Nếu bổ sung đối tượng khen thưởng và điều chỉnh tăng mức thưởng như Sở GD-ĐT đề xuất,Quỹ Thi đua - Khen thưởng của TP.HCM sẽ phải chi thêm gần 20 tỉ đồng mỗi năm.
Sau 16 năm thực hiện Quyết định số 162/2004/QĐ-UBND (ngày 2.7.2004) do UBND TP.HCM ban hành, các mức thưởng đối với học sinh, giáo viên đoạt giải trong các kỳ thi, giáo viên có công đào tạo, bồi dưỡng học sinh đoạt giải trong các kỳ thi, Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng nội dung của quyết định đã bộc lộ nhiều bất cập, đòi hỏi phải xây dựng chính sách mới cho phù hợp tình hình thực tế.
Do đó, Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP đề xuất tăng mức thưởng cho học sinh, học viên đoạt giải trong các kỳ thi Olympic quốc tế các môn học, thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật quốc tế, tăng lên 20 lần so với mức thưởng đang áp dụng.
Học sinh, học viên đoạt giải trong các kỳ thi Olympic khu vực các môn học cũng được đề xuất mức thưởng tăng lên 15 lần so với mức thưởng đang áp dụng. Riêng học sinh, học viên đoạt các giải quốc gia, thành phố được nhận khen thưởng cũng được đề xuất mức thưởng tăng lên 10 lần so với mức thưởng đang áp dụng.
Đối với mức thưởng cho giáo viên có học sinh đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia được đề xuất tăng lên 10 lần so với mức thưởng đang áp dụng. Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất bổ sung đối tượng khen thưởng và mức thưởng cho giáo viên có học sinh đoạt giải trong các kỳ thi quốc tế, khu vực và TP vì Quyết định 162/2004/QĐ-UB không quy định đối tượng này được khen thưởng.
Theo ước tính, nếu bổ sung đối tượng khen thưởng và điều chỉnh tăng mức thưởng, hằng năm Quỹ Thi đua - Khen thưởng TP.HCM sẽ phải chi thêm gần 20 tỉ đồng.
Trước đó, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản gửi trưởng phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức và 21 quận huyện, hiệu trưởng các trường THPT công lập và ngoài công lập, giám đốc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc về hướng dẫn tổ chức thực hiện các khoản thu học phí và các khoản thu khác năm học 2020-2021 khi học sinh đi học trở lại sau thời gian tạm ngừng đến trường do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Theo đó, thời gian thu học phí và các khoản thu khác phải đảm bảo nguyên tắc theo số tháng thực học nhưng không vượt quá khung thời gian quy định về kế hoạch thời gian năm học do UBND TP ban hành đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Trong đó, học phí các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập được thu không quá 9 tháng/năm học. Sở GD-ĐT TP lưu ý trong thời gian học sinh, sinh viên, học viên ngừng đến trường để phòng chống dịch bệnh, nếu các đơn vị không triển khai học trực tuyến thì không thực hiện thu học phí, mà chỉ thực hiện thu khi tổ chức học trực tuyến hoặc bố trí học bù.