Việc nạo vét, chỉnh trị luồng Định An – sông Hậu cho tàu tải trọng 10.000 tấn ít khả thi về mặt kỹ thuật và kinh tế, chỉ phù hợp với tàu có tải trọng 5.000 tấn.

Tìm cách nạo vét luồng hàng hải Cần Thơ – Định An đón tàu 10.000 tấn vào sông Hậu

Nguyên Việt | 08/10/2022, 20:31

Việc nạo vét, chỉnh trị luồng Định An – sông Hậu cho tàu tải trọng 10.000 tấn ít khả thi về mặt kỹ thuật và kinh tế, chỉ phù hợp với tàu có tải trọng 5.000 tấn.

Dự án nạo vét, thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ đang kêu gọi đầu tư xã hội hóa do TP.Cần Thơ được hưởng nhiều chính sách đặc thù để phát triển kinh tế, địa phương này mong muốn dự án nhanh chóng triển khai.

Ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cho biết trong cuộc họp với Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi tháng 7, Thủ tướng đã chỉ đạo, trước mắt Bộ GTVT khẩn trương hoàn thành giai đoạn 2 dự án luồng cho tàu biển lớn (10.000 tấn) vào sông Hậu qua kênh Quan Chánh Bố. Song song đó, Bộ cũng chủ trì phối hợp các cơ quan để nghiên cứu, tính toán có căn cứ khoa học, thực tiễn, hiệu quả để tiến hành nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ.

Ông Hè nói thêm, Nghị quyết 45 của Quốc hội về các cơ chế, chính sách đặc thù để TP phát triển cho phép xã hội hóa đầu tư nạo vét luồng hàng hải Định An cho tàu có tải trọng lớn từ 10.000 tấn trở lên. Dự án phải có quy mô 500 tỉ đồng trở lên thì được hưởng một số cơ chế đặc thù như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Ông Hè cho biết Nghị quyết là cơ chế đặc thù ở một số lĩnh vực nên có thời hạn trong 5 năm, Cần Thơ mong mốn tận dụng được cơ hội này.

20220930_181332.jpg
Các luồng hàng hải vào sông Hậu - Ảnh tư liệu

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết, luồng hàng hải sông Hậu đóng vai trò đặc biệt đối với ĐBSCL. Dù thường xuyên được nạo vét, duy tu nhưng do luồng chảy phía trong thì rất sâu, bên ngoài cửa thì cạn. Điều này khiến hàng chục năm qua, vùng chưa phát huy được lợi thế luồng hàng hải.

Hiện nay, cơ bản đã hoàn tất đầu tư xây dựng tuyến luồng kênh Quan Chánh Bố, tàu 10.000 tấn đầy tải đến 20.000 tấn giảm tải ra vào các cảng sông Hậu. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố như xói lở hai bờ, vị trí đổ thải các chất nạo vét, duy tu… nên độ sâu của luồng kênh này không đạt -6,5m như thiết kế. Do đó, cửa biển Định An được tính toán để có thêm luồng vận tải thủy vào sông Hậu.

Luồng Định An - Cần Thơ dài 121,5 km, chia làm hai đoạn, từ phao số 0 đến 14 (dài 16km) chiều rộng thiết kế 100m, độ sâu -4,2m, cho tàu 3.000 tấn đầy tải và 5.000 tấn giảm tải lợi dụng triều ra vào cảng. Đoạn này diễn biến hết sức phức tạp, thường xuyên thay đổi, hàng năm đều phải nạo vét duy tu và dịch chuyển phao để chạy tàu. Từ phao số 14 vào đến cảng Cần Thơ có bề rộng thiết kế 200m, độ sâu tương đối lớn, ổn định và hàng năm không cần nạo vét duy tu.

