Tiêu dùng nội địa là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. Vậy làm gì để kích cầu tiêu dùng nội địa thành công trong năm 2024?
Kinh tế - đầu tư - dự án

Năm 2024, kích cầu tiêu dùng ở Việt Nam phải tập trung vào tầng lớp trung lưu

Tuyết Nhung 20/12/2023 07:00

Tiêu dùng nội địa là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. Vậy làm gì để kích cầu tiêu dùng nội địa thành công trong năm 2024?

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 với chủ đề "Kích cầu tiêu dùng nội địa" ngày 19.12, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn - giảng viên chính sách công tại Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright nhìn nhận có 4 yếu tố tổng cầu rất quan trọng của nền kinh tế gồm: tiêu dùng của các hộ gia đình, đầu tư của doanh nghiệp, chi tiêu của chính phủ và xuất khẩu ròng. Vì vậy, khi chính phủ nói kích cầu qua chi tiêu đầu tư công thì phải lan tỏa ra nền kinh tế.

"Khi đi vào các chính sách, phải gắn cụ thể với bối cảnh của nền kinh tế. Vì những năm trước đây, kích cầu nhưng gắn với nhập khẩu nhiều do chuỗi cung ứng nội địa hóa chưa cao nên chưa lan tỏa ra nền kinh tế. Điều đó có nghĩa, các động lực cần phải gắn kết với nhau, đầu tư công phải lan tỏa ra nền kinh tế", TS Đỗ Thiên Anh Tuấn cho hay.

Chi tiêu tiêu dùng trong nước chiếm khoảng 60 - 65% GDP. Trong đó, chi tiêu hộ gia đình khoảng 50 - 55% GDP. Với dân số 100 triệu dân và 20 triệu người trung lưu tạo ra sức cầu rất lớn, đến năm 2026 có thể tăng thêm khoảng 4 triệu người gia nhập vào tầng lớp trung lưu.

"Thu nhập của 1 người chia làm chi tiêu và tiết kiệm. Đối với nền kinh tế của Việt Nam, khuynh hướng tiêu dùng biên là khá cao, trong 100 đồng người dân tạo ra có thể dùng tới 60 - 70 đồng để chi tiêu thêm. Tiêu dùng biên có thể đạt tới 1 hoặc lớn hơn 1, nghĩa là đi vay để chi tiêu đối với tầng lớp trung lưu. Còn người thu nhập thấp thì họ tiết kiệm nhiều hơn vì khó khăn. Do đó, nếu kích cầu phải tập trung nhiều hơn vào tầng lớp trung lưu, riêng tầng lớp thu nhập cao thì lại hạn chế chi tiêu", ông Thiên Anh nói.

anh-1.png
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên chính sách công tại Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright - Ảnh: NLĐ

Theo chuyên gia này, tiêu dùng của nước ngoài rất quan trọng. Năm 2023, triển vọng kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu không quá xán lạn hay đột phá, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giữ lãi suất đi ngang. Đến năm 2024, dự báo FED sẽ có ít nhất 3 lần giảm lãi suất.

Mỹ là một nền kinh tế tiêu dùng, cũng là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam nhưng xuất khẩu của Mỹ lại gắn với nhập khẩu nhiều. Do đó, tăng trưởng ngoại thương cần nhìn nhận sâu hơn, tăng trưởng xuất khẩu gắn với nhập khẩu các yếu tố đầu vào - kích thích các nền kinh tế phụ thuộc vào chuỗi cung ứng nên cần thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Xuất khẩu còn gắn với doanh nghiệp nước ngoài (FDI) khi chiếm tới 70 - 75% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Và giá trị tăng thêm, lợi nhuận của doanh nghiệp FDI chuyển về nước nên chưa tạo ra nền kinh tế và lan tỏa nhiều cho nền kinh tế. Do đó, kích cầu tiêu dùng nội địa lúc này là giải pháp thiết thực nhất. Đặc biệt là gắn với cuộc vận động "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", hướng vào các doanh nghiệp nội địa. Cần chính sách gắn khuyến khích tiêu dùng với sản xuất trong nước, thì hệ số nhân tài khóa mới lan tỏa.

Một yếu tố khác về thuế, khuyến khích "người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt", theo TS Đỗ Thiên Anh Tuấn cần thực chất bằng chính sách thuế. Việc giảm thuế GTGT từ 10 xuống 8% là cần thiết, vì thuế GTGT là nguồn thu lớn nhất (33% tổng nguồn thu ngân sách) và lan tỏa rất mạnh trong các lĩnh vực. Tuy nhiên, chính sách thuế cần giảm với lộ trình đủ dài như trong 2 năm, thay vì giảm 6 tháng/lần theo kiểu "dò đá qua sông" sẽ khó tạo động lực cho thị trường. Bởi người dân chi tiêu còn phụ thuộc vào thu nhập dự kiến trong tương lai.

