Tổ tiên cá mập được cho là thích ăn mũi của cá nhà táng cổ đại do hàm lượng chất béo lớn của khu vực này, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B.

Tổ tiên cá mập thích ăn mũi của cá nhà táng cổ đại

Long Hải | 29/06/2022, 16:15

Tổ tiên cá mập được cho là thích ăn mũi của cá nhà táng cổ đại do hàm lượng chất béo lớn của khu vực này, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B.

ca-nha-tang.jpg
Hình ảnh mô phỏng xác cá nhà táng bị cá mập ăn

Cá nhà táng có cơ quan mũi to chứa nhiều chất béo. Chúng dùng cơ quan này để tạo ra âm thanh như tiếng kêu và tín hiệu sóng âm để định vị bằng tiếng vang. Các tác giả nghiên cứu cho biết họ đã phân tích các vết cắn trên một số hộp sọ cá nhà táng hóa thạch từ thế Trung Tân (Miocen) ở thành hệ Pisco tại Peru, có niên đại từ 5 đến 7 triệu năm.

Các vết cắn phù hợp với hàm của loài cá mập cổ đại được tìm thấy trên khu vực tiếp giáp với các cơ quan mũi trên hộp sọ cá nhà táng, chủ yếu là ở xương hàm trên và vùng xung quanh mắt. Điều này cho thấy sở thích của cá mập cổ đại đối với khu vực này trên cơ thể cá nhà táng.

Aldo Benites-Palomino, tác giả chính của nghiên cứu tại Đại học Zurich, cho biết: “Mũi của cá nhà táng hiện đại là một trong bộ phận tập trung nhiều dầu và chất béo nhất trong tự nhiên, thuộc tổ hợp mũi của chúng”.

Hộp sọ hóa thạch của cá nhà táng không chứa bất kỳ mô mềm nào vì chất béo không thể tồn tại qua hàng triệu năm, nhưng các nhà nghiên cứu đã suy đoán rằng cá nhà táng cổ đại cũng sở hữu những chất béo này từ hình dạng tổng thể của hộp sọ.

Benites-Palomino cho biết: “Trong thời kỳ cuối của thế Trung Tân, cá voi có cơ thể mảnh mai và nhỏ hơn nên chúng sẽ không tạo thành một kho lưu trữ chất béo lý tưởng. Trong khi đó, họ cá nhà táng siêu đa dạng với ít nhất 7 loài đã biết từ vùng Pisco. Chúng tạo thành một nguồn thức ăn lý tưởng cho cá mập”.

Ở các vùng biển hiện nay, cá mập cũng nổi tiếng thích ăn các bộ phận với mật độ chất béo cao như mỡ ở bụng cá voi chết. Nghiên cứu này cho thấy sở thích này đã kéo dài hàng triệu năm và cá mập cổ đại đã phát hiện nơi chứa nhiều chất béo nhất trên cơ thể cá nhà táng là vùng mũi.

“Như bất kỳ loài săn mồi lớn nào, cá mập cũng có thể là động vật cơ hội. Hành vi này cũng là những gì chúng ta thấy ngày nay với việc cá mập thích ăn những khu vực cụ thể trên xác cá voi”, Benites-Palomino nói thêm.

Theo Benites-Palomino, cá mập cổ đại không săn cá nhà táng để ăn phần mũi mà thường ăn xác trôi nổi của chúng trước khi chìm xuống đáy biển. Cái xác thường trôi nổi nhiều ngày cho tới khi tất cả chất béo bị cá mập tiêu thụ hết. Nghiên cứu cũng cho biết hình dạng, kích thước và dấu răng của vết cắn rất đa dạng. Loài cá mập phổ biến nhất sống gần Peru vào thời kỳ đó bao gồm cá mập mako, cá mập trắng, cá mập cát và cá mập megalodon khổng lồ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
3 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổ tiên cá mập thích ăn mũi của cá nhà táng cổ đại