Tiến trình toàn cầu hóa mà nhiều người tin rằng sẽ là xu hướng thống trị thế giới trong thế kỷ 21 đang đứng trước nguy cơ tan vỡ ngay ở thời điểm năm 2016. Nhưng thực ra thì dường như nó đã bị đứt gãy từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008.

Toàn cầu hóa đã chết từ năm 2008?

Nhàn Đàm | 29/10/2016, 14:29

Tiến trình toàn cầu hóa mà nhiều người tin rằng sẽ là xu hướng thống trị thế giới trong thế kỷ 21 đang đứng trước nguy cơ tan vỡ ngay ở thời điểm năm 2016. Nhưng thực ra thì dường như nó đã bị đứt gãy từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008.

Năm 2016 đang được đánh giá là thời điểm đánh dấu chấm hết cho tiến trình toàn cầu hóa, khi xu hướng bảo hộ và chống tự do thương mại đang ngày càng lên ngôi trên khắp thế giới trong suốt khoảng thời gian này. Tại Mỹ, cuộc tranh cử tổng thống nhiệm kỳ tới được bao phủ bởi làn sóng chống thương mại tự do,và nhiều khả năng nước Mỹ sẽ có một vị tổng thống theo xu hướng bảo hộ. Tại châu Âu, người dân Anh bỏ phiếu trưng cầu dân ý rời khỏi liên minh châu Âu (EU) trong khi tại Trung Quốc làn sóng bài các nhà đầu tư nước ngoài đang ngày càng tăng mạnh.

Các hiệp định thương mại được xem là biểu tượng của toàn cầu hóa như TPP hay TTIP đang bị đình trệ vô thời hạn, thậm chí có thể sẽ bị hủy bỏ. Tiến trình toàn cầu hóa mà nhiều người tin rằng sẽ là xu hướng thống trị thế giới trong thế kỷ 21 đang đứng trước nguy cơ tan vỡ ngay ở thời điểm năm 2016. Nhưng thực ra thìdường như nó đã bị đứt gãy từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008.

Đâu là điểm chung giữa việc xu hướng bảo hộ kinh tế và chống tự do thương mại đang nổi lên ở Mỹ với việc người dân Anh bỏ phiếu rời EU và chính phủ Trung Quốc khắt khe hơn bao giờ hết với các nhà đầu tư nước ngoài? Đó là sự trì trệ về tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia kể trên, cũng như sự giảm sút về thương mại toàn cầu. Khi lợi ích từ thương mại toàn cầu giảm đi đáng kể và tác động trực tiếp tới nền kinh tế nội địa, thì người dân luôn có xu hướng coi đó là mặt trái của toàn cầu hóa. Điều này tác động trực tiếp tới các chính trị gia và dẫn tới xu hướng bảo hộ và chống thương mại tự do, điển hình như ở Mỹ và Anh hiện tại.

Nếu nhìn nhận theo khía cạnh này, thì tiến trình toàn cầu hóa có lẽ đã bị đứt gãy ngay từ năm 2008 – thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, và cũng là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu lớn nhất kể từ năm 1930. Cuộc khủng hoảng 2008 tác động trực tiếp tới hầu hết các yếu tố được xem như biểu tượng của toàn cầu hóa, đánh gục nó và đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể phục hồi.

Trước hết là thương mại. Trao đổi thương mại toàn cầu đã tăng liên tục trong nhiều thập kỷ trước thời điểm năm 2008, nhưng sau cuộc khủng hoảng nó dường như đã không thể phục hồi lại thời kỳ hoàng kim của mình. Theo thống kê, năm 2008 là đỉnh cao nhất của thương mại toàn cầu từ trước đến nay tính trên tổng lượng và kim ngạch hàng hóa trao đổi. Ở thời điểm hiện tại, khi cuộc khủng hoảng đã trôi qua được 8 năm, kể cả những nhà kinh tế lạc quan và lỗi lạc nhất cũng không thể khẳng định khi nào thương mại toàn cầu có thể trở lại thời kỳ đỉnh cao trước năm 2008.

