhất của TikTok Shop. TikTok Shop bắt đầu cung cấp dịch vụ ở Indonesia vào năm 2021 và thành công ngay lập tức với những người mua sắm trẻ tuổi, đặc biệt là những ai chủ yếu xem video, khuyến khích nó mở rộng sang các thị trường khác, gồm cả Mỹ.

Với GoTo Group, công ty internet lớn nhất Indonesia, thỏa thuận với TikTok có thể gặp rủi ro vì sẽ giúp đối thủ bán lẻ trực tuyến lớn hoạt động tại quốc gia này. Thế nhưng, thoả thuận cũng sẽ mang lại cho GoTo Group đối tác truyền thông xã hội toàn cầu mạnh mẽ trong thỏa thuận có thể thúc đẩy khối lượng mua sắm, hậu cần và thanh toán cho cả hai công ty.

Patrick Walujo, người tiếp quản vai trò Giám đốc điều hành GoTo Group hồi tháng 6, đang cố gắng mang lại lợi nhuận cho công ty trên cơ sở điều chỉnh vào cuối năm nay để cho thấy hãng thương mại điện tử và dịch vụ gọi xe này có tiềm năng lâu dài. Patrick Walujo đang tiếp tục chiến dịch giảm lỗ của người tiền nhiệm bằng cách sa thải nhân viên, giảm thăng chức và thắt chặt kiểm soát chi phí.

TikTok đã cố gắng thu hút các quan chức chính phủ và các công ty truyền thông xã hội khác để tìm ra cách khởi động lại hoạt động thương mại điện tử của mình tại Indonesia.

Teten Masduki, Bộ trưởng Hợp tác xã và Doanh nghiệp vừa và nhỏ Indonesia, cho biết TikTok đã nói chuyện với 5 công ty, gồm cả Tokopedia, PT Bukalapak.com và Blibli về khả năng hợp tác.

Indonesia là một trong những quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á phản đối TikTok. Việc giải quyết vấn đề ở Indonesia sẽ là vấn đề then chốt với TikTok khi các chính phủ trên khắp thế giới đánh giá cách quốc gia lớn nhất Đông Nam Á hành động nhằm hạn chế sự hiện diện thương mại điện tử đang phát triển của gã khổng lồ truyền thông xã hội Trung Quốc. Chỉ vài tháng trước đó, TikTok cho biết sẽ đầu tư hàng tỉ USD vào khu vực Đông Nam Á.

Sau các hạn chế của Indonesia, Malaysia đang nghiên cứu khả năng quản lý TikTok và các hoạt động thương mại điện tử của ứng dụng này. TikTok đang phải đối mặt với các lệnh cấm và sự giám sát có thể xảy ra ở Mỹ, châu Âu vì lo ngại an ninh quốc gia.

Cuối tháng 9, Indonesia đã cấm các giao dịch thương mại điện tử trên phương tiện truyền thông xã hội để tìm cách bảo vệ các nhà buôn và chợ ngoại tuyến vừa và nhỏ, đồng thời đảm bảo dữ liệu của người dùng được bảo mật.

Theo dữ liệu từ công ty tư vấn Momentum Works, với dân số hơn 270 triệu người, Indonesia đã tạo ra gần 52 tỉ USD giao dịch thương mại điện tử vào năm ngoái.

Luật mới đã gây tổn thất đặc biệt lớn cho TikTok trong một đợt đẩy mạnh lớn để xây dựng dịch vụ thương mại điện tử của họ là TikTok Shop. Tại Indonesia, ứng dụng chia sẻ video ngắn của ByteDance có 125 triệu người dùng.

TikTok có kế hoạch xin giấy phép thương mại điện tử và đang tìm cách tốt nhất để thực hiện điều đó, Reuters đưa tin vào cuối tháng 10.

Nguồn tin của Reuters cho biết TikTok đã tổ chức các cuộc đàm phán về quan hệ đối tác tiềm năng với các công ty thương mại điện tử địa phương, đồng thời xây dựng một ứng dụng TikTok Shop độc lập cho Indonesia.

Trước khi ngừng hoạt động ở Indonesia, TikTok Shop đã giao khoảng 3 triệu bưu kiện mỗi ngày ở Indonesia, theo Reuters.

TikTok từng phải đối mặt với những cú sốc tại Indonesia. Vào tháng 7.2018, Indonesia đã trở thành quốc gia đầu tiên cấm ứng dụng video ngắn của tập đoàn ByteDance vì phân phối “nội dung khiêu dâm, không phù hợp và báng bổ”. TikTok đã phản ứng bằng cách bổ sung thêm người kiểm duyệt nội dung ở Indonesia và lệnh cấm đã được dỡ bỏ 8 ngày sau đó.

Tiếp theo lệnh cấm đó là thách thức thậm chí còn lớn hơn ở Ấn Độ, nơi TikTok đã bị xóa khỏi Google Play và Apple App Store trong một thời gian ngắn vào tháng 4.2019. Sau đó, TikTok lại bị Ấn Độ cấm vào tháng 6.2022 như một phần trong kế hoạch gỡ bỏ hàng chục ứng dụng Trung Quốc dựa trên cơ sở an ninh quốc gia. Trước khi bị cấm, TikTok được cho có hơn 200 triệu người dùng tại Ấn Độ.

Việc Indonesia cấm giao dịch thương mại điện tử trên các nền tảng truyền thông xã hội, ảnh hưởng rất lớn đến mô hình kinh doanh của TikTok. Lý do vì TikTok từng đặt niềm hi vọng vào tương lai về sự phát triển trong lĩnh vực thương mại điện tử, biến hàng triệu lượt xem trên nội dung lan truyền của họ thành một nguồn doanh thu ổn định.

Bài liên quan
Nghị sĩ Mỹ tìm câu trả lời từ Meta, X, Google, TikTok về nội dung sai lệch trong cuộc xung đột Israel - Hamas
Michael Bennet, Thượng nghị sĩ Mỹ tìm hiểu về cách những gã khổng lồ công nghệ Meta Platforms, X, TikTok và Google cố gắng ngăn chặn việc lan truyền nội dung sai lệch và gây hiểu lầm về cuộc xung đột Israel - Hamas trên nền tảng của họ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Lời cảm ơn của Ban Lễ tang Nhà nước và gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
9 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 26.7, ngay sau Lễ an táng, Ban Lễ tang Nhà nước và gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có Lời cảm ơn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TikTok đạt thỏa thuận với Tokopedia trong nỗ lực cứu TikTok Shop ở Indonesia