Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Dương Anh Đức cho biết, TP hết sức quan tâm, mong muốn không để bất kỳ người dân nào bị đói, cố gắng đưa gói cứu trợ đến sớm nhất với người cần.
Chiều 19.8 đã diễn ra cuộc họp báo về tình hình phòng chống COVID-19 trên địa bàn TP.HCM. Tại đây, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức đã trao đổi một số nội dung về công tác an sinh xã hội. Theo đó, TP hết sức quan tâm đến công tác này với mong muốn không để bất kỳ người dân nào bị đói, gặp khó khăn, cố gắng đưa gói cứu trợ đến sớm nhất với người cần.
TP.HCM đã có 2 đợt chi hỗ trợ, đến nay đã chi trả cho người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp,… với tổng số tiền đã chi là hơn 913,8 tỉ đồng. Ngoài ra, còn hỗ trợ các hộ kinh doanh phải tạm ngừng hoạt động 12 tỉ đồng; hỗ trợ thương nhân tại các chợ truyền thống do ngừng hoạt động gần 26 tỉ đồng; hỗ trợ người lao động nghèo sống trong khu nhà trọ, khu lưu trú khoảng 147 tỉ đồng; hỗ trợ khoảng 43.000 hộ nghèo, cận nghèo với 47,5 tỉ đồng và đang tiếp tục triển khai;… Đối với những người có tài khoản, TP chuyển thẳng vào tài khoản, những người không có tài khoản, các lực lượng sẽ trao tận tay.
Liên quan đến tình trạng người dân ra đường đông hơn những ngày trước đây, ông Dương Anh Đức cho biết, TP.HCM có hơn 10 triệu dân, thêm khoảng 3 triệu người diện tạm trú là khoảng 13 triệu người, nhu cầu đi lại rất lớn. Khi TP.HCM cho phép duy trì thêm một số hoạt động, thì số người được phép ra đường mỗi ngày khoảng 1,2 triệu lượt. Qua kiểm soát đa số những người ra đường là đúng đối tượng, chỉ có một số ít người ra đường không có lý do chính đáng.
Công an TP kiểm soát mỗi ngày khoảng 200.000 trường hợp thì số người bị xử phạt chỉ chiếm 1,5%. Bên cạnh đó, sau một thời gian áp dụng các biện pháp hạn chế người dân ra đường, có một số dịch vụ trước đây bị cấm nay đã nới lỏng hơn để đảm bảo duy trì cuộc sống hàng ngày, như bảo trì các tòa nhà, xử lý cống nghẹt… Ngoài ra, có nhiều tuyến đường nhánh bị chặn, chỉ đi được ở những tuyến đường chính nên có cảm giác người ra đường những tuyến đường chính đông hơn. Trong số 1,2 triệu lượt người ra đường cũng có khoảng 200.000 lượt người đi tiêm vắc xin. Nhóm đối tượng này không phải điều đáng ngại, nguy cơ nếu có chỉ là khi ùn tắc cục bộ ở các chốt kiểm soát ở thời điểm nhất định.
Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, Công an TP.HCM đang rà soát lại kỹ 17 đối tượng được ra đường từ 6 giờ sáng đến 18 giờ tối, để tới đây nếu nhóm nào không thực sự cần thiết thì sẽ hạn chế bớt.
Về tình hình tiêm vắc xin, Phó Chỉ tịch UBND TP Dương Anh Đức thông tin, tính từ đầu đợt dịch đến giờ, có trên 5 triệu người TP đã được tiêm. Theo số lượng thống kê có 2.969 trường hợp có phản ứng thông thường sau tiêm, không có phản ứng mạnh, mọi người tiêm đều an toàn.
Về việc quản lý, điều trị F0 tại nhà, Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, những ngày qua, hệ thống y tế, chính quyền đã đầu tư rất lớn cho kế hoạch này, bảo đảm chăm sóc F0 tốt hơn, giảm tử vong tại nhà do COVID-19. Sở Y tế cũng đã đề ra mô hình Trạm y tế lưu động, trước mắt tiếp tục quản lý F0, hỗ trợ, tư vấn, điều trị F0 tại nhà, hỗ trợ chuyển đi cấp cứu. Mỗi trạm quản lý 50-100 F0, gồm tối thiểu 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng, 3 nhân viên không phải là y tế để hỗ trợ. Hiện TP đang chuẩn bị 400 trạm và hướng tới 1.000 trạm thời gian tới. Trang bị tối thiểu là 2 bình oxy, máy thở, máy đo nồng độ oxy máu, bộ xét nghiệm tại nhà, túi thuốc kháng đông, kháng viêm, điều trị vi rút…
Vụ việc bệnh viện quận Bình Tân thu tiền viện phí của người mắc COVID-19 tử vong, Bác sĩ Võ Tuấn Trường, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện quận Bình Tân đã thẳng thắn nhận lỗi và nhận trách nhiệm về việc sai sót thu phí bệnh nhân COVID-19. Bác sĩ Võ Tuấn Trường cho biết, thời gian qua nhân viên bệnh viện tập trung tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 nên có những sai sót trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước. Với tinh thần cầu thị, bệnh viện xin nghiêm túc rút kinh nghiệm, cũng như rà soát, khắc phục. Đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đã đóng viện phí trong thời gian vừa qua, Bệnh viện sẽ chủ động liên lạc và hoàn trả lại mọi chi phí. Trong thời gian tới, các bệnh nhân được chẩn đoán mắc COVID-19 vẫn được điều trị miễn phí từ ngân sách nhà nước.
“Bệnh viện xin chia sẻ nỗi đau mất mát của người dân bị mắc COVID-19. Bằng tinh thần cầu thị, một lần nữa Bệnh viện xin lỗi và rất mong sự chia sẻ, thông cảm của người dân để toàn thể Bệnh viện tiếp tục tập trung vào công tác thu dung, điều trị, cứu chữa bệnh nhân mắc COVID-19”, Bác sĩ Võ Tuấn Trường chia sẻ.
Phát biểu tại buổi họp báo, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê nhấn mạnh, thực hiện Nghị quyết 86 của Chính phủ, TP tiếp tục thực hiện nghiêm về giãn cách xã hội. Đi kèm đó thực hiện an sinh xã hội, hỗ trợ kịp thời những trường hợp khó khăn yếu thế. TP nỗ lực, quyết tâm thực hiện Nghị quyết 86 của Chính phủ với mục tiêu kiểm soát dịch trước 15.9.