Một nghiên cứu nhỏ về những bệnh nhân mắc các triệu chứng COVID-19 kéo dài cho thấy gần 60% tổn thương thần kinh có thể do đáp ứng miễn dịch bị lỗi.

Tổn thương thần kinh là 1 nguyên nhân gây di chứng hậu COVID-19

Sơn Vân | 02/03/2022, 14:20

Một nghiên cứu nhỏ về những bệnh nhân mắc các triệu chứng COVID-19 kéo dài cho thấy gần 60% tổn thương thần kinh có thể do đáp ứng miễn dịch bị lỗi.

Theo các nhà nghiên cứu Mỹ, phát hiện này có thể chỉ ra các phương pháp điều trị mới cho COVID-19 kéo dài.

Nghiên cứu gồm các cuộc kiểm tra chuyên sâu của 17 người bị di chứng hậu COVID-19 - tình trạng phát sinh trong vòng 3 tháng sau khi nhiễm SARS-CoV-2 và kéo dài ít nhất 2 tháng.

"Tôi nghĩ những gì đang xảy ra ở đây là các dây thần kinh điều khiển những thứ như hơi thở, mạch máu và tiêu hóa của chúng ta trong một số trường hợp bị hư hỏng ở những bệnh nhân mắc COVID-19 kéo dài này", theo Tiến sĩ Anne Louise Oaklander, nhà thần kinh học tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Mỹ) và tác giả chính về nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Neurology: Neuroimmunology & Neuroinflammation.

Có tới 30% những người nhiễm SARS-CoV-2 được cho bị tình trạng COVID-19 kéo dài với các triệu chứng từ mệt mỏi, tim đập nhanh, khó thở, khó khăn về nhận thức, đau mãn tính, bất thường về cảm giác và yếu cơ.

Anne Louise Oaklander và các đồng nghiệp tập trung vào những bệnh nhân có các triệu chứng phù hợp với một loại tổn thương dây thần kinh được gọi là bệnh thần kinh ngoại biên. Tất cả trừ một người từng mắc COVID-19 mức độ nhẹ và không ai bị tổn thương thần kinh trước khi nhiễm SARS-CoV-2.

Sau khi loại trừ những lời giải thích có thể có khác cho những phàn nàn của bệnh nhân, các nhà nghiên cứu đã tiến hành một loạt các thử nghiệm để xác định xem liệu các dây thần kinh có liên quan không.

"Chúng tôi đã xem xét từng bài kiểm tra chẩn đoán khách quan", Anne Louise Oaklander nói. Đại đa số bị bệnh thần kinh sợi nhỏ - tổn thương các sợi thần kinh nhỏ phát hiện cảm giác và điều chỉnh các chức năng cơ thể như hệ tim mạch, hô hấp.

Điều này phù hợp với một nghiên cứu hồi tháng 7 của Tiến sĩ Rayaz Malik thuộc trường Weill Cornell Medicine Qatar, phát hiện ra mối liên quan giữa tổn thương sợi thần kinh trong giác mạc và COVID-19 kéo dài.

Ở nghiên cứu hiện tại, 11 trong số 17 bệnh nhân được điều trị bằng steroid hoặc globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch (IVIG), phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho những bệnh nhân bị tổn thương sợi thần kinh nhỏ do đáp ứng miễn dịch gây ra. Một số người cải thiện dù không có cách nào được chữa khỏi triệu chứng COVID-19 kéo dài.

Tiến sĩ Avindra Nath, chuyên gia về bệnh thần kinh tại Viện Quốc gia Mỹ về Rối loạn thần kinh và Đột quỵ và là tác giả đồng nghiên cứu, cho biết: “Dù kết quả chỉ áp dụng cho những bệnh nhân COVID-19 kéo dài với loại tổn thương thần kinh này, nhưng liệu pháp miễn dịch có thể hữu ích. Với tôi, điều đó gợi ý rằng chúng ta cần thực hiện nghiên cứu triển vọng thích hợp về những loại bệnh nhân này”.

ton-thuong-than-kinh-la-1-nguyen-nhan-gay-di-chung-hau-covid-19.jpg
Người đàn ông tại phòng khám bệnh hậu COVID-19 của Bệnh viện Ichilov ở thành phố Tel Aviv, Israel - Ảnh: Reuters

Viện Sinh học Hệ thống (thành phố Seattle, Mỹ) cho biết đã xác định 4 yếu tố chính giúp dự đoán ai sẽ bị triệu chứng COVID-19 kéo dài. Đó là mắc tiểu đường loại 2, tải lượng vi rút cao, virus EBV (gây bệnh Herpes) tái hoạt, tự kháng thể.

Tiến sĩ Jim Heath, Chủ tịch của Viện Sinh học Hệ thống, cho biết: “Việc xác định các yếu tố này là một bước tiến quan trọng. Chúng ta không chỉ hiểu về COVID-19 kéo dài và khả năng điều trị, mà còn biết cả những bệnh nhân nguy cơ phát triển các bệnh mạn tính cao nhất".

Nhóm nghiên cứu ở Seattle (Mỹ) đã thu thập mẫu của 309 bệnh nhân COVID-19 để điều tra các đặc điểm chung ở những người bị triệu chứng kéo dài.

Theo đó, tải lượng vi rút liên quan chặt chẽ với một số triệu chứng COVID-19 kéo dài.

Thứ hai, các nhà nghiên cứu phát hiện ra vi rút Epstein-Barr (EBV) được kích hoạt trở lại rất sớm sau khi nhiễm SARS-CoV-2 có ảnh hưởng đáng kể đến các triệu chứng COVID-19 kéo dài trong tương lai. EBV là một loại vi rút phổ biến mà hầu hết mọi người đều mắc phải khi còn nhỏ, gây ra các triệu chứng trong khoảng 2 tuần. EBV đôi khi tái hoạt động do các yếu tố bao gồm căng thẳng, mãn kinh hoặc thay đổi nội tiết tố. EBV có thể được kích hoạt trở lại ở bệnh nhân COVID-19 do hệ miễn dịch bị trục trặc.

Yếu tố thứ ba liên quan đến COVID-19 kéo dài dường như là bệnh tiểu đường loại 2. Rõ ràng những người bị tiểu đường có nguy cơ mắc các biến chứng COVID-19 nghiêm trọng cao hơn so với các loại vi rút khác.

Cuối cùng, các nhà khoa học thấy khi người ta có lượng tự kháng thể cao hơn thì sẽ có kháng thể chống SARS-COV-2 thấp hơn. Kháng thể là protein của hệ miễn dịch tấn công các mầm bệnh, như vi rút SARS-CoV-2. Trong khi tự kháng thể tấn công các bộ phận của cơ thể chúng ta do nhầm lẫn. Sự hiện diện của tự kháng thể có nguy cơ gây bệnh do các mô khỏe mạnh bị tổn thương.

Các nhà khoa học cũng đang xem xét liệu vắc xin có thể là một phần của câu trả lời không. Một nhóm của Đại học Yale (Mỹ) đang nghiên cứu khả năng tiêm vắc xin có thể làm giảm các triệu chứng COVID-19 kéo dài. Hai nghiên cứu khác đưa ra bằng chứng ban đầu rằng việc tiêm vắc xin trước khi nhiễm SARS-CoV-2 có thể giúp ngăn ngừa tình trạng hậu COVID-19 hoặc ít nhất là giảm mức độ nghiêm trọng của nó.

Bài liên quan
Omicron lây nhiễm tế bào khác biến thể trước, nguy cơ cao bị bệnh tim và đột quỵ hậu COVID-19
Đó là 2 trong 3 nghiên cứu đáng chú ý được công bố gần đây.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghệ thông tin là ngành luôn ‘khát nhân lực’
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Ngày 28.3, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) đã tổ chức hội thảo chia sẻ về xu hướng ngành công nghệ thông tin và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổn thương thần kinh là 1 nguyên nhân gây di chứng hậu COVID-19