Hiện nay xe cứu thương vận chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 tại TP.HCM đang thiếu hụt trầm trọng, khiến không ít người bị “mắc kẹt” vì không có xe cứu thương đưa đến bệnh viện.

TP.HCM giải quyết tình trạng bệnh nhân COVID-19 “mắc kẹt” vì thiếu xe cứu thương

Hồ Quang | 14/08/2021, 12:49

Hiện nay xe cứu thương vận chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 tại TP.HCM đang thiếu hụt trầm trọng, khiến không ít người bị “mắc kẹt” vì không có xe cứu thương đưa đến bệnh viện.

Theo thống kê của Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM, hiện nay trên địa bàn TP có chưa đến 250 xe cứu thương phục vụ vận chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 đến các cơ sở điều trị cũng như chuyển viện và xuất viện.

Bác sĩ Nguyễn Duy Long- Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM cho biết, hiện trung tâm này chỉ có 20 xe cứu thương để phục vụ vận chuyển bệnh nhân COVID-19, nhưng do bệnh nhân mắc COVID-19 tăng cao, trung tâm phải mượn thêm 14 xe để phục vụ vận chuyển bệnh nhân.

tphcm-giai-quyet-tinh-trang-benh-nhan-covid-19-mac-ket-vi-thieu-xe-cuu-thuong-hinh-anh(1).png
Xe cứu thương phục vụ vận chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 tại TP.HCM- Ảnh: PV 

"Các xe cứu thương mà trung tâm mượn là xe của các bệnh viện. Toàn bộ số xe mượn này được chuyển đến các bệnh viện dã chiến để phục vụ vận chuyển bệnh nhân ở đây”, bác sĩ Long nói.

Như vậy cùng với 200 xe cứu thương của tất cả các bệnh viện công tư trên địa bàn, TP cũng chỉ có được 234 xe cứu thương để phục vụ vận chuyển, đưa đón bệnh nhân mắc COVID-19.

Có thể nói, với số lượng xe cứu thương trên chẳng khác nào như “muối bỏ bể” khi số lượng ca mắc COVID-19 trung bình mỗi ngày tại TP.HCM lên đến khoảng 4.000 ca. Các xe cứu thương này phải ngày đêm rong ruổi liên tục trên các tuyến đường để vận chuyển bệnh nhân mắc COVID-19, nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu bệnh nhân mắc COVID-19.

Trong thời gian qua, không ít bệnh nhân COVID-19 phải “mắc kẹt” tại nhà, mòn mỏi cầu cứu xe cứu thương đưa đến bệnh viện, thậm chí những bệnh nhân không may trở nặng phải tử vong.

Trước tình hình trên, bác sĩ Long cho biết, ngành y tế đã kêu gọi các đơn vị vận tải cùng tham gia vào hoạt động chống dịch COVID-19.

Theo đó, hiện nay đã có nhiều đơn vị vận tải đăng ký chuyển đổi công năng các xe vận chuyển hành khách sang xe cứu thương để phục vụ bệnh nhân mắc COVID-19.

Trong đó, taxi Mai Linh đã đăng ký chuyển đổi công năng 200 xe 7 chỗ (gắn thêm thiết bị y tế, chủ yếu là hệ thống oxy) để vận chuyển F0. Tuy nhiên, tới thời điểm này mới có 65 xe đi vào hoạt động. Hiện số xe còn lại đang chờ gắn thêm đồng hồ oxy và bổ sung nhân viên y tế đi kèm.

Riêng taxi Phương Trang đăng ký chuyển đổi công năng 220 xe và đã được giao về các quận, huyện và TP.Thủ Đức phân cho các Tổ phản ứng nhanh vận hành. Số xe này gắn chặt với hoạt động cách ly chăm sóc F0 không triệu chứng, không bệnh nền tại nhà mà các địa phương đang triển khai.

Liên quan đến việc giải quyết tình trạng bệnh nhân COVID-19 “mắc kẹt” vì thiếu xe cứu thương, hôm 13.8, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, hiện TP đã đặt mua thêm 50 xe cứu thương của Hãng sản xuất ô tô Thaco Trường Hải. Hiện đơn vị này đang gấp rút thực hiện đơn hàng của TP để ngành y tế sớm có thêm đầu xe cứu thương phục vụ bệnh nhân COVID-19.

Bên cạnh việc thiếu hụt xe cứu thương phục vụ bệnh nhân COVID-19, bác sĩ Nam cho biết, TP còn thiếu xe vận chuyển bình oxy đến mạng lưới 16 bệnh viện dã chiến. Trong những ngày qua, một số nơi đã phải chữa cháy bằng cách sử dụng xe cứu thương chở bình oxy nhằm cung cấp cho các cơ sở y tế kịp thời cứu chữa những bệnh nhân mắc COVID-19 nặng.

Theo ông Nam, thời gian qua trên địa bàn TP ngoài xe cứu thương do Trung tâm Cấp cứu 115 và các bệnh công tư vận hành, gần 100 xe cứu thương thuộc các tổ chức thiện nguyện, hoặc cá nhân, đã tham gia phục vụ F0 bất vụ lợi. Đây là hành động thiết thực chung tay cùng ngành y tế, cùng chính quyền TP chăm sóc, điều trị kịp thời bệnh nhân COVID-19.

Bài liên quan
Nhiều cửa hàng ở TP.HCM bán vàng, trang sức không rõ nguồn gốc
Lực lượng quản lý thị trường TP.HCM tăng cường giám sát, kiểm tra các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh vàng, tạm giữ hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ trị giá gần 500 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
8 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM giải quyết tình trạng bệnh nhân COVID-19 “mắc kẹt” vì thiếu xe cứu thương