Bộ Y tế Myanmar ngày 27.3 thông báo về hai trường hợp mắc COVID-19 – nâng tổng số ca nhiễm của nước này lên 5 người.

Tình hình dịch COVID-19 tại Đông Nam Á: Myanmar và Lào có thêm ca nhiễm

27/03/2020, 11:27

Bộ Y tế Myanmar ngày 27.3 thông báo về hai trường hợp mắc COVID-19 – nâng tổng số ca nhiễm của nước này lên 5 người.

Myanmar đã có 5 ca nhiễm COVID-19 - Ảnh: Myanmar Times

Một trong hai bệnh nhân mới là nam 33 tuổi, đã đổi sang quốc tịch Mỹ. Người này từ Mỹ đến Myanmar vào ngày 19.3, bốn ngày sau xuất hiện triệu chứng.

Bệnh nhân thứ hai là nam 69 tuổi, tháng trước sang Úc trị ung thư mũi, từng ở Singapore bốn ngày rồi trở về thành phố Yangon hôm 14.3.

Ba ca nhiễm trước đó đều là công dân Myanmar từ nước ngoài về. Chính quyền nước này quyết định cách ly 14 ngày với người đến Yangon, Bộ Y tế đã xét nghiệm 48 trường hợp nghi mắc nhưng toàn bộ đều âm tính. Giới chức các địa phương ráo riết tìm kiếm và đưa đi cách ly những ai từng tiếp xúc với ca nhiễm.

Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, một nửa số công chức được cho nghỉ. Thư ký Hội đồng đạo Hồi Myanmar Tin Maung Than kêu gọi tín đồ toàn quốc hợp tác với chính quyền đồng thời ngỏ ý sẵn sàng cho phép trưng dụng đền thờ hoặc trường học Hồi giáo, khách sạn, khu căn hộ, tòa nhà thuộc sở hữu của doanh nhân theo đạo Hồi làm trung tâm cách ly.

Tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc cùng một số quốc gia hỗ trợ hàng chục nghìn bộ xét nghiệm COVID-19 cho Myanmar, giúp nước này có thể độc lập tiến hành sàng lọc y tế thay vì phải gửi mẫu sang Thái Lan như trước.

Lào cũng ghi nhận thêm 3 trường hợp mắc bệnh: 2 ở tỉnh Luang Prabang và 1 ở thành phố Vientiane, đều từng tiếp xúc với bệnh nhân phát hiện trước đó – nâng tổng số ca nhiễm lên 6 trường hợp.

Kiểm soát dịch bệnh là một thách thức với nước này do đã có nhiều người tiếp xúc với các ca nhiễm và hàng nghìn lao động quay trở về. Bộ Giao thông vận tải vừa quyết định 15 tuyến xe buýt đi lại giữa Lào và Campuchia, Thủ tướng Thongloun Sisoulith kêu gọi doanh nghiệp cho nhân viên làm việc tại nhà.

Hàng nghìn lao động Lào trở về nước, đem lại nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao - Ảnh: The Telegram

Một quốc gia Đông Nam Á khác là Singapore có 52 ca nhiễm COVID-19 mới trong ngày 26.3, trong đó 28 ca từ bên ngoài, 24 ca lây nhiễm trong cộng đồng – nâng tổng số người mắc bệnh lên 683. Hiện lực lượng chức năng phải xác định nguồn lây của 14 trường hợp.

Malaysia hiện vẫn là nước có nhiều ca nhiễm nhất khu vực với 2.031 trường hợp, 23 ca tử vong. Nước ghi nhận nhiều ca tử vong nhất là Indonesia với 78 bệnh nhân xấu số, tổng cộng 893 ca nhiễm.

Số ca nhiễm của Thái Lan đã tăng đến 1.045, Brunei 114 ca, Campuchia 98 ca, Timor Leste 1 ca.

Còn tại Đông Bắc Á, Hàn Quốc thêm 91 người mắc mới - nâng tổng số ca nhiễm lên 9.332. Số ca từ bên ngoài tiếp tục tăng và đã lên đến 131, ngoài ra thành phố Daegu báo cáo ổ dịch mới là một bệnh viện đa khoa.

Nước láng giềng Trung Quốc thì tuyên bố cấm người nước ngoài nhập cảnh từ ngày 28.3, trừ nhà ngoại giao, người làm công tác nhân đạo khẩn cấp, người cung cấp dịch vụ vận chuyển quốc tế (phi hành đoàn).

Hãng hàng không nước ngoài từ ngày 29.3 cũng chỉ được hoạt động 1 tuyến/tuần. Hãng hàng không nội địa bị hạn chế chỉ bay đến một nước không quá 1 lần/tuần.

Quyết định trên được đưa ra khi số ca nhiễm COVID-19 từ bên ngoài vào Trung Quốc ngày càng nhiều. Nước này có thêm 55 người mắc trong ngày 26.3 trong đó 54 trường hợp là người nhập cảnh.

Cẩm Bình (theo Myanmar Times, The Irrawaddy, Yonhap News, Straits Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tình hình dịch COVID-19 tại Đông Nam Á: Myanmar và Lào có thêm ca nhiễm