Sáng 20.4, tại TP.HCM, Báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp với Viện Kinh tế Xanh và trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM tổ chức hội thảo 'Đấu giá quyền sử dụng đất: Thực tiễn pháp lý và giải pháp'
Theo ban tổ chức hội thảo, tháng 10.2021, vụ đấu giá 4 lô đất tại Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức, TP.HCM) đã thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận, không chỉ do doanh nghiệp (DN) tham gia bỏ giá "khủng" rồi sau đó 2 DN hủy cọc, không tham gia dự án, 2 DN còn lại xin trả góp.
Sự kiện đấu giá đất Thủ Thiêm cũng là dịp để các cơ quan chức năng, nhà đầu tư có những căn cứ, dữ liệu để đánh giá, nhìn nhận vai trò, khó khăn, thuận lợi, thách thức của mô hình đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) để huy động nguồn lực xã hội. Các chuyên gia pháp lý cho rằng đây chính là dịp để hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan.
Không chỉ Thủ Thiêm, các dự án giao thông, hạ tầng đang và sẽ được triển khai tại TP.HCM cũng như cả nước sẽ tạo ra quỹ đất công lớn để các địa phương có thể đấu giá, là nguồn thu hiệu quả cho ngân sách.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện của một số bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo UBND và các sở ban ngành, quận huyện tại TP.HCM cùng một số tỉnh thành lân cận; nhiều nhà khoa học đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu; các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp quan tâm đến đấu giá QSDĐ.
Những ý kiến tại hội thảo tập trung giới thiệu, phân tích báo cáo của Bộ Tư pháp với Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về đấu giá QSĐĐ, sau vụ đấu giá QSDĐ tại Thủ Thiêm. Tại hội thảo, chuyên gia còn đưa ra góc nhìn mới về “bất động sản tinh hoa” và bài học thực tiễn của các nước.
Các chuyên gia sẽ đưa ra những giải pháp tối ưu nhất và hoàn thiện các quy định về đấu giá QSDĐ hiện nay, trong đó kiến nghị sửa đổi quy định pháp luật liên quan, nhất là việc sửa đổi Luật Đất Đai và Luật Đấu giá tài sản.
Đây cũng là diễn đàn để các nhà đầu tư, tổ chức tư vấn nước ngoài, cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động đấu giá tài sản, các nhà nghiên cứu nêu quan điểm, đề xuất để việc huy động nguồn lực từ đất công qua đấu giá QSDĐ.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM chỉ ra nhiều bất cập xung quanh việc đấu giá đất tại Thủ Thiêm, như hình thức đấu giá, thời gian tham gia đấu giá, số tiền đặt cọc… Đồng thời, ông Châu đề nghị việc sửa đổi Luật Đấu giá tài sản phải song song với việc sửa đổi Luật Đất đai.
Theo một số ý kiến tại hội thảo, trong việc đấu giá đất, Nhà nước dù thu được nhiều tiền mà doanh nghiệp thất bại thì suy cho cùng việc đấu giá đất cũng không thành công.
Trong đầu giá đất vừa qua có tình trạng chủ DN thiếu thận trọng, để cảm xúc chi phối và dẫn đến sai lầm.
Nhận định về tình trạng bỏ cọc, theo một số ý kiến, không chỉ riêng Thủ Thiêm, tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá lâu nay đã xảy ra khá nhiều ở các tỉnh.