Ngoài ra, cần thúc đẩy mạnh mẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân. Bởi thuế thu nhập cá nhân đã lạc hậu, cần đồng bộ, dứt khoát mạnh mẽ các giải pháp. Cuối cùng là cần phát triển hệ thống phân phối và tiêu dùng nội địa. Nếu không nắm được hệ thống phân phối trong nước sẽ mất nền sản xuất trong nước. Nhà phân phối của Việt Nam phải chủ động giữ sân nhà, vì thông qua hệ thống phân phối đó, hàng Việt mới có thể đi vào thị trường, thậm chí mở rộng ra các thị trường lân cận.

Dự báo về những định hướng cho ngành bán lẻ năm 2024, ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết có 5 điểm cần lưu ý trong 2023 để từ đó có định hướng 2024 cho ngành bán lẻ phát triển hơn.

Thứ nhất, năm 2023, lần đầu tiên có làn sóng của các đơn vị ngoại giao, tham tán thương mại các nước Đông Âu vào Việt Nam. Hiện nay, làn sóng này vẫn tiếp diễn. Xung đột Palestine - Isareal ảnh hưởng đến việc triển khai thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước, hàng hóa đổ về các thị trường ổn định.

Thị trường xuất hiện những khủng hoảng đơn cực về những sản phẩm cụ thể, ví dụ khủng hoảng về gạo. Dự kiến sẽ còn khủng hoảng ở những mặt hàng khác khi các quốc gia bắt đầu dự trữ chiến lược một số mặt hàng, bao gồm đường và dầu ăn. Khi có mâu thuẫn xung đột nội bộ giữa các thị trường sẽ có ảnh hưởng đến Việt Nam, do đó việc cân nhắc các mối quan hệ với doanh nghiệp nước ngoài và các giao dịch rất quan trọng đối với doanh nghiệp bán lẻ.

Thứ hai, hợp tác ngoại giao đa phương, song phương giữa Việt Nam với các nền kinh tế rất phát triển. Qua những tuyên bố chung về APEC, ASEAN+... đã tạo nên những xúc tiến rất lớn. Vì vậy, cần thiết tận dụng lại những quy hoạch liên quan đến doanh nghiệp nước ngoài, quan hệ hợp tác để các doanh nghiệp nắm bắt các cơ hội này một cách cụ thể hơn để vận hành kinh doanh.

Thứ ba, những chính sách vĩ mô trong năm 2023. Mối quan hệ giữa lãi suất, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và tỉ giá ngoại tệ lớn có tác động rất lớn đến ngành bán lẻ. Vì vậy, cơ quan quản lý cần có chính sách điều hành với nhịp độ nhanh hơn nhằm đáp ứng những biến động của thị trường. Những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đã có nhiều nhưng Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam kiến nghị năm 2024 cần chính sách căn cơ hơn để tạo hiệu ứng kích cầu ổn định và lâu dài. Trong đó, tăng cường những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, nhà nước có thể có chính sách giảm giá trực tiếp cho thuê mặt bằng để tạo sự sôi động cho thị trường...

Thứ tư, lần đầu tiên Việt Nam có doanh nghiệp lớn niêm yết ở Mỹ. Đây là điều tích cực để thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2023 cũng là năm đầu tiên Việt Nam có dấu ấn trong ngành công nghiệp bán dẫn, qua đó thúc đẩy ngành công nghiệp số đóng góp tích cực cho nền kinh tế trong thời gian tới. Trong lĩnh vực bán lẻ, những đơn vị bán lẻ lớn đang suy nghĩ ứng dụng các kênh mạng xã hội để tạo xu thế kích cầu dựa trên nguồn lực mới này.

Thứ năm là chỉ số niềm tin của người tiêu dùng. Giai đoạn 2022 - 2023, lần đầu tiên chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam thấp nhất Đông Nam Á, theo Nielsel. Vì vậy, việc ổn định công ăn việc làm cho người dân sẽ giúp cải thiện chỉ số này. Cũng trong 2022 - 2023, lần đầu tiên tỷ lệ đóng góp của các nhà bán lẻ thuần Việt giảm xuống còn 1/3. Việc này tác động rất lớn đến phân phối chuỗi giá trị ở thị trường Việt Nam và thế giới. Trong khi đó, vẫn đang thiếu sự kết nối hài hòa giữa phân phối và sản xuất để tạo giá trị chung.

"5 điểm này là đúc kết của giai đoạn 2022 - 2024 và cũng là xu hướng của năm 2024 mà các doanh nghiệp bán lẻ, đặc biệt là doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cần phải đầu tư hơn", ông Nguyễn Anh Đức nhìn nhận.

Bài liên quan
Thái Lan tăng thêm ngày nghỉ lễ để kích cầu du lịch và tiêu dùng
Trang Bloomberg đưa tin, nội các Thái Lan vừa phê duyệt quyết định chọn ngày 31.7 là ngày nghỉ của ngành ngân hàng và người lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
2 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Năm 2024, kích cầu tiêu dùng ở Việt Nam phải tập trung vào tầng lớp trung lưu