Nguy cơ Mỹ cấm TikTok gia tăng khi Bộ Tư pháp đang điều tra quyền riêng tư trẻ em liên quan đến ứng dụng chia sẻ video của Trung Quốc.
Hôm 6.7, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói rằng Mỹ chắc chắn đang cân nhắc cấm TikTok vì lo ngại rằng chính quyền Bắc Kinh có thể sử dụng ứng dụng này như công cụ giám sát và tuyên truyền. Khả năng Mỹ cấm TikTok càng tăng cao khi Bộ Tư pháp nước này đang điều tra quyền riêng tư của trẻ em liên quan đến ứng dụng Trung Quốc này.
TikTok đã hai lần bị buộc tội vi phạm luật bảo vệ trẻ em: Lần đầu là cho phép trẻ em dưới 13 tuổi mở tài khoản mà không có sự đồng ý của phụ huynh; lần thứ hai là công khai dữ liệu như ảnh, tiểu sử và vị trí ngay cả khi tài khoản được đặt ở chế độ riêng tư.
Trong trường hợp đầu tiên, TikTok đã bị phạt. Ở lần thứ hai, TikTok đã đồng ý khắc phục các vấn đề riêng tư.
Dù vậy, Reuters báo cáo rằng hai cơ quan chính phủ Mỹ đang điều tra xem TikTok có tuân thủ yêu cầu khắc phục các vấn đề riêng tư không.
Ủy ban Thương mại Liên bang và Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đang xem xét các cáo buộc rằng TikTok đã không tuân thủ thỏa thuận năm 2019 nhằm bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em.
Center for Digital Democracy (tổ chức phi lợi nhuận có chức năng đẩy mạnh vấn đề về tính riêng tư của thông tin cá nhân trên mạng và tự do ngôn luận), Chiến dịch vì trẻ em không có thương mại và những người khác vào tháng 5.2020 đã yêu cầu Ủy ban Thương mại Liên bang xem xét các cáo buộc rằng TikTok không xóa video và thông tin cá nhân người dùng từ 13 tuổi trở xuống như đã đồng ý.
Một phát ngôn viên TikTok cho biết họ rất coi trọng sự an toàn của người dùng. Bên cạnh đó, TikTok nói thêm rằng tại Mỹ, họ cung cấp cho người dùng dưới 13 tuổi trong trải nghiệm ứng dụng hạn chế, giới thiệu các biện pháp bảo vệ an toàn và quyền riêng tư được thiết kế dành riêng cho đối tượng trẻ tuổi.
David Monahan, người quản lý Chiến dịch vì trẻ em không có thương mại, cho hay các quan chức của cả Ủy ban Thương mại Liên bang và Bộ Tư pháp đã gặp đại diện các nhóm qua cuộc gọi video để thảo luận về vấn đề này.
Hôm 7.7, TikTok thanh minh cho hành vi của mình có vẻ sơ sài và không thuyết phục.
TikTok khẳng định rằng dữ liệu người dùng Mỹ được lưu trữ tại chính nước này với một bản sao lưu ở Singapore và chưa bao giờ cung cấp cho chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, từ ngữ có thể rất quan trọng trong những trường hợp này và hoàn toàn có khả năng Trung Quốc vẫn truy cập được dữ liệu người dùng Mỹ mà không cần TikTok cung cấp cho chính quyền Bắc Kinh. TikTok cũng đưa ra lời giải thích có phần thiếu thuyết phục về tiết lộ rằng họ đọc nội dung clipboard của người dùng.
Lệnh cấm ở Mỹ nếu trở thành sự thật sẽ là đòn nặng nề giáng xuống TikTok, vốn rất phổ biến với trẻ em nước này. Điểm đáng chú ý là nhiều người ở Mỹ cảm thấy tiếc nuối nếu TikTok bị cấm.
Sau phát ngôn của Ngoại trưởng Mike Pompeo tối 6.7, TikTok tuyên bố sẽ rút khỏi Hồng Kông, nơi đang đối mặt với làn sóng kiểm soát chưa từng có từ chính quyền Bắc Kinh sau khi Trung Quốc ban hành luật an ninh mới. Động thái này như muốn chứng minh với phía Mỹ là TikTok không có liên hệ với Trung Quốc song có thể chưa đủ.
Hôm 29.6, Ấn Độ ban hành lệnh cấm TikTok và 58 ứng dụng khác của Trung Quốc vì lý do an ninh. Nguyên nhân được cho bắt nguồn từ cuộc đụng độ giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại khu vực biên giới hai nước ở Himalaya đêm 15.6 khiến ít nhất 20 binh sĩ lục quân nước này đã thiệt mạng.
Công ty sở hữu TikTok - ByteDance đã đầu tư hơn 1 tỉ USD tại Ấn Độ. Theo tính toán, TikTok có thể thiệt hại đến 6 tỉ USD nếu bị Chính phủ Ấn Độ cấm cửa hoàn toàn.
Rời Hồng Kông vì không muốn bị Trung Quốc kiểm duyệt, TikTok mong Mỹ bỏ ý định cấm
TikTok kiếm tiền khủng thế nào trước khi có thể mất 6 tỉ USD do lệnh cấm ở Ấn Độ?
Hận Trung Quốc, 22 triệu người cài ứng dụng Ấn Độ chỉ 2 ngày sau lệnh cấm TikTok
Ấn Độ ưu ái cho Apple, hàng ngàn người sản xuất iPhone thoát cảnh ngồi không
Ấn Độ chặn hàng từ Trung Quốc làm Apple và Xiaomi lo sốt vó, Samsung hưởng lợi
Giữ ngón tay trên màn hình ĐTDĐ 3 ngày liền, 4 người nhận giải 464 triệu đồng
Nhân Hoàng