Trong số 31 trường hợp nhảy cầu tự tử từ đầu năm 2024 đến nay tại TP.HCM, lực lượng cứu nạn cứu hộ chỉ cứu được 1 người. Công an TP.HCM ra khuyến cáo người dân và kêu gọi các cơ quan chức năng lưu tâm về vấn đề này.
Tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM vào chiều 11.7, Thượng tá Lê Mạnh Hà – Phó phòng tham mưu, Công an TP.HCM cho biết từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng phòng chữa chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an TP.HCM đã thực hiện cứu nạn cứu hộ 31 trường hợp nhảy cầu tự tử. Qua đó, lực lượng này đã tìm vớt xác và cứu sống được 1 người.
Phân tích về nguyên nhân các trường hợp tự tử trên, ông Hà cho biết thường là buồn chuyện gia đình, mâu thuẫn trong cuộc sống, rối loạn tâm thần, trầm cảm, áp lực học hành, thi cử, kinh doanh thua lỗ…
Qua đây, ông Hà đề nghị các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn đến tư vấn, sức khỏe tinh thần cho người dân, hỗ trợ việc làm, hỗ trợ kinh doanh cho doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng cần khảo sát lắp đặt các rào chắn 2 bên cầu, thành lập các đội tình nguyện chuyên sâu khi phát hiện được những trường hợp nhảy cầu sẽ cứu được nhiều hơn.
Ngoài ra, người dân, hàng xóm, gia đình cần hưởng ứng cuộc vận động của TP với chủ đề xây dựng TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình để quan tâm, theo dõi, giúp đỡ, hỗ trợ. “Chỉ có như vậy chúng ta mới ngăn chặn, phát hiện kịp thời các trường hợp có ý định nhảy cầu, và cứu sống người nhảy cầu nhiều hơn”, ông Hà nhấn mạnh.
Liên quan đến việc cấp thẻ căn cước, chứng nhận căn cước từ ngày 1.7 đến nay, ông Hà cho biết hiện Công an TP đã thu nhận, cấp mới thẻ căn cước là 31.418 trường hợp, trong đó có 25.707 trường hợp công dân từ 14 tuổi trở lên, 4.742 trường hợp công dân từ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi, 878 trường hợp công dân dưới 6 tuổi và 6 trường hợp công dân không đủ điều kiện đăng ký tạm trú, thường trú chỉ được cấp chứng nhận căn cước.
Theo ông Hà hiện nay Công an TP đang gặp rất nhiều khó khăn và áp lực trong công tác cấp thẻ căn cước, chứng nhận căn cước. Tuy nhiên, lực lượng công an đã tập trung chủ động, có kế hoạch, giải pháp để tổ chức thực hiện.
"Khó khăn nhất hiện nay trong quá trình cấp thẻ căn cước, chứng nhận căn cước là việc điều chỉnh thông tin. Theo Nghị quyết 11 của Hội đồng nhân dân TP về việc thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố, ấp, lực lượng công an phải cập nhật thông tin này cho trên 3.100 hộ với trên 11 triệu nhân khẩu. Đây là một áp lực rất lớn hơn nhiều so với việc cấp, đổi thẻ căn cước”, ông Hà cho biết.