Do những khó khăn khách quan, một số đơn vị có mức lợi nhuận âm đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới tổng lợi nhuận của 19 tập đoàn, tổng công ty.
Tại Hội nghị tổng kết 2023, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, tổng doanh thu công ty mẹ 19 tập đoàn, tổng công ty do đơn vị này quản lý đạt hơn 1,13 triệu tỉ đồng, vượt 5% kế hoạch đặt ra. Tuy nhiên, con số này thấp hơn 3,4% so với năm ngoái.
Nếu không tính Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), lợi nhuận trước thuế ước hơn 53.256 tỉ đồng, tăng gần 11% so với cùng kỳ, nhưng nếu tính cả EVN, lợi nhuận trước thuế giảm khoảng 44%.
"Do những khó khăn khách quan, một số đơn vị có mức lợi nhuận âm, trong đó có những doanh nghiệp lớn, có vai trò trọng yếu như EVN, Vietnam Airline làm ảnh hưởng không nhỏ tới tổng lợi nhuận của 19 tập đoàn, tổng công ty", đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho hay.
Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2023 của EVN cho thấy, số lỗ lũy kế ở thời điểm hiện tại là hơn 43.800 tỉ đồng (tương đương với khoảng 1,8 tỉ USD).
Theo đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ nửa đầu năm của EVN ghi nhận là 229.880 tỉ đồng, tăng nhẹ so với con số của cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, kinh doanh dưới giá vốn khiến EVN lỗ gộp 15,2 tỉ đồng, trong khi năm ngoái chỉ lỗ 4,2 tỉ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính giảm trong khi chi phí lãi vay lại tăng lên đến 8.744 tỉ đồng, chi phí bán hàng cũng như quản lý doanh nghiệp cũng tăng, dẫn tới EVN báo lỗ từ hoạt động kinh doanh 27.683 tỉ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí phát sinh, thuế, EVN báo lỗ 29.107 tỉ đồng 6 tháng đầu năm. Con số tăng mạnh so với số lỗ cùng kỳ năm ngoái là 16.586 tỉ đồng.
Vốn chủ sở hữu do đó giảm mạnh từ 225.000 tỉ đồng xuống còn 194.000 tỉ đồng. Nợ phải trả tính đến cuối tháng 6 giảm nhẹ còn 437.962 tỉ đồng, trong đó vay nợ tài chính ngắn hạn và dài hạn 306.000 tỉ đồng, chiếm 70% tổng vay nợ.
Nói về cung ứng điện trong năm 2024, Chủ tịch EVN Đặng Hoàng An cho biết, tập đoàn đang chuẩn bị kịch bản tăng trưởng cao với GDP tăng 6 - 6,5%, tốc độ tăng trưởng điện 9,4 - 9,8%. EVN cũng chuẩn bị kịch bản cho 3 tháng mùa khô để không xảy ra tình trạng thiếu điện như năm 2023.
Tuy nhiên, ông An cho hay, việc cung ứng điện không chỉ liên quan EVN. Hiện nay, EVN chỉ chiếm gần 38% tổng cơ cấu nguồn điện. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chiếm 8%, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) khoảng 2% và 52% nguồn điện phụ thuộc vào các chủ đầu tư nhà máy điện BOT, các nhà máy điện tư nhân.
Trong năm 2024, EVN sẽ tập trung hoàn thành sửa chữa các nhà máy, tích nước các hồ thủy điện ở mức cao nhất, đồng thời đề nghị bộ, các đơn vị bám sát kế hoạch cung ứng điện đã được phê duyệt để giữ độ tin cậy tối đa trong vận hành hệ thống.
Đối với giai đoạn cao điểm tiêu thụ điện vào cuối tháng 5, nửa đầu tháng 6, ông An nói việc thiếu điện cho thấy còn nhiều vấn đề. Các nguyên nhân đã được thanh tra bộ chỉ ra, kiểm điểm rút kinh nghiệm với cán bộ, lãnh đạo của EVN.
Để tăng cường cung ứng điện cho miền Bắc vào cao điểm tiêu thụ điện, toàn ngành đang dốc toàn lực thực hiện công trình 500kV mạch 3 với tinh thần "chưa bao giờ có sự thần tốc như vậy". Ngoài ra, tập đoàn cũng đặt mục tiêu đầu tư xây dựng với 102.000 tỉ đồng, khởi công đóng điện nhiều dự án.
Năm 2023, tập đoàn này dành 91.000 tỉ đồng đầu tư 146 công trình điện và đóng điện 163 công trình lưới điện 110-500kV. Số vốn dành cho đầu tư dự án công trình điện năm sau của EVN khoảng 102.000 tỉ đồng, tăng 10.000 tỉ đồng so với năm 2023.
Còn với Vietnam Airlines, sau thời gian dài trì hoãn, hãng hàng không quốc gia Việt Nam cuối cùng đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2022 với lợi nhuận sau thuế âm 11.223 tỉ đồng - đánh dấu 3 năm liền thua lỗ. HoSE còn từng lưu ý Vietnam Airlines về khả năng hủy niêm yết, nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục có lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ và/hoặc vốn chủ sở hữu là số âm.
Cụ thể, tại ngày 31.12.2022, nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 39.470 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm 11.056 tỉ đồng và khoản phải trả quá hạn 15.396 tỉ đồng.
Đơn vị này vào tháng 11 vừa qua cũng công bố báo cáo tài chính quý 3/2023 với mức lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 2.360 tỉ đồng, lỗ trước thuế 2.132 tỉ đồng và sau thuế 2.203 tỉ đồng.
Theo Vietnam Airlines, trong thời gian qua do thị trường vận tải từng bước phục hồi và Tổng công ty chủ động triển khai hàng loạt các giải pháp ngắn hạn và dài hạn như điều hành linh hoạt cung ứng tải vận chuyển, cắt giảm tối đa chi phí, đàm phán giảm giá dịch vụ... đã giúp mức lỗ quý 3/2023 giảm so với quý 3/2022.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh vận tải vẫn chưa cân bằng được thu chi do thị trường quốc tế chưa phục hồi hoàn toàn đặc biệt là các thị trường trọng điểm như: Trung Quốc, Nhật Bản, HongKong, Đài Loan... và các yếu tố chiến tranh, rủi ro tài chính và chi phí đầu vào như giá nhiên liệu, tỷ giá, lãi suất vẫn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh.
Lũy kế 9 tháng, Vietnam Airlines đạt doanh thu thuần 67.628 tỉ đồng và lỗ sau thuế 3.534 tỉ đồng. Doanh thu tăng 32% và số lỗ giảm hơn một nửa so với 9 tháng 2022. Tính đến ngày 30.9.2023, Vietnam Airlines lỗ lũy kế 37.932 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm 13.950 tỉ đồng.