20200702_083910.jpg
Cửa biển Trần Đề, một trong ba luồng hàng hải vào sông Hậu - Ảnh: Nguyên Việt

Bộ GTVT đã giao Cục Hàng hải Việt Nam chỉ định tư vấn chuyên ngành để lập dự án nạo vét với chiều rộng luồng là 200m, độ sâu -4m, đủ điều kiện cho tàu từ 5.000 tấn ra vào. UBND TP.Cần Thơ sau đó có văn bản đề nghị Bộ điều chỉnh quy mô nạo vét luồng là dưới -6,5m đến -10,5m, đủ điều kiện cho tàu trên 10.000 tấn ra vào sông Hậu.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, khó khăn khi nạo vét duy tu luồng Định An là lượng phù sa bồi đắp hàng năm rất lớn do phù sa đổ ra; hình thái cửa sông, chế độ bán nhật triều và dòng hải lưu bắc – nam tạo nên ngưỡng cạn ngoài cửa; tốc độ bồi lắng luồng rất nhanh và không ổn định, không có điều kiện để nạo vét quy mô lớn do luồng cạn, không thể đưa tàu nạo vét cỡ lớn vào thi công, thời gian thi công hạn chế, mỗi đợt chỉ có thể thực hiện từ 2-3 tháng.

20201017_100507.jpg
Kênh Quan Chánh Bố đang được đầu tư giai đoạn 2 để đón tàu từ 10.000 - 20.000 tấn vào sông Hậu - Ảnh: Nguyên Việt

Các cồn cát ngoài cửa dịch chuyển liên tục theo mùa từng năm, không thể dự đoán chính xác để có giải pháp thích hợp nhất cho việc chỉnh trị dòng sông. Cho đến hiện nay, giải pháp duy nhất là tiến hành đo mở rộng trên khu vực cửa biển, chọn lựa tuyến tự nhiên có độ sâu tốt nhất để tiến hành lập thiết kế nạo vét duy tu…

Một khó khăn khác theo đơn vị tư vấn là trong quy mô dự án chưa có kinh phí để lập mô hình tính toán sa bồi hàng năm, khảo sát địa chất tới cao độ nạo vét -6,5m nên tư vấn thiết kế chưa có đủ cơ sở tính toán hiệu quả đầu tư cho phương án nạo vét cho tàu trên 10.000 tấn.

Ông Lê Tấn Đạt - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn và xây dựng công trình hàng hải, cho biết luồng Định An – Cần Thơ, khoảng 40 năm qua đã nhiều lần nạo vét, nhưng độ sâu vẫn không được duy trì như mong muốn. “Sau khi nạo vét, độ sâu của luồng chỉ tồn tại được vài tháng, sau đó bồi lấp trở lại với độ sâu tự nhiên. Độ sâu tự nhiên ngoài cửa Định An cũng thường xuyên thay đổi và phạm vi dịch chuyển tuyến luồng này rộng khoảng 4km”, ông Đạt cho biết.

Vẫn theo ông Đạt, khi đối chiếu với các quy hoạch liên quan thì việc đề xuất xã hội hoá nạo vét luồng Định An cho tàu tải trọng 10.000 tấn trở lên là không trái với các quy hoach được phê duyệt.

Dù vậy, thực tế khai thác cũng như các khảo sát, nghiên cứu, đánh giá chuyên sâu xuyên suốt thời gian qua có thể thấy cửa sông Hậu tiếp nhận 35% lượng nước sông Mekong vào Việt Nam, trong đó, qua Định An chiếm 19% và qua Trần Đề chiếm 16,5%, tương ứng khoảng 550 tỉ mét khối nước và khoảng 200 - 300 triệu tấn bùn cát hàng năm nên có mức sa bồi rất lớn.

Chính vì vậy, ông Đạt cho rằng xã hội hóa nạo vét cho tàu 10.000 tấn trở lên qua cửa Định An cần được xem xét thực tế khai thác tuyến luồng, hệ thống kho để đánh giá duy trì ổn định tuyến luồng. Mặt khác, cũng phải tính đến khả năng thoát lũ, xâm nhập mặn và ổn định vùng bờ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tìm cách nạo vét luồng hàng hải Cần Thơ – Định An đón tàu 10.000 tấn vào sông Hậu