Báo Washington Post đưa tin một hồ sơ mật dài 18 trang vừa được giải mật theo lệnh của tòa án vào tối 5.8 (giờ địa phương). Tài liệu này quy định quyền hạn của Tổng thống Obama trong phê duyệt kế hoạch tấn công khủng bố ở nước ngoài.

Tổng thống Obama được quyền tấn công khủng bố như thế nào?

09/08/2016, 11:15

Báo Washington Post đưa tin một hồ sơ mật dài 18 trang vừa được giải mật theo lệnh của tòa án vào tối 5.8 (giờ địa phương). Tài liệu này quy định quyền hạn của Tổng thống Obama trong phê duyệt kế hoạch tấn công khủng bố ở nước ngoài.

Binh sĩ Mỹ chuẩn bị máy bay không người lái bay tấn công khủng bố - Ảnh: CNN

Hồ sơ vừa được chính phủ giải mật mang tên “Tài liệu hướng dẫn chính sách của tổng thống”. Tổng thống Obama ký duyệt tài liệu hướng dẫn tuyệt mật này hồi tháng 5.2013.

Tài liệu bao gồm các thủ tục và tiêu chuẩn tiến hành chiến dịch tấn công mục tiêu khủng bố.

Đây là tài liệu hướng dẫn quy định quyền hạn của Tổng thống Obama phải phê duyệt các kế hoạch tấn công khủng bố ở nước ngoài bằng máy bay không người lái hoặc vũ khí khác ở ngoài vùng chiến sự. Tuy nhiên, trong vài trường hợp, tổng thống không cần ký duyệt.

Xác định mục tiêu khủng bố trước khi tiêu diệt

Ngoài quy định về vai trò của tổng thống Mỹ, tài liệu hướng dẫn còn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công tác xác minh nhân thân mục tiêu giá trị cao, thậm chí nêu rõ tiêu chuẩn và tính pháp lý của hành động tấn công những người chưa được xác định khi cần phải đạt được mục tiêu chính sách của Mỹ.

Tài liệu hướng dẫn đưa ra các quy định về tấn công mục tiêu là công dân Mỹ ở nước ngoài, bao gồm rất nhiều chỉ dẫn về những việc cần phải làm với nghi phạm khủng bố bị bắt.

Tài liệu hướng dẫn viết: “Trong trường hợp không xảy ra sự cố nào, đối tượng bị bắt sẽ bị giải về các cơ sở giam giữ ở căn cứ hải quân Mỹ ở Guantanamo”.

Theo quy định, phải gần như chắc chắn có mặt của mục tiêu khủng bố, không được làm dân thường chết oan hoặc bị thương, mục tiêu khủng bố là “mối đe dọa tiếp diễn và nổi trội” cho các công dân Mỹ, không dễ bắt được mục tiêu và phải tuân thủ mọi luật quốc gia và luật pháp quốc tế.

Minh bạch về chiến dịch chống khủng bố ở nước ngoài

Tổng thống Obama đã cho thấy ông đã lường trước các thủ tục chi tiết nhằm giám sát chính phủ kế nhiệm: “Hy vọng của tôi là khi tôi mãn nhiệm, không chỉ có sẵn một cơ chế nội bộ để giám sát các tiêu chuẩn mà chúng tôi đã lập mà còn là thủ tục được thể chế hóa nhằm gia tăng tính minh bạch và giám sát các hoạt động sát thương ở ngoài vùng chiến sự ở nước ngoài".

Tuy nhiên, không có quy định pháp lý buộc tổng thống kế nhiệm ông Obama phải tuân thủ các qui định trong bản hướng dẫn mới giải mật. Dù vậy, các quan chức chính phủ đề nghị giấu tên cho biết một tài liệu hướng dẫn như thế sẽ kiểm chế được các tổng thống khác.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Ned Price nhận xét về tài liệu hướng dẫn mới giải mật: “Tổng thống đã nhấn mạnh chính phủ Mỹ phải nỗ lực minh bạch với nhân dân Mỹ về các chiến dịch chống khủng bố của chúng ta, cách thức chính phủ tiến hành và kết quả của chiến dịch”.

Ông nói thêm: “Các hoạt động của chúng ta đạt hiệu quả và hợp pháp, tính hợp pháp này được thể hiện rõ bằng cách công bố thêm thông tin về các hoạt động này cũng như lập ra các tiêu chuẩn rõ ràng cho các nước khác noi theo”.

Máy bay không người lái Mỹ hoạt động tại Afghanistan - Ảnh: EPA

Mỹ chỉ công bố tài liệu mật sau khi bị kiện

Dù hứa minh bạch nhưng chính phủ Mỹ đã chờ đến cuối nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Obama mới công bố thông tin chi tiết về các vụ tấn công bằng máy bay không người lái và các vũ khí sát thương khác.

Hồi tháng 7, chính phủ Mỹ đã công bố số liệu dân thường chết oan vì máy bay không người lái của CIA và quân đội Mỹ ở Yemen, Pakistan, Somalia và Libya.

Có từ 64 đến 116 dân thường chết oan và từ 2.372 đến 2.581 “tay súng” bị tiêu diệt trong 473 vụ tấn công ở các nước mà Mỹ không tham chiến.

Các tổ chức phi chính phủ không chấp nhận số liệu trên và cho rằng số dân thường chết oan còn cao hơn. Số liệu trên không tính đến các vụ tấn công ở các vùng chiến sự Afghanistan, Iraq và Syria.

Tài liệu hướng dẫn tuyệt mật nêu trên đã bị tổ chức Liên minh Tự do dân sự Mỹ (ACLU) kiện hồi mùa thu 2013.

Tổ chức này dựa vào Luật Tự do thông tin để yêu cầu chính phủ Mỹ công bố tài liệu này. Chính phủ đã bác bỏ với lý do “tổng thống có quyền ưu tiên về thông tin”.

Đến đầu năm 2016, sau khi thẩm phán Colleen McMahon ở tòa án quận Nam (New York) thắc mắc về quyền ưu tiên này, chính phủ Mỹ mới hứa công bố tài liệu được biên tập lại.

Sau nhiều lần trao đổi với tòa án về đề nghị biên tập lại, hồi tháng 7 vừa qua, thẩm phán McMahon yêu cầu chính phủ phải chuyển tài liệu hướng dẫn tuyệt mật cho ACLU không trễ quá ngày 5.8.

Đến khuya 5.8, chính phủ lặng lẽ tải bản hướng dẫn đã giải mật lên trang web của Bộ Tư pháp.

Jameel Jaffer, phó chủ nhiệm pháp lý ACLU, ghi nhận: “Lẽ ra tài liệu hướng dẫn phải được công bố từ 3 năm trước, nhưng việc bây giờ công bố sẽ thông tin thêm cho cuộc tranh luận đang diễn ra về tính hợp pháp và khôn ngoan trong các chính sách chống khủng bố của quân đội Mỹ”.

Trung Trực (theo Washington Post)

Bài liên quan
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden
Nhân chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Rio de Janeiro (Brazil), chiều 18.11 giờ địa phương (sáng nay 19.11 giờ Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng thống Obama được quyền tấn công khủng bố như thế nào?