Yếu tố tiếp theo là người nhập cư. Sau thời điểm 2008, quá trình di cư trên thế giới tiếp tục diễn ra, nhưng đã giảm đi đáng kể về số lượng so với trước năm 2008. Hai ứng cử viên tổng thống Mỹ hiện nay là Donald Trump và Hillary Clinton đang tranh cãi gay gắt về vấn đề người nhập cư, mà điển hình là người nhập cư từ Mexico. Nhưng thực tế là từ năm 2008 đến năm 2014 số lượng người Mexico sống tại Mỹ không tăng mà còn giảm đi khoảng hơn 1 triệu người. Lý do chính là vì suy thoái kinh tế khiến cho sức hấp dẫn của cuộc sống ở Mỹ giảm đi đáng kể. Điều tương tự cũng diễn ra ở phần còn lại của thế giới, các nền kinh tế phát triển phương Tây rơi vào suy thoái khiến cho quá trình di cư giảm hẳn lại do các điều kiện về thu nhập, sinh hoạt.

Tài chính cũng là một yếu tố tương tự. Theo thống kê của Financial Times thì dòng tài chính xuyên biên giới giữa các nền kinh tế toàn cầu đã giảm khá mạnh so với trước thời điểm năm 2008. Nguyên nhân chủ yếu là do tăng trưởng kinh tế chậm hơn, đặc biệt là ở các nền kinh tế phát triển, tác động trực tiếp đến sự sụt giảm của thương mại và qua đó khiến nhu cầu tài chính trở nên ít hơn. Các nền kinh tế mới nổi được xem như động lực mới cho tăng trưởng toàn cầu như Trung Quốc cũng đang giảm tốc cũng khiến tăng trưởng thương mại và tài chính toàn cầu giảm sút. Ngoài ra, do tài chính là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008 (bắt nguồn từ khủng hoảng tài chính Mỹ) nên hầu hết các ngân hàng lớn nhất thế giới tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản hay kể cả Trung Quốc đều tăng cường giám sát và quản lý dòng vốn chặt chẽ hơn, dẫn đến không còn sự dễ dãi về mở rộng tài chính như trước thời điểm năm 2008.

Ngoài các nguyên nhân do tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008, thì tiến trình toàn cầu hóa còn bị tác động mạnh mẽ bởi tình trạng suy giảm tỷ lệ sinh trên khắp thế giới. Tỷ suất sinh tại các nền kinh tế phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đang giảm mạnh, tỷ lệ người cao tuổi ngược lại đang tăng lên rất nhanh. Kể cả các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc thì hiện tại dân số trong độ tuổi lao động cũng giảm đi hàng triệu người mỗi năm. Trên khắp thế giới hiện nay chỉ có duy nhất tiểu vùng Sahara châu Phi, nơi được xem là khu vực nghèo nhất thế giới, là có tỷ suất sinh cao vượt trội mà thôi. Việc tỷ suất sinh giảm đi trên khắp thế giới là một nguyên nhân hàng đầu khiến cho nền kinh tế trì trệ, do không đủ nhân lực cần thiết để vận hành. Dân số thế giới vẫn đang tiếp tục tăng, nhưng phần lớn là do tỷ lệ người cao tuổi tăng lên vì sự tiến bộ của y học và điều kiện sống hơn là vì ngày càng có nhiều trẻ em được sinh ra.

Không ai có thể khẳng định đến khi nào nền kinh tế thế giới mới quay trở lại thời hoàng kim trước thời điểm năm 2008, thời điểm mà tiến trình toàn cầu hóa dường như đạt đỉnh về mọi mặt. Đặc biệt là ở thời điểm hiện tại bắt đầu xuất hiện xu hướng chống toàn cầu nhất làở các nền kinh tế phát triển nhất. Khi các nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc hay Anh quay trở lại xu hướng bảo hộ, thì có thể xem như đã đến lúc đặt dấu chấm hết cho giấc mơ mang tên toàn cầu hóa.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
11 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Toàn cầu hóa đã chết từ năm 2008?