CHDCND Triều Tiên đã tỏ ý muốn bán đảo Triều Tiên “hoàn toàn phi hạt nhân” mà không ra điều kiện tiên quyết nào, ví dụ đòi rút quân Mỹ khỏi Hàn Quốc.

Tổng thống Hàn Quốc nói Triều Tiên muốn hoàn toàn phi hạt nhân

Trần Trí | 20/04/2018, 10:19

CHDCND Triều Tiên đã tỏ ý muốn bán đảo Triều Tiên “hoàn toàn phi hạt nhân” mà không ra điều kiện tiên quyết nào, ví dụ đòi rút quân Mỹ khỏi Hàn Quốc.

Đó là tuyên bố của Tổng thống Hàn Quốc Moon Ja-in trước khi ông có cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 27.4 tới. Bình Nhưỡng cũng xác nhận tuyên bố này là đúng.

Lãnh đạo Hàn Quốc nói với các nhà báo hôm 19.4: “Triều Tiên không ra bất kỳ điều kiện tiên quyết nào, ví dụ rút quân Mỹ khỏi Hàn Quốc. Tất cả những gì họ thể hiện là kết thúc chính sách thù địch chống lại Triều Tiên, kế tiếp là bảo đảm an ninh”.

Cuộc gặp giữa hai lãnh đạo Triều-Hàn sẽ tiếp nối bằng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều, giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với ông Kim Jong-un trong tháng 5 hoặc tháng 6 tới.

Hôm 18.4, ông Trump hứa sẽ gặp ông Kim Jong-un trong vài tuần tới để bàn chuyện phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Nhưng ngày 19.4, ông cũng nói sẵn sàng hủy cuộc gặp nếu các cuộc đàm phán không đạt kết quả.

Ông Trump cũng xác nhận Giám đốc CIA Mike Pompeo đã đến Bình Nhưỡng gặp ông Kim Jong-un, mở đường cho ông có cuộc gặp lãnh đạo Triều Tiên.

Đó là cuộc gặp cấp cao nhất giữa hai nước từ sau năm 2000khi Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright đến Bình Nhưỡng gặp Chủ tịch Kim Jong-il.Và đây cũng là lần đầu tiên ông Kim Jong-un gặp một quan chức cấp cao của phương tây.

Câu hỏi chính ở cuộc gặp Mỹ-Hàn: ông Kim Jong-un có nghiêm túc trong mục tiêu hủy bỏ chương trình vũ khí hạt nhân? Và ông sẽ muốn gì ở Mỹ?

Tại một cuộc họp báo nhân dự hội thảo về giải trừ vũ khí (do LHQ tổ chức) hôm 19.4, đặc sứ Mỹ Robert Wood nói Mỹ sẽ tiếp tục “chiến dịch gây sức ép tối đa”nhằm thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân, dù sự chuẩn bị cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều đang được tiến hành.

Trong khi đó, Liên hiệp châu Âu (EU) áp lệnh cấm xuất cảnh và niêm phong tài sản của 4 người bị nghi “hoạt động tài chính gian lận” giúp chương trình vũ khí của Triều Tiên.

EU không nêu tên 4 người này, nhưng nói đã nâng số người bị đưa vào danh sách đen cấm vận Triều Tiên lên 59 người cùng 9 công ty. Danh sách đen cấm vận Triều Tiên của LHQ có 80 người và 75 công ty.

Tổ chức Vận động Quốc tế chấm dứt vũ khí hạt nhân (đoạt giải Nobel Hòa bình 2017) tuyên bố rất ủng hộ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triềusau nhiều tháng căng thẳng giữa hai nước.

Bà Beatrice Fihn, lãnh đạo tổ chức trên, nói những lời dọa nạt lẫn nhau của hai lãnh đạo Mỹ-Triều khiến nguy cơ chiến tranh hạt nhân “thật sự cao và nguy hiểm”. Bà nói nếu cuộc gặp thượng đỉnh có kết quả về giải trừ vũ khí hạt nhânthì “chúng tôi rất hoan nghênh”.

Chưa hề có cuộc gặp thượng đỉnh nào giữa lãnh đạo Triều Tiên với một Tổng thống Mỹ đương nhiệm, dù ông Bill Clinton từng suýt đạt thỏa thuận gặp Chủ tịch Kim Jong-il (cha ông Kim Jong-un) hồi cuối năm 2000.

Triều Tiên từng bảo vệ chương trình vũ khí là cần thiết để chống sự thù địch của Mỹ vốn đang có 28.500 quân trú đóng ở Hàn Quốc, một di sản của Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Triều Tiên trong nhiều năm qua đều nói sẽ xem xét từ bỏ kho vũ khí hạt nhân nếu Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc, rút hệ thống phòng thủ hạt nhân ở nước này và ở Nhật Bản.

Triều Tiên cũng đã nhiều lần thách thức các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng bảo an LHQ.

Ngày 18.4,Hàn Quốc tuyên bố đang xét cách chuyển hiệp định đình chiến với Triều Tiên thành một thỏa thuận hòa bình vĩnh viễn.

Vợ ông Kim Jong-un được nâng bậc lên Đệ nhất phu nhân

Lãnh đạo Triều Tiên cũng đã quyết nâng vợ lên bậc Đệ nhất phu nhânnhằm chuẩn bị cuộc gặp thượng đỉnh với các Tổng thống Mỹ-Hàn. Lần đầu tiên trong hơn 40 năm, giới truyền thông Triều Tiên gọi bà Ri Sol-ju là “Đệ nhất phu nhân khả kính”, nhân dịp bà dự khán một vở diễn ba-lê Trung Quốc ở Bình Nhưỡng.

​Bà Ri Sol-ju từng là ngôi sao ca sĩ, từ năm 2012 được xem là một trong những phụ nữ có địa vị cao ở Triều Tiên nhưng bà chỉ có một vai trò hạn chế. Trước đây, giới truyền thông nhà nước Triều Tiên chỉ gọi bà là “đồng chí”. Họ nói việc bà xem vở ba-lê là lần đầu tiên (kể từ năm 1974) bà có danh hiệu Đệ nhất phu nhân. Danh hiệu này từng dành cho bà Kim Song-ae, người vợ thứ hai của nhà lập quốc Kim Nhật Thành (Kim Il-sung).

Bích Ngọc (theo Guardian)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng thống Hàn Quốc nói Triều Tiên muốn hoàn toàn phi hạt nhân