Trước khi chiến tranh Nga-Ukraine xảy ra, các cơ quan tình báo Mỹ từng đánh giá thấp Ukraine và Tổng thống Volodymyr Zelenskyy trong khi lại đánh giá cao Nga và Tổng thống Vladimir Putin. Tuy nhiên, sau 100 ngày chiến tranh, họ phải bắt đầu xem xét lại cách nhận định.

Tình báo Mỹ sai lầm trong nhận định về Nga và Ukraine?

Bảo Vĩnh | 05/06/2022, 14:06

Trước khi chiến tranh Nga-Ukraine xảy ra, các cơ quan tình báo Mỹ từng đánh giá thấp Ukraine và Tổng thống Volodymyr Zelenskyy trong khi lại đánh giá cao Nga và Tổng thống Vladimir Putin. Tuy nhiên, sau 100 ngày chiến tranh, họ phải bắt đầu xem xét lại cách nhận định.

Vào lúc các cơ quan tình báo được tín nhiệm vì ủng hộ cuộc kháng cự của Ukraine thì họ lại đang phải chịu áp lực vì những nhận định sai, nhất là sau những sai lầm của họ trong việc nhận định tình hình Afghanistan hồi năm ngoái.

Cuộc "tự vấn" này diễn ra vào lúc các cơ quan tình báo Mỹ tiếp tục giữ vai trò quan trọng về Ukraine và họ đang cố gắng dự đoán những gì mà ông Putin có thể xem là leo thang chiến tranh, cũng nhằm tìm cách tránh một cuộc chiến tranh trực tiếp giữa Mỹ với Nga, vào lúc Nhà Trắng tăng việc chuyển vũ khí và ủng hộ Ukraine.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố sẽ chuyển cho Ukraine một số ít rocket kỹ thuật cao tầm trung bình - một loại vũ khí mà Ukraine mong đợi từ lâu. Nhà Trắng cũng phê duyệt cung cấp máy bay không người lái, vũ khí phòng không và chống tăng cùng hàng triệu băng đạn. Mỹ còn dỡ bỏ hạn chế chia sẻ tin tình báo giúp Ukraine tấn công các mục tiêu quan trọng gồm một soái hạm của hải quân Nga.

Tuy nhiên, các nghị sĩ của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ vẫn đặt câu hỏi, liệu Mỹ có thể làm nhiều hơn nữa hay không, và liệu có phải Nhà Trắng chỉ dành sự ủng hộ hạn chế chỉ vì đã nghe những nhận định bi quan về Ukraine? Thượng nghị sĩ độc lập Angus King đã nói với các quan chức tại một cuộc điều trần của Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ hồi tháng 5 : “Nếu chúng ta có một dự đoán tốt hơn, chúng ta đã có thể làm nhiều việc hơn để giúp Ukraine sớm hơn”.

Tình báo Mỹ sai lầm vì đánh giá Nga quá cao

Theo hãng tin AP ngày 4.6, một số quan chức biết các nhận định trước chiến tranh đã đề nghị AP giấu tên vì đề cập vấn đề tình báo nhạy cảm. Và họ đã xác định vài sai lầm về nhận định, ví dụ bất chấp có lợi thế mạnh, Nga lại không thể chiếm ưu thế trên không, không hoàn thành được các nhiệm vụ cơ bản như lập mạng lưới liên lạc ở chiến trường. Theo ước tính của Mỹ thì Nga đã mất hàng ngàn quân binh cùng ít nhất từ 8 đến 10 tướng lĩnh.

Và trong thời gian gần đây, Nga tiến hành các cuộc chiến tranh ủy nhiệm, chứ kể từ những năm 1980 thì chưa trực tiếp tham gia một cuộc chiến tranh nào trên bộ. 

Điều này có nghĩa chưa thể xác nhận khả năng quân sự của Nga, đặt ra một thách thức cho các nhà phân tích khi nhận định Nga sẽ hành động thế nào trong một cuộc chiến lớn. Các loại vũ khí hiện có cùng ngành xuất khẩu vũ khí của Nga khiến một số người nhận định Nga có nhiều tên lửa và máy bay để triển khai.

Nga cũng không sử dụng vũ khí sinh hóa như Mỹ đã công khai cảnh báo. Một quan chức lưu ý rằng, Mỹ “có quan ngại mạnh mẽ” về một cuộc tấn công hóa học, nhưng có lẽ Nga đã quyết rằng làm thế sẽ vấp phải sự phản đối của toàn cầu. Cho đến nay, nỗi sợ Nga có thể sử dụng các đợt tấn công mạng chống lại Ukraine và các đồng minh vẫn chưa thành hiện thực.

Các vấn nạn khác của Nga thì đã được rõ, gồm quân lính xuống tinh thần, lạm dụng rượu và ma túy, và thiếu sĩ quan liên lạc trao lệnh của các chỉ huy. Và dù các cơ quan tình báo Mỹ đã dự đoán chính xác là ông Putin sẽ ra lệnh khởi chiến, hóa ra thủ đô Kyiv của Ukraine lại không thất thủ sau vài ngày như Mỹ đã dự báo.

Hiện chiến tranh đã bước qua ngày 102, quân Nga-Ukraine tiếp tục đánh nhau khốc liệt ở miền đông Ukraine, không có chuyện Nga đánh thắng nhanh như Mỹ và phương Tây đã dự báo.

Nhận định sai về Tổng thống Ukraine

Nhiều tuần trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine ngày 24.2, tại một cuộp họp riêng dành cho các quan chức tình báo Mỹ, một câu hỏi đã được đặt ra: liệu có phải Tổng thống Ukraine sẽ là một bản sao y đúc của cố Thủ tướng Anh Winston Churchill, người từng kiên cường chống phát xít Đức trong Thế chiến 2, hay của cựu Tổng thống Ashraf Ghani, người đã bỏ chạy khi chính phủ Afghanistan sụp đổ trước sức tiến quân của Taliban hồi tháng 8.2021?

Tổng thống Zelenskyy nhận được sự ủng hộ của thế giới vì đã không tháo chạy, dù Nga đã cử người cố gắng bắt sống hoặc tiêu diệt ông. Ông Churchill thì thường lên mái nhà ở London theo dõi các trận bom của Đức và ông còn đặc biệt nỗ lực đi tới những khu có hàng ngàn dân Anh bị giết.

Trước chiến tranh, cũng có căng thẳng giữa ông Zelenskyy với Washington về khả năng Nga gây chiến và sự chuẩn bị đối phó của Ukraine. Theo một người biết chuyện bất đồng này, vấn đề nóng là Mỹ muốn Ukraine dời quân từ miền tây về tăng cường phòng thủ thủ đô Kyiv.

Không lâu trước cuộc chiến, ông Zelenskyy cùng các quan chức cấp cao Ukraine đã hạ thấp những cảnh báo về việc Nga tiến đánh, phần nào nhằm trấn an người dân không hoảng loạn cũng như để bảo vệ nền kinh tế. Một quan chức Mỹ cho biết có một nhận định là ông Zelenskyy chưa bao giờ được thử thách trong một cuộc khủng hoảng ở cấp độ mà Ukraine hiện phải đối mặt.

Trung tướng Scott Berrier, đang chỉ huy Cơ quan Tình báo Bộ Quốc phòng Mỹ, hồi tháng 3 có giải trình “quan điểm của tôi, dựa trên nhiều yếu tố, là người Ukraine chưa sẵn sàng đối phó như tôi từng nghĩ họ nên sẵn sàng. Từ đó, tôi đặt dấu hỏi về ý chí chiến đấu của họ. Đó là một nhận định xấu từ phía tôi, vì họ đã chiến đấu dũng cảm, rất đáng tôn trọng và họ đang hành động đúng”.

Trước chiến tranh đã có bằng chứng rõ ràng về sự quyết tâm của Ukraine. Vụ Nga sáp nhập Crimea năm 2014 và 8 năm nội chiến ở vùng Donbass đã làm dày lên thái độ chống Nga của người Ukraine. Từ nhiều năm qua, quân đội Ukraine còn được nhiều đời chính phủ Mỹ huấn luyện và trang bị vũ khí cũng như giúp tăng cường phòng thủ an ninh mạng. Ở Kharkiv, một thành phố giáp biên giới Nga và có đa số người dân nói tiếng Nga, người Ukraine đã học bắn súng và huấn luyện tham gia chiến tranh du kích.

Trong một chuyến thăm Ukraine hồi cuối năm ngoái, Hạ nghị sĩ Cộng hòa Brad Wenstrup thuộc Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đã tận mắt chứng kiến sự quyết tâm của người Ukraine: một sự kiện quân sự mà người tham dự đọc thuộc tên của từng người lính tử trận một ngày trước ở vùng Donbass (miền đông Ukraine, nơi mà quân ly khai chống lại quân chính phủ Ukraine từ năm 2014).

Vị nghị sĩ nói với AP: “Sự kiện đó cho thấy họ có ý chí chiến đấu sôi sục từ lâu”.

Bài liên quan
Ukraine mất nhiều lính, sẽ trụ được bao lâu trước quân Nga?
Đây là cuộc chiến tranh lớn nhất ở châu Âu từ sau Thế chiến 2, điều giải thích vì sao Ukraine mất quá nhiều quân, và để kéo giảm tổn thất này, Ukraine nay cần có các loại vũ khí mạnh để có thể ngang bằng hoặc mạnh hơn hỏa lực Nga.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tình báo Mỹ sai lầm trong nhận định về Nga và Ukraine?