Trong buổi họp báo vừa diễn ra chiều 16.11, rất tiếc Tổng cục Thuế đã lảng tránh lý giải về thông tin Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nói tại Quốc hội rằng, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh 2 năm vừa qua thất thu thuế 94% so với số đối chiếu.

Tổng cục Thuế 'lảng tránh' trước thông tin thất thu thuế 94% với DN ngoài quốc doanh

16/11/2018, 18:28

Trong buổi họp báo vừa diễn ra chiều 16.11, rất tiếc Tổng cục Thuế đã lảng tránh lý giải về thông tin Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nói tại Quốc hội rằng, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh 2 năm vừa qua thất thu thuế 94% so với số đối chiếu.

Ông Phạm Ngọc Lai - Quyền Vụ trưởng Vụ Thanh tra (Tổng cục Thuế) - Ảnh: Internet

Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) chiều 16.11 đã tổ chức họp báo cung cấp một số thông tin liên quan đến dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đang được thảo luận tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Trước thông tin 2 năm vừa qua, doanh nghiệp ngoài quốc doanh thất thu thuế 94% so với số đối chiếu, ông Phạm Ngọc Lai - Quyền Vụ trưởng Vụ Thanh tra (Tổng cục Thuế) cho biết không bình luận về số liệu của Tổng Kiểm toán Nhà nước - Hồ Đức Phớc bởi đó là số liệu của cơ quan kiểm toán đưa ra và ngành thuế chưa nắm được việc này.

Ông Lai cho biết thêm theo kế hoạch thanh tra hàng năm của Tổng cục Thuế, số vụ việc phát hiện có vi phạm rất lớn, tỷ lệ là trên 90%. Trong khi đó, cơ quan thuế áp dụng cơ chế quản lý rủi ro nên hàng năm phân tích rủi ro để chọn các doanh nghiệp thanh tra, tỉ lệ phát hiện vi phạm cũng rất nhiều. Ông Lai thừa nhận, ngay cả khi cơ quan thuế tiến hành thanh tra cũng phát hiện một tỷ lệ sai phạm lớn lên tới 95-97%.

Tuy nhiên theo ông Lai, sai phạm của các doanh nghiệp tùy vào từng trường hợp, có doanh nghiệp chỉ sai phạm 500.000 đồng hoặc 1.000.000 đồng cũng được liệt kê là sai phạm, nên tỉ lệ lớn cũng phải xem xét trên nhiều bình diện.

"Những hành vi sai nhỏ đều tính vào, đánh đồng để nói về tỉ lệ tương đối thì rất khó. Có những doanh nghiệp sai phạm rất nhỏ, nhưng có những doanh nghiệp khi chúng tôi vào truy thu đến 1.850 tỉ đồng", ông Phạm Ngọc Lai nói.

Theo Quyền Vụ trưởng Vụ Thanh tra, những bất cập về chính sách hiện nay chưa theo kịp, chưa đồng bộ với tất cả các hành vi ở thực tiễn nên phải liên tục sửa đổi. Ngoài ra, quản lý thuế theo cơ chế tự khai tự nộp nên cần "thông cảm" cho các doanh nghiệp về những hiểu biết chưa đầy đủ và quan niệm chưa chuẩn về pháp luật thuế.

Trong khi đó, theo quy định của Luật quản lý thuế hiện nay, doanh nghiệp tự khai, tự tính, tự nộp thuế, Cơ quan thuế thông qua phân tích cơ sở dữ liệu tiêu chí quản lý rủi ro để lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra.

Hàng năm thực hiện thanh tra, kiểm tra 18-20% số lượng doanh nghiệp. Trong trường hợp ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, có kết luận và quyết định xử lý thì khi không thống nhất, người nộp thuế có quyền khiếu nại và khởi kiện, cụ thể: Người nộp thuế có quyền khiếu nại 2 lần (lần 1 với cơ quan quản lý thuế ra quyết định xử lý thuế, lần 2 với cơ quan quản lý thuế cấp trên), trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì người nộp thuế có quyền khởi kiện cơ quan quản lý thuế ra Toà án.

Theo đại diện Tổng cục Thuế, rất nhiều đại biểu quan tâm đến nội dung chống chuyển giá, chống thất thu đặc biệt là vấn đề chuyển giá của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, nhất là doanh nghiệp FDI và vấn đề quản lý thuế đối với thương mại điện tử, các giao dịch xuyên biên giới.

Trong năm 2017, Chính phủ đã ban hành các quy định chống chuyển giá tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP, trong đó cập nhật tương đối đầy đủ thông lệ quốc tế tốt nhất về chống chuyển giá, chống chuyển lợi nhuận. Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH và Ủy ban TCNS, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, bổ sung thêm cho quy định đầy đủ, rõ ràng đảm bảo thực hiện có hiệu quả. Một số nội dung về chính sách thuế sẽ được nghiên cứu, bổ sung tại Luật về chính sách thuế trong thời gian tới.

Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ như hiện nay, Tổng cục Thuế cho biết công tác chống chuyển giá, chống xói mòn nguồn thu và tăng cường quản lý, giao dịch xuyên biên giới, Thương mại điện tử rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành trong công tác quản lý nhà nước theo chức năng nhiệm vụ của từng bộ, ngành, địa phương (ví dụ: vấn đề thẩm định vốn, thẩm định dự án đầu tư của các doanh nghiệp FDI cần quản lý chặt chẽ ngay từ khâu cấp phép dự án đầu tư, vấn đề kinh doanh thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới cần sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Công Thương, Bộ TT-TT, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại…).

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
AI chống gian lận trong thương mại điện tử thế nào?
một giờ trước Khoa học - công nghệ
Trong bối cảnh bảo mật thông tin đe dọa trực tiếp đến quyền lợi của người dùng, trí tuệ nhân tạo (AI) nổi lên như một giải pháp đầy tiềm năng, góp phần bảo vệ người tiêu dùng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng cục Thuế 'lảng tránh' trước thông tin thất thu thuế 94% với DN ngoài quốc